Hy sinh không gian sống đổi lấy tiện lợi và giá thuê phải chăng, nhiều người trẻ đang tạo nên cuộc cách mạng về thiết kế nhà ở tại Tokyo, thành phố nổi tiếng về nhà siêu nhỏ.
Sotaro Ito, 25 tuổi, sống trong căn hộ 9,46 m2 với gác xép ở quận Koenji, Tokyo. Căn hộ giống một bàn làm việc, chỉ riêng bàn máy tính và ghế chiếm 1/3 căn phòng. Cạnh tường có chiếc gối để tựa khi đọc sách và không thể duỗi thẳng chân. Anh có bếp, gồm bồn rửa nhỏ và bếp từ. Bù lại, trần nhà cao 3,6 m và tường có ba cửa sổ, khiến phòng có nhiều ánh sáng. Anh leo thang để lên gác xép rộng 4,5 m2 và cao 1,4 m, đủ để anh ngồi thẳng. |
“Tôi đã xem 10 căn hộ trước khi chọn chỗ này”, anh nói với Japan Times, và cho biết căn hộ này đáp ứng hầu hết yêu cầu của mình. Anh ký hợp đồng thuê ngay khi tòa nhà đang được xây. Hiện anh trả 66.500 Yên (596 USD) mỗi tháng. “Sống ở đây khá thoải mái. Tôi có ít đồ nhất có thể, và mọi thứ đều trong tầm với khi cần dùng”, anh nói. “Nhưng khi bạn bè đến thì khá chật. Một người phải ngồi dưới sàn, người kia leo lên gác xép”. Ảnh: Japan Times. |
Tokyo là bậc thầy về không gian sống siêu nhỏ từ khách sạn “con nhộng” đến nhà ở chung. Diện tích đất khan hiếm và giá bất động sản cao buộc kiến trúc sư phải thiết kế các căn hộ siêu nhỏ. Hình ảnh không gian sống chật chội như vậy dường như càng tăng thêm thành kiến về người Nhật “nghiện công việc”, chỉ cần nơi chật chội về ngủ mỗi tối. Nhưng đó chỉ là một phần của câu chuyện. Ảnh: Japan Times. |
Thị trường căn hộ siêu nhỏ đang bùng nổ, với các không gian được thiết kế một cách tài tình dành cho những nhân viên công sở sẵn sàng hy sinh diện tích mặt bằng để sống tiện lợi ngay trong trung tâm với giá thuê phải chăng. Và trong thời đại Marie Kondo (tác giả cuốn sách bán chạy về phong cách sống tối giản), kiểu căn hộ này ngày càng thu hút. Ảnh: Japan Times. |
Thiết kế căn hộ của Ito là công ty Spilytus, với dòng căn hộ Ququri. Với tỷ lệ thuê phòng là 99%, công ty này tăng trưởng chóng mặt từ khi thành lập năm 2012 và có doanh thu hàng năm trên 3 tỷ Yên (gần 27 triệu USD). Spilytus thường thiết kế 20 phòng đơn với gác xép, diện tích từ 9-13 m2, trong tòa nhà hai tầng. Công ty này đã có 70 công trình như vậy ở 23 quận của Tokyo. Sàn của các căn hộ thường màu trắng để tăng cảm giác “mở” dù diện tích siêu nhỏ. Ảnh: Japan Times. |
Uran Kanda, ca sĩ, người sáng tác nhạc 20 tuổi, sống một tầng dưới Ito trong một phòng 9,1 m2, dùng nó làm phòng thu, và ngủ trên gác xép. “Tôi không cần không gian bếp vì tôi chủ yếu ăn ngoài hoặc mua đồ ăn ở cửa hàng tiện lợi. Hơi thiếu chỗ cất quần áo, nhưng tôi nghĩ ra cách treo quần áo đằng sau thang để không tốn chỗ”, Kanda nói với Japan Times. Cô làm việc ở một nhà hàng sushi ba ngày một tuần và dành phần thời gian còn lại sáng tác nhạc. Ảnh: Japan Times. |
Kanda cắt các hình ngôi sao trên rèm cửa, để khi ánh sáng chiếu qua, phòng của cô trông thật mộng mơ. “Như là ổ của tôi vậy”, cô nói. Trong khi đó, Ashirani Murata, một vlogger 22 tuổi, sống trong căn hộ 9,31 m2 gần Togoshi Ginza, quận Shinagawa, phố mua sắm dài nhất ở Tokyo. “Tôi dùng các cột nhựa chịu lực để treo quần áo và các vật dụng khác”, anh nói với Japan Times. Vì thích nấu ăn, anh có bàn di động dưới bàn làm việc, có thể kéo ra để sơ chế thức ăn. Ảnh: Japan Times. |
Trong khi đó, mô hình “ký túc xá” giúp người thuê nhà đỡ phải trả giá thuê đắt đỏ, và bớt cô độc. Chẳng hạn, khu chung cư WeLive nhắm đến các nhân viên công nghệ thuộc thế hệ Y (sinh giữa các năm 1980-2000) và thường xuyên di chuyển nơi làm việc. Họ thuê những phòng ngủ tí hon, đổi lấy việc có phòng bếp, phòng khách chung và được sống trong các khu trung tâm. Ảnh: Japan Times. |
Laura Yokozawa, ca sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp, thuê căn hộ hai phòng ngủ cách âm trong một khu chung cư như vậy. Cô thường biểu diễn cho những người cùng thuê nhà, những người thường đến ở ngắn hạn rồi lại chuyển đi. Ảnh: Japan Times. |
Tuy nhiên, Liu Jie, sinh viên cao học 25 tuổi đến từ Trung Quốc, lại chuyển sang một phòng siêu nhỏ Ququri ở quận Shin Koiwa, đông bắc Tokyo, sau khi ở mô hình “ký túc xá” nói trên. Là fan của ban nhạc AKB48, cô không thể chịu nổi mỗi khi bạn cùng phòng chiếm TV khi cô muốn xem AKB48. “Tôi còn chẳng muốn về phòng khi tôi ở chung như vậy”, cô nói. Giờ đây, cô thấy hài lòng với phòng riêng được trang trí nhiều hình AKB48. “Tôi dành phần lớn thời gian trên gác xép chơi điện tử”, cô nói. “Tôi như đang sống ẩn dật”. Ảnh: Japan Times. |
Trọng Thuấn
Theo Zing News
Link bài gốc
https://news.zing.vn/gioi-tre-tokyo-xoay-xo-the-nao-khi-o-phong-sieu-nho-kho-duoi-chan-post940964.html