Gia Lai: Hàng loạt doanh nghiệp trục lợi đất công
Có 19 vị trí đất được tỉnh Gia Lai cho 6 doanh nghiệp thuê với giá bèo và các doanh nghiệp này cho thuê lại để hưởng tiền chênh lệch lên tới hàng tỷ đồng.
Đó là nội dung kết quả kiểm tra, rà soát các hợp đồng cho thuê đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại 19 thửa đất của 6 doanh nghiệp vừa được Sở TNMT tỉnh báo cáo UBND tỉnh Gia Lai theo chỉ đạo của tỉnh và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước Khu vực XII.
Vị trí đất vàng được UBND tỉnh Gia Lai cho Công ty cổ phần Gia Lai thuê và Công ty này cho thuê lại kiếm lời
Báo cáo của Sở TNMT tỉnh Gia Lai nêu tên 6 doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần Du lịch Gia Lai (4 vị trí, thu lợi 4,8 tỷ đồng), Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền núi Gia Lai (5 vị trí, thu lợi 2,7 tỷ đồng), Công ty cổ phần Gia Lai CTC (4 vị trí, thu lợi hơn 1,1 tỷ đồng), Công ty cổ phần Xây dựng và Xây lắp điện Gia Lai (1 vị trí, thu lợi, 1,3 tỷ đồng); Công ty cổ phần thương mại Ia Grai (2 vị trí, thu lợi hơn 1,9 tỷ đồng); Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai (2 vị trí, thu lợi hơn 1,2 tỷ đồng).
Ngoài ra, có 2 doanh nghiệp trong số này là Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền núi và Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai sử dụng giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất để góp vốn liên doanh, liên kết.
Như vậy, số tiền mà 6 doanh nghiệp nộp vào ngân sách so với giá cho thuê lại hiện nay có mức chênh lệch từ 1,1 tỷ đến 4,8 tỷ đồng.
Về kết quả hồ sơ pháp lý liên quan đến 19 vị trí thửa đất của 6 doanh nghiệp cho các tổ chức, cá nhân thuê lại được Sở TNMT khẳng định đều sử dụng đúng mục đích là đất sản xuất kinh doanh và thương mại, dịch vụ.
Nguyên nhân các doanh nghiệp thuê được đất công giá rẻ, theo Sở TNMT tỉnh Gia Lai xác định “lỗi” từ Quyết định 30/2016/QĐ-UBND ngày 15/6/2016 của UBND tỉnh Gia Lai.
Quyết định này quy định đơn giá thuê đất một năm tại thành phố Pleiku là 1%, tại các huyện, thị xã, thị trấn là 0,8%. Đây là cơ sở chính tạo ra mức giá thuê đất rẻ, giúp các doanh nghiệp trục lợi từ quỹ đất công của tỉnh.
Dù xác định hành vi cho thuê tài sản gắn liền với đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất là chưa phù hợp với Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai. Nhưng theo Sở TNMT tỉnh Gia Lai để thu hồi và xử lý các khoản doanh nghiệp hưởng lợi là không có cơ sở.
Theo Sở TNMT tỉnh Gia Lai, căn cứ theo luật hiện hành, hành vi này có thể bị xử phạt từ 250 tới 300 triệu đồng, kèm hình phạt bổ sung là đình chỉ kinh doanh 12 tháng đối với doanh nghiệp.
Nhưng không quy định việc thu hồi số tiền doanh nghiệp đã trục lợi. Còn hành vi sử dụng quyền sử dụng đất thuê để góp vốn, liên kết, liên doanh là trái quy định tại Luật Đất đai nên các hợp đồng này vô hiệu.
Tuy nhiên, Sở TNMT lại có phần “ưu ái” khi kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai để các doanh nghiệp tự xây dựng phương án khắc phục những sai phạm của mình. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai điều chỉnh giá đất, hệ số K phù hợp với giá đất thị trường; sửa đổi quyết định 30 của UBND tỉnh ngày 15/6/2016.
Trước đó, Diễn đàn Doanh nghiệp phản ánh, kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai (giai đoạn 2011 – 2017) cho thấy nhiều doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa không sử dụng đất, tài sản đã được UBND tỉnh Gia Lai cho thuê mà mang đi cho các tổ chức, cá nhân khác thuê lại để thu tiền chênh lệch hoặc góp vốn kinh doanh bằng quyền sử dụng đất thuê theo hình thức trả tiền hằng năm, cho thuê tài sản trên đất khi tài sản chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất.
Từ đó, Kiểm toán chỉ rõ, việc UBND tỉnh cho thuê đất công giá bèo không chỉ trái luật mà còn gây thất thoát ngân sách. Kiểm toán Nhà nước đề nghị tỉnh Gia Lai chỉ đạo các sở, ngành liên quan thanh tra toàn diện các hợp đồng cho thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Đồng thời, truy thu lại các khoản tiền chênh lệch sau khi trừ đi các khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã nộp vào ngân sách; tổ chức kiểm điểm, xử lí trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm.