|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hạn chế đầu tư nước ngoài vào fintech, Việt Nam có vi phạm các cam kết quốc tế?

16:15 | 11/12/2019
Chia sẻ
Việc hạn chế tỉ lệ đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán ở mức 49% là vấn đề tranh luận nóng của các bên trong việc có hay không vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam tại WTO, CPTPP.
807eda8cadb154ef0da0

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: QT).

Ngày 11/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt.

Phát biểu khai mạc, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết thanh toán không dùng tiền mặt là một xu hướng ngày càng phát triển, đem lại sự thuận tiện trong hoạt động của doanh nghiệp, đời sống của người dân và góp phần thay đổi cách thức quản trị theo hướng minh bạch, hiện đại. 

Do vậy, Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt sẽ là văn bản quan trọng, ảnh hưởng lớn đến các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán, các doanh nghiệp thụ hưởng dịch vụ và đông đảo người dân, được sự quan tâm chú ý của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.

Về phía NHNN, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết Nghị định 101 năm 2012 đã qua 6 năm triển khai, với những nội dung quan trọng ảnh hưởng sâu rộng, là nền tảng pháp lí cho các hoạt động thanh toán và trung gian thanh toán, tạo điều kiện cho các loại hình mới như thanh toán điện tử, thanh toán di động. 

Tuy nhiên, do sự phát triển của đời sống kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, yêu cầu hội nhập, một số qui định của Nghị định cần được sửa đổi, bổ sung. 

Chia sẻ sâu hơn, ông Hồ Cảnh Liêm, đại diện Ban soạn thảo cho biết quan điểm xây dựng nghị định là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế tối đa các hoạt động sử dụng tiền mặt để giảm chi phí. Đồng thời, tạo sự minh bạch trong nền kinh tế, tạo điều kiện ứng dụng công nghệ hiện đại, hạn chế các rủi ro trong giao dịch, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, các doanh nghiệp mới tham gia vào lĩnh vực thanh toán.

"Hạn chế đầu tư nước ngoài vào fintech, Việt Nam có thể bị kiện?"

Một vấn đề nóng được trao đổi sôi nổi tại hội thảo là qui định về hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán, theo đề xuất tại dự thảo không quá 49%. 

Theo ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử, mặc dù thương mại điện tử phát triển nhanh gần đây nhưng tỉ lệ thanh toán ko dùng tiền mặt trong những năm nay không tăng. Để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, cần thiết phải có vốn đầu tư nước ngoài, vì đây là lĩnh vực có nhiều rủi ro, trong khi nguồn vốn trong nước chưa sẵn sàng.

Đồng quan điểm này, ông Nishikawa, Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt (Ví điện tử Payoo), đại diện cho nhà đầu tư NTT (Nhật Bản) cho biết các nhà đầu tư nước ngoài có sự đóng góp lớn không chỉ vì về vốn đầu tư mà cả công nghệ, tri thức để phát triển, do đó NHNN cần cân nhắc về qui định hạn chế vốn đầu tư nước ngoài.

Còn theo một số chuyên gia pháp lí, việc hạn chế đầu tư nước ngoài có thể vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam tại WTO, CPTPP. 

Dựa trên Báo cáo của Ban hội thẩm WTO về Dịch vụ thanh toán điện tử - Trung Quốc, nhóm góp ý lập luận rằng theo các cam kết hiện có đã cho phép sở hữu nước ngoài 100% trong các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán.

Do vậy, qui định hiệu lực hồi tố tại Điều 42 của Dự thảo trái với Điều 74 Luật Đầu tư, đồng thời trái với các cam kết bảo hộ đầu tư trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương, có thể dẫn đến nguy cơ Chính phủ Việt Nam bị khởi kiện bởi chính phủ hoặc các nhà đầu tư nước ngoài. 

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đặng Thanh Sơn, Luật sư thành viên Công ty Luật Baker McKenzie đã dẫn ra trường hợp Trung Quốc bị WTO xử thua kiện khi áp dụng hạn chế tương tự trong lĩnh vực thanh toán điện tử.

Mặt khác, mặc dù cơ quan soạn thảo cho rằng "trung gian thanh toán" không được thể hiện trong các lĩnh vực cam kết, tuy nhiên đây chỉ là một khái niệm pháp lí riêng của Việt Nam, còn về bản chất hoạt động này đã được bao gồm trong lĩnh vực được cam kết là dịch vụ thanh toán. 

Do vậy, nếu chính phủ hoặc nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện, quyền diễn giải điều ước và áp dụng qui định sẽ thuộc về cơ quan tài phán hoặc trọng tài đầu tư, chứ không thuộc về phía Việt Nam. 

"Nếu thua kiện, chúng ta có thể đối mặt với hậu quả tốn kém và dư luận tiêu cực. Do đó, Chính phủ cần cân nhắc nhiều giải pháp khác nhau để kiểm soát, theo dõi và ngăn chặn các hoạt động đầu tư không mong muốn cụ thể, thay vì áp đặt hạn chế trên toàn thị trường", ông Tuấn nhấn mạnh.

