|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

GS. Nguyễn Mại: Cần có chương trình riêng để thu hút FDI từ Nhật Bản và Hàn Quốc

17:41 | 17/10/2017
Chia sẻ
Theo GS Nguyễn Mại, Việt Nam có triển vọng lớn để thu hút đầu tư nhiều hơn từ các tập đoàn lớn cũng như các DN vừa và nhỏ từ Nhật Bản và Hàn Quốc nên cần có chương trình riêng để thu hút FDI từ 2 nước này.
gs nguyen mai can uu tien thu hut fdi mot so nganh cong nghe cao
GS. Nguyễn Mại (Ảnh: Nhadautu.vn).

Tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Định hướng thu hút FDI trong thời gian tới” do Tạp chí Nhà Đầu Tư tổ chức sáng nay (17/10), GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, từ năm 1991 đến nay, khu vực kinh tế ĐTNN trở thành động lực tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp ngày càng nhiều vào giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu, thu ngân sách nhà nước và tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Theo GS. Nguyễn Mại, trong 26 năm từ 1991 đến 2017, nước ta đã thu hút được 161,959 tỷ USD vốn FDI thực hiện. Tính bình quân mỗi năm giai đoạn 1991-2000 đạt 1,95 tỷ USD, 10 năm tiếp theo đạt 5,85 tỷ USD, 7 năm gần đây là 12 tỷ USD, bằng 6,1 lần của giai đoạn 1991-2000 và 2,09 lần của giai đoạn 2001-2010.

Kể từ năm 2001, sau khi trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực, đã có thêm nhiều dự án lớn công nghệ cao, dịch vụ hiện đại của Intel, Nokia, Canon, Samsung, LG làm tăng thêm tỷ trọng của khu vực FDI trong giá trị sản lượng công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu.

Trong 5 năm gần đây, nhiều dự án có quy mô lớn với vốn đầu tư từ 1 tỷ USD trở lên, biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất một số sản phẩm công nghệ cao của thế giới như smartphone, máy tính bảng, công nghệ thông tin.

Trong năm 2016, khu vực kinh tế ĐTNN chiếm khoảng 50% giá trị sản lượng công nghiệp, trong đó dầu khí, điện tử, smartphone, mobiphone, linh kiện điện tử, thức ăn gia súc, đồ uống... có tỷ trọng cao hơn nhiều.

Khu vực đầu tư nước ngoài chiếm trên 72% tổng kim ngạch xuất khẩu mà mặt hàng chủ lực là hàng chế tạo có giá trị gia tăng cao, xuất siêu khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu của khu vực này, chẳng những bù đắp được nhập siêu của doanh nghiệp trong nước mà còn tạo ra xuất siêu gần 3 tỷ USD; đóng góp khoảng 20% thu nội địa và 20% GDP.

Nếu như thu ngân sách nhà nước từ khu vực đầu tư nước ngoài chỉ đạt 5,2% trong tổng thu ngân sách năm 2000, thì tỷ trọng này đã tăng lên 18,6% trong năm 2016. Ngoài ra, đóng góp của khu vực FDI vào tổng đầu tư xã hội đã tăng lên 23,8% trong năm 2016.

Theo GS Nguyễn Mại, những con số thống kê trên thể hiện quy mô vốn FDI vào nước ta ngày càng lớn, đồng thời chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của khu vực kinh tế ĐTNN ngày càng cao hơn.

"30 năm là thời gian đủ dài để khẳng định rằng, chủ trương của Đảng và Nhà nước mở cửa để hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có thu hút vốn đầu tư quốc tế đồng thời với chủ trương đổi mới theo kinh tế thị trường là đúng đắn và kịp thời để đưa đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội sớm hơn dự kiến, tạo tiền đề để chấn hưng đất nước theo các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội", GS Nguyễn Mại nói.

Cần thu hút FDI có chọn lọc

GS.TSKH Nguyễn Mại cho biết, về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Giáo sư Klaus Schwab - Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhận định, công nghệ mới này sẽ gây ảnh hưởng to lớn đến mọi luật lệ, mọi nền kinh tế, mọi ngành công nghiệp. Ông cũng cảnh báo các công nghệ mới sẽ dẫn đến những thay đổi về quyền lực, gây ra những lo ngại về an ninh cũng như về khoảng cách giàu nghèo, nếu không được kiểm soát tốt.

Bên cạnh đó,nhiều báo cáo phân tích cũng đã chỉ ra dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế, trong đó có tình trạng chuyển giá, trốn thuế, lậu thuế, gây ô nhiễm môi trường, tranh chấp lao động... GS. Nguyễn Mại cho rằng, cần dựa vào thực tiễn trên cơ sở tổng kết, đánh giá bằng phương pháp khoa học, với quan điểm khách quan, không định kiến thì mới có thể đưa ra nhận xét phù hợp với tình hình thực tế được.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch VAFIE đưa ra nhiều khuyến nghị về định hướng thu hút FDI trong thời gian tới.

Cụ thể, theo ông Mại, trong khi vẫn coi trọng các ngành nghề thu hút nhiều lao động ở những địa phương còn kém phát triển thì cần ưu tiên thu hút FDI một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn như công nghệ thông tin, điện tử, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn (SMA), cơ khí chế tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu mới, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, chăm sóc sức khỏe cộng đồng...

Cần có chương trình riêng để thu hút FDI từ Nhật Bản và Hàn Quốc

Về vấn đề thu hút vốn FDI trong thời gian tới, theo GS. Mại, việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã làm thay đổi việc thu hút FDI từ các nước ASEAN và ngoài ASEAN. Do đó cần có định hướng mới về thu hút FDI trong khuôn khổ AEC.

Ngoài ra, ông cho rằng Việt Nam cần có chương trình riêng để thu hút FDI từ Nhật Bản và Hàn Quốc để tận dụng công nghệ và kinh nghiệm từ hai nước này. Hiện quan hệ giữa Việt Nam và hai nước đó đang rất tốt, dựa trên lòng tin vững chắc, nên nước ta có triển vọng lớn để thu hút nhiều hơn các tập đoàn lớn cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ hai nước đó.

Đối với các nước EU và Mỹ, GS. Mại cho rằng FDI từ hai đối tác này vẫn còn quá khiêm tốn dù có những chuyển động tích cực trong hai năm gần đây. Ông khuyến nghị cần có chính sách mới nhằm gia tăng từ các nước phát triển, nhất là trong các ngành công nghệ hiện đại phù hợp với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Đối với FDI từ Trung Quốc hiện có xu hướng gia tăng, GS. Mại cho rằng cảnh giác là cần thiết, nhưng cần có định hướng để vừa tận dụng được lợi thế của Việt Nam đối với quốc gia đó về địa lý, quan hệ truyền thống về thương mại và đầu tư, đồng thời đảm bảo an ninh - quốc phòng.

gs nguyen mai can uu tien thu hut fdi mot so nganh cong nghe cao Được gì sau 30 năm thu hút FDI: FDI, môi trường và nỗi buồn đọng lại

Thu hút đầu tư nước ngoài nhưng không phải trả giá bằng môi trường là điều mà các quốc gia trên thế giới đều quan ...

Diệu Linh

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.