Gỡ điểm nghẽn 'có tiền mà không thể tiêu' trong đầu tư công
Đầu tư công được xác định là một trong những trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên việc giải ngân luôn ở tình trạng ì ạch.
Làm thế nào để giải quyết dứt điểm tình trạng “có tiền mà không thể tiêu” là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2024 với chủ đề "Tháo gỡ điểm nghẽn giải ngân đầu tư công", do Báo Người Lao động tổ chức ngày 15/8 ở TP HCM.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, đầu tư công là một trong ba trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bên cạnh tiêu dùng và xuất khẩu. Việc đầu tư, giải ngân đầu tư công tốt sẽ kích tổng tăng trưởng quốc gia theo cấp số nhân, càng đưa dòng tiền sớm vào thị trường thì tính lan tỏa càng sớm, đem lại hiệu quả càng cao.
Tuy nhiên, trong giải ngân đầu tư công hay có tình trạng "6 tháng đầu năm đủng đỉnh, 6 tháng cuối năm chạy đua" nên tác động lại không nhiều.
6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả nước mới đạt 29,39% yêu cầu đặt ra. Tại TP HCM và các tỉnh khu vực Đông Nam bộ - nơi được xem là vùng kinh tế năng động nhất, việc giải ngân đầu tư công cũng gặp khó khăn, tỷ lệ thực hiện còn thấp.
Do đó, để đạt mục tiêu từ nay đến cuối năm có thể giải ngân 90-95% vốn đã đề ra sẽ cần phải đồng bộ triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu.
“Trong đầu tư công đang có tình trạng "có tiền mà không thể tiêu". Đây là vấn đề rất lớn, không thể nào duy trì tình trạng này, trong khi vấn đề thiếu vốn vẫn đang diễn ra.
Tình trạng này giống như một doanh nghiệp có tiền để ngân hàng mà đi vay lãi suất cao hơn thì chỉ có phá sản. Đầu tư công cũng vậy”, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nói.
Theo ông Lê Bách Cương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đầu tư xây dựng phụ trách phía Nam, để thúc đẩy đầu tư công, có khoảng 70% các đầu việc để các địa phương có thể đẩy nhanh; trong đó quan trọng nhất là giải phóng mặt bằng, vì đây là khâu khó khăn nhất trong quá tình thực hiện.
Khi triển khai đồng loạt các dự án cũng xuất hiện một số dự án được triển khai theo cơ chế đặc thù, các bộ ngành ban đầu còn các lúng túng vì còn một vài cơ chế phân cấp cho các địa phương, cơ chế chỉ định thầu…
Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ thành lập các ban chỉ đạo, họp hàng tháng, có khó khăn vướng mắc sẽ tổng hợp báo cáo các cấp thẩm quyền, để các địa phương phối hợp giải quyết kịp thời.
“Đối với những vướng mắc liên quan chủ yếu công tác vật liệu, giải pháp mặt bằng, Bộ cũng chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để người dân sớm bàn giao mặt bằng, khai thác các mỏ vật liệu, hoàn thành sớm các thủ đục để có mỏ vật liệu, thực hiện quá trình dự án…”, ông Lê Bách Cương cho biết.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA), các dự án đầu tư công hiện nay đều do Nhà nước hay một Ban Quản lý dự án nào đó thực hiện. Các dự án đầu tư công “thừa tiền”, nhưng “nghẽn” chủ yếu do cơ chế thủ tục, quy trình, trình tự…
Điều này đòi hỏi phải có sự giải quyết một cách đồng bộ giữa các Bộ ngành, địa phương. Các cơ quan ban ngành cần mạnh dạn thay đổi cách tiếp cận khác.
“Các dự án đầu tư công cần xã hội hóa để giải quyết điểm nghẽn. Tất cả thủ tục và phê chuẩn để tư nhân làm, sau khi hoàn thành chỉ cần nghiệm thu, đây có thể là cách tiếp cận trôi chảy và nhanh hơn”, Chủ tịch HUBA đề xuất.
Phó Viện trưởng Nguyễn Quốc Việt, Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để tháo gỡ điểm nghẽn đầu tư công, có một điểm mang tính chất giải pháp quan trọng là phải bớt những thủ tục.
“Nhiều khi chỉ vì an toàn nên phải xin ý kiến tất cả các sở ngành, đơn vị, dù không có nội dung liên quan gì, nên họ cũng không biết phải trả lời thế nào.
Do đó, chỉ xin ý kiến, đơn vị nào thật sự cần thiết và trong thời gian bao lâu, trong công văn phải ghi rõ và đặc biệt là với công nghệ hiện nay có thể trả lời online ngay trong một ngày.
Chỉ cần một câu "Đồng ý" sẽ giải tỏa công tác trình tự, thủ tục. Quan trọng nhất theo tôi là phải tin nhau, lòng tin phải được đặt ra, đây cũng là một giải pháp”, Phó Viện trưởng Nguyễn Quốc Việt chia sẻ.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/