Gần 51.000 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động trong nửa đầu năm
Số doanh nghiệp đăng kí tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2019 là 21.105 doanh nghiệp, tăng 17,3% so với cùng kì năm 2018.
Đây là những doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục đăng kí tạm ngừng kinh doanh dưới 1 năm với cơ quan đăng kí kinh doanh. Sau khi kết thúc thời gian tạm ngừng, DN có thể sẽ quay trở lại hoạt động.
Lí do doanh nghiệp đăng kí tạm ngừng hoạt động thường là để tái cơ cấu danh mục đầu tư hoặc tạm thời dừng trước khi tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.
Có rất nhiều doanh nghiệp sẽ quay trở lại hoạt động sau thời gian tạm ngừng kinh doanh. Tại các kì báo cáo trước đây, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thường tương đương hoặc cao hơn so với số doanh nghiệp đăng kí tạm ngừng.
Phân theo lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp đăng kí tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở các ngành: Bán buôn; bán lẻ; sữa chữa ô tô, xe máy (chiếm 39% tổng số, tăng 16,8% so với cùng kì năm 2018); Xây dựng (chiếm 14,4% tổng số, tăng 11,1%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,6% tổng số, tăng 19,1%).
Các lĩnh vực có tỉ lệ tăng doanh nghiệp đăng kí tạm ngừng kinh doanh cao nhất là Kinh doanh bất động sản (có 412 doanh nghiệp, tăng 58,5%), Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (có 193 doanh nghiệp, tăng 58,2%), Sản xuất, phân phối điện, nước, gas (có 125 doanh nghiệp, tăng 42%).
Phân theo địa bàn, Đồng bằng Sông Hồng số lượng doanh nghiệp đăng kí tạm ngừng kinh doanh cao nhất (7.225 doanh nghiệp, chiếm 34,2% cả nước, tăng 19,6%); tiếp đến là Đông Nam Bộ (7.020 doanh nghiệp, chiếm 33,3% cả nước, tăng 20,7%).
Trong nửa đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ hoàn thành thủ tục giải thể là 21.849 doanh nghiệp, tăng 19,5% so với cùng kì năm 2018, trong đó có 10.992 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp; 6.464 doanh nghiệp đăng thông báo giải thể và 4.393 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 6 tháng đầu năm là 7.826 DN, tăng 18,1% so với cùng kì năm 2018.
Số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (chiếm 40,8% tổng số, tăng 25,8% so với cùng kì năm 2018); Công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 10,5% tổng số, giảm 11,7%); Xây dựng (chiếm 9,7% tổng số, tăng 7,9%).
Các vùng lãnh thổ đều có số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng so với cùng kì năm 2018, ngoại trừ vùng Trung du và miền núi phía Bắc (có 439 doanh nghiệp, giảm 0,7%).
Vùng Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp giải thể lớn nhất (2.967 doanh nghiệp, tăng 18,2%); tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Hồng (1.610 doanh nghiệp, tăng 3,2%).