Gỡ khó cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Tại Hội thảo "Các trợ lực giúp doanh nghiệp SME ngành sản xuất tăng tốc trong thời đại số" do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức sáng ngày 3/10/2019, Phó Chủ tịch VCCI, ông Trần Ngọc Liêm cho biết chỉ 3% doanh nghiệp siêu nhỏ Việt Nam, 4% doanh nghiệp nhỏ và gần 9% doanh nghiệp qui mô vừa là có khách hàng nước ngoài.
Theo đại diện VCCI, các doanh nghiệp nước ngoài đang xâm nhập vào thị trường Việt Nam ngày càng mạnh nhờ sự thuận lợi từ cơ chế chính sách và các hiệp định thương mại. Nhóm doanh nghiệp FDI dẫn dắt xuất khẩu và thậm chí lấn át nhiều doanh nghiệp Việt Nam ngay trên sân nhà.
Tình cảnh này càng bi đát hơn đối với doanh nghiệp SME trong nước, khi nhóm này vốn đã đối diện nhiều thử thách hơn so với các doanh nghiệp nội địa có qui mô lớn. Sau khi đi vào hoạt động, 20% doanh nghiệp siêu nhỏ và 14% doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận thấy thị trường tệ hơn so với kì vọng ban đầu. Tỉ lệ này đối với doanh nghiệp lớn chỉ là 6%.
Thậm chí, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của nhóm các doanh nghiệp SME cũng khá ảm đạm. Theo đó, tỉ lệ doanh nghiệp SME thua lỗ ở các doanh nghiệp siêu nhỏ là 32%, 17% ở các doanh nghiệp nhỏ và 16% doanh nghiệp vừa.
Lí giải cho những kết quả này, Phó Chủ tịch VCCI đưa ra nhiều nguyên nhân. Theo đó, doanh nghiệp càng nhỏ thì càng khó tiếp cận nguồn vốn. Trung bình chỉ có 40% doanh nghiệp siêu nhỏ, 62% doanh nghiệp nhỏ và 74% doanh nghiệp qui mô vừa là tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Con số này đối với doanh nghiệp lớn là 81%.
Thêm nữa, nhóm doanh nghiệp SME cũng chịu lãi suất vay đắt đỏ hơn và vay vốn ngắn hạn là chủ yếu. Không ít doanh nghiệp cho biết phải bồi dưỡng nhân viên ngân hàng để vay vốn, ông Liêm chia sẻ.
Vị Phó Chủ tịch VCCI cho rằng điều này đòi hỏi cần hình thành hệ thống cung cấp vốn thuận lợi và minh bạch hơn. Bản thân doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch kinh doanh. Cùng với đó, phía ngân hàng cũng cần có được năng lực chuyên môn tốt hơn trong đánh giá, thẩm định doanh nghiệp.
Một vấn đề cản trở sự phát triển của nhóm doanh nghiệp SME là khả năng tiếp cận đất đai hạn chế. Dưới 30% các doanh nghiệp SME đánh giá cao đối với mức độ ổn định của mặt bằng kinh doanh (xét trên nhận định rủi ro bị thu hồi đất).
Trong khi nhu cầu thuê đất khu công nghiệp của nhóm doanh nghiệp SME rất lớn, chưa tới 11% doanh nghiệp nhỏ và 19% doanh nghiệp quy mô vừa có đất nằm trong các khu, cụm công nghiệp.
Khó tiếp cận đất đai cũng gián tiếp ảnh hưởng đến năng lực tài chính của các doanh nghiệp SME. Ông Liêm cho biết, khi doanh nghiệp không có giấy tờ đất đai hợp lệ thì không thể thế chấp vay vốn ngân hàng, gây khó khăn đến tài chính, thậm chí trong những trường hợp có thể ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Để cải thiện tình trạng này, theo đại diện VCCI, Nhà nước cần có chính sách đồng bộ hơn cả về giá cho thuê, cũng như qui hoạch, lao động và hạ tầng nhằm tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp SME trong việc tiếp cận đất đai tại các khu công nghiệp.
Một khó khăn nữa là doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận thông tin về pháp luật và chính sách hơn so với các doanh nghiệp qui mô lớn hơn. 75% doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết họ phải cậy nhờ đến các mối quan hệ để tiếp cận thông tin.
Chỉ một phần nhỏ các doanh nghiệp SME cho biết có thể dự đoán được những thay đổi trong các qui định pháp luật ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Đi kèm với đó, nhóm doanh nghiệp này cũng không có nhiều thông tin về hội nhập.
Số doanh nghiệp "không biết" hoặc "không biết gì sâu" về Hiệp định TPP/CPTPP chiếm tới 74% số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ, 72% với doanh nghiệp nhỏ, 65% với doanh nghiệp qui mô vừa và thậm chí một nửa số doanh nghiệp lớn cũng có cùng câu trả lời.
Ngoài ra, ông Liêm cũng chia sẻ thêm một số rào cản đối với sự phát triển của nhóm doanh nghiệp SME như vấn đề nhân sự; nhiều các thủ tục thanh, kiểm tra; nhiều thủ tục hành chính lặp đi lặp lại; các chi phí không chính thức...
Những vấn đề này đặt ra bài toán nâng cao hiệu quả công tác thông tin về chính sách, pháp luật liên quan tới doanh nghiệp SME. Chẳng hạn, các tỉnh thành có thể thực hiện cập nhật thông tin liên tục trên các website của mình.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, dễ hiểu, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.
Các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần được cải thiện chất lượng. Theo Phó Chủ tịch VCCI, các cơ quan chính quyền địa phương cần có kế hoạch rút khỏi việc cung cấp trực tiếp các dịch vụ này và chuyển giao cho các hiệp hội doanh nghiệp và khu vực tư nhân.