|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Giới trẻ Na Uy muốn chính phủ 'cai' dầu khí

20:36 | 14/04/2019
Chia sẻ
Sự thịnh vượng của Na Uy có phần đóng góp lớn của ngành công nghiệp dầu mỏ nhưng tương lai ngành công nghiệp này đang bị đe dọa khi người dân Na Uy, đặc biệt là giới trẻ phản đối các kế hoạch khoan thăm dò dầu khí mới để bảo vệ khí hậu và thiên nhiên.


Giới trẻ Na Uy muốn chính phủ cai dầu khí - Ảnh 1.

Sinh viên, học sinh biểu tình kêu gọi chống biến đổi khí hậu trước tòa nhà Quốc hội Na Uy hôm 22-3. Ảnh: Reuters

Giới trẻ muốn chính phủ "cai" dầu khí

Hôm 6-4, Công đảng Na Uy, đảng lớn nhất tại Quốc hội Na Uy, cho biết phản đối kế hoạch khoan thăm dò dầu khí ở quần đảo Lofoten, phía bắc Na Uy, nơi được cho là có trữ lượng dầu từ 1-3 tỉ thùng. Động thái trên góp phần tạo ra tỉ lệ đa số phiếu ở Quốc hội Na Uy phản đối kế hoạch khoan thăm dò dầu khí ở Lofoten.Giới trẻ muốn chính phủ “cai” dầu khí

Quyết định của Công đảng dập tắt triển vọng khoan thăm dò dầu khí trong một tương lai gần ở một khu vực có cảnh quang thiên nhiên tuyệt đẹp nhưng đóng vai trò quan trọng đối với tương lai của ngành công nghiệp dầu mỏ nước này.

Đó là một minh chứng mạnh mẽ cho thấy các ưu tiên đang thay đổi như thế nào ở một quốc gia nằm trong danh sách những nước giàu nhất thế giới (tính theo thu nhập đầu người) nhờ nguồn thu từ dầu mỏ.

Công đảng, vốn là đồng minh truyền thống của ngành công nghiệp dầu khí Na Uy, đã rút lại sự ủng hộ đối với dự án khoan thăm dò ở quần đảo Lofoten chủ yếu do cuộc vận động nội bộ của Liên đoàn Thanh niên Lao động (AUF), tổ chức chính trị thanh niên lớn nhất Na Uy trực thuộc Công đảng Na Uy.

Có mặt trong cuộc biểu tình kêu gọi chống biến đối khí hậu gần đây của giới trẻ trước trụ sở Quốc hội Na Uy ở thủ đô Oslo, Simon Sand, 16 tuổi, nói: “Khí hậu quan trọng hơn tiền”.

Chủ tịch AUF Ina Libak, 29 tuổi, cho biết: “Ở khu vực này (quần đảo Lofoten), thiên nhiên phải được chú trọng trên hết vì quá dễ tổn thương và cần phải bảo vệ ngành ngư nghiệp và các ngành nghề khác”.

Trên thực tế, các tổ chức chính trị thanh niên của 7/9 đảng tại Quốc hội Na Uy đang kêu gọi hoặc hạn chế hoặc dần loại bỏ hoàn toàn các hoạt động khai thác dầu mỏ. AUF của Công đảng muốn nước này loại bỏ hoàn toàn hoạt động khai thác dầu khí vào năm 2035.

Các lãnh đạo của ngành công nghiệp dầu khí Na Uy lo ngại “cuộc vận động xanh” sẽ sớm lan đến các mục tiêu khoan thăm dò khác của họ, chẳng hạn như vùng Bắc Cực.

Các công đoàn dầu khí cũng đang lo ngại về các rủi ro kinh tế. Ngành công nghiệp dầu mỏ đang sử dụng khoảng 170.000 lao động và được dự báo đóng góp 17% GDP của Na Uy trong năm nay và đây cũng là nguồn thu số một của nền kinh tế này.

Frode Alfheim, Chủ tịch Công đoàn công nhân dầu mỏ Industri Energi, nói: “Mọi chính phủ có trách nhiệm, dù theo khuynh hướng chính trị nào, phải cần cân bằng ngân sách và họ sẽ phải dựa vào nguồn thu từ dầu khí. Các nguồn thu này không có khả năng được thay thế bằng các nguồn thu khác. Phần lớn phúc lợi của nhà nước đến từ ngành công nghiệp dầu mỏ”.

Ngành dầu khí mất sức hút

Giới trẻ Na Uy muốn chính phủ cai dầu khí - Ảnh 2.

Tương lai của ngành công nghiệp dầu khí Na Uy trở nên ảm đạm khi người dân, đặc biệt là giới trẻ phản đối các kế hoạch khoan thăm dò dầu khí mới. Ảnh: Bloomberg


Ngành công nghiệp dầu mỏ Na Uy đang thiếu những nhân sự chất lượng cao để thay thế cho lực lượng lao động đang già. Tập đoàn dầu khí nhà nước Na Uy Equinor cho biết có khoảng 50% trong lực lượng lao động 21.000 người của tập đoàn sẽ về hưu trong thập kỷ tới.

Tuy nhiên, lượng đơn xin nhập học ngành kỹ thuật và khoa học địa chất ở Đại học Khoa học và công nghệ (NTNU) tại TP. Trondheim (Na Uy) đã giảm xuống chỉ còn 33 vào năm 2018 so với con số 420 vào năm 2013.

Egil Tjaaland, Trưởng khoa Dầu mỏ và Khoa học địa chất ở NTNU nói: “Rất khó để chúng tôi cung cấp đủ nhân lực cho các công ty dầu khí trong năm năm tới”.

Ông băn khoăn không biết số sinh viên theo học ở khoa của ông giảm mạnh vì các lý do môi trường, chính trị hay giá dầu suy giảm. Song ông cho rằng giới trẻ Na Uy ngày nay đang chọn lựa các ngành học giúp họ có một công việc ổn định trong tương lai.

Năm ngoái Tập đoàn dầu khí quốc gia Na Uy Staoil quyết định đổi tên thành Equinor và tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo để giúp thu hút lực lượng lao động trẻ hơn.

Chủ tịch AUF, Ina Libak, cho rằng tương lai nghề nghiệp ở Na Uy là động lực chính đằng sau cuộc vận động “cai” dầu mỏ của tổ chức này ở Na Uy, nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất Tây Âu.

Bà nói: “Điều tệ hại nhất là chúng tôi có thể làm đối với những người làm trong nghiệp dầu khí là che giấu họ những gì đang xảy ra bên ngoài. Khi châu Âu ngừng sử dụng dầu khí và chuyển sang các nguồn năng lượng khác, điều này sẽ ảnh hưởng đến chúng ta. Tôi thực sự lo ngại rằng chúng ta sẽ có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất trong 20 năm nếu chúng ta không lên kế hoạch hành động ngay từ bây giờ”.

Ada Johanna Arnstad, Chủ tịch tổ chức chính trị thanh niên của Trung đảng (Centre Party) ở Na Uy nghi ngờ khả năng nước này duy trì mức sản lượng dầu khí cao nếu các nước khác hành động quyết liệt để đạt các mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, khiến nhu cầu nhiên liệu hóa thạch giảm mạnh.


Lê Linh