NHNN: Qui định về quản lí hoạt động trung gian thanh toán không bị coi là vi phạm các cam kết quốc tế

Trước những luồng quan điểm trái chiều liên quan đến các cam kết của Việt Nam đối với dịch vụ thanh toán trong khuôn khổ Hiệp định WTO, dịch vụ thanh toán điện tử trong Hiệp định CPTPP, đại diện NHNN đã đưa ra ý kiến chính thức dựa trên cơ sở tham vấn nội bộ NHNN và một số Bộ, ngành liên quan về vấn đề tỉ lệ sở hữu nước ngoài:

"Qua đối chiếu qui định trong nước và các cam kết của Việt Nam tại các Hiệp định dẫn chiếu ở trên, NHNN nhận thấy khái niệm và phạm vi trung gian thanh toán theo qui định của pháp luật trong nước không thuộc phạm vi cam kết mở cửa của Việt Nam tại Hiệp định WTO và Hiệp định CPTPP.

Do vậy các quy định pháp luật để quản lí dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có qui định tỉ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để đưa vào dự thảo Nghị định không thuộc phạm vi cam kết và không chịu ràng buộc bởi các cam kết quốc tế đã dẫn ở trên".

Về các cam kết quốc tế của Việt Nam về mở cửa thị trường

Trong Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam trong WTO, tại mục B. Dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tài chính khác, Việt Nam có cam kết như sau:

- Đối với phương thức cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (mode 1): cam kết đối với dịch vụ B(k) cung cấp và chuyển thông tin tài chính và xử lý dữ liệu tài chính cũng như các phần mềm liên quan của các nhà cung cấp các dịch vụ tài chính khác

- Đối với phương thức cung cấp dịch vụ thông qua hình thức hiện diện thương mại (mode 3) VN đã cam kết đối với 11 phân ngành dịch vụ trong lĩnh vực này, trong đó có dịch vụ B(d) mọi dịch vụ thanh toán và chuyển tiền, bao gồm thẻ tín dụng, thẻ thanh toán và thẻ nợ, séc du lịch và hối phiếu ngân hàng.

Trong Hiệp định CPTPP, Việt Nam đã kí thư liên quan tới dịch vụ thanh toán thẻ điện tử (EPS) với tất cả các nước CPTPP còn lại với nội dung bảo lưu quyền yêu cầu "các dịch vụ thanh toán điện tử được cung cấp bởi nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài qua biên giới vào Việt Nam phải thông qua một cổng được vận hành bởi một đơn vị chuyển mạch thẻ quốc gia do NHNN cấp phép".

NHNN cũng cho biết như đã nhiều lần khẳng định và thể hiện rõ trong Hồ sơ dự thảo Nghị định, dịch vụ trung gian thanh toán là ngành nghề kinh doanh có điều kiện tác động trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia dịch vụ cũng như ảnh hưởng đến sự ổn định, an ninh, an toàn trong thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. 

Do đó một trong các điều kiện tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải đáp ứng để được cấp giấy phép là tỉ lệ tối đa nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào tổ chức trung gian thanh toán. 

Qui định này được đề ra nhằm tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng vẫn bảo đảm được vai trò chủ động của các doanh nghiệp trong nước, bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động ngân hàng - tài chính, chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. 

Tại Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị định trình Chính phủ, NHNN đã dự kiến trình tỉ lệ góp vốn của nhà đầu tư tối đa là 30%. Tuy nhiên, trong quá trình lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý của đại diện một số tổ chức có liên quan, NHNN đã tiếp thu và nâng tỉ lệ góp vốn lên tối đa là 49% như tại dự thảo mới nhất.

NHNN cam kết đảm bảo Việt Nam sẽ tuân thủ cam kết quốc tế trong các Hiệp định liên quan như WTO, CPTPP có nội dung liên quan đến dịch vụ thanh toán, dịch vụ thanh toán thẻ điện tử. Đồng thời, sẽ tiếp tục rà soát các quy định có liên quan về dịch vụ thanh toán tại Hiệp định bảo hộ đầu tư, hiệp định thương mại song phương với một số nước, đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

NHNN mới đây đã công bố dự thảo lấy ý kiến thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó bao gồm nhiều nội dung mới trung gian thanh toán, tiền điện tử, tiền di động (mobile money).

Một nội dung mới tại dự thảo đáng được chú ý là việc NHNN đề xuất tỉ lệ tối đa phần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (bao gồm cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp) là 49%.

Đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép trước ngày Nghị định sửa đổi có hiệu lực, có tỉ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài cao hơn 49% sẽ được duy trì cho đến khi có sự thay đổi nhà đầu tư nước ngoài hoặc hết thời hạn giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Theo NHNN, qui định này nhằm tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng vẫn bảo đảm được vai trò chủ động của các doanh nghiệp trong nước, tránh sự thao túng của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này, bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động, chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Quốc Thụy