|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Gần 1.500 tỉ đồng trên sổ sách của Khoáng sản Bình Dương (KSB) đang ở đâu?

13:30 | 09/07/2019
Chia sẻ
Trên 1.400 tỉ đồng khoản phải thu trên sổ sách CTCP Khoáng Sản và Xây Dựng Bình Dương (Mã: KSB) là các khoản tiền mặt đã được chuyển đi uỷ thác cho các cá nhân và tổ chức khác.

KSB - cổ phiếu hàng đầu ngành khoáng sản từng gây sốt một thời đang trải qua những ngày miệt mài tìm đáy kể từ vùng đỉnh thiết lập tháng 7/2017.

Cổ phiếu KSB đã mất giá 55% kể từ đó đến nay, ngay cả khi thị trường tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2017 đến giữa năm 2018 thì cổ phiếu KSB vẫn đi xuống.

Đây là thực tế hoàn toán trái ngược với những con số tích cực trên báo cáo tài chính của Khoáng sản Bình Dương. Doanh thu và lợi nhuận của KSB vẫn tăng trưởng 28,7% và 34,7% trong năm 2017.

Đảo lộn

Sau khi Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) bán hết vốn tại Khoáng sản Bình Dương năm 2016 và cổ đông từ Dream House (Mã: DRH) tiếp quản công ty, thì hoạt động kinh doanh đã có những thay đổi lớn so với trước đây.

Nếu như trước đây, Khoáng sản Bình Dương là doanh nghiệp có chính sách chi trả cổ tức tiền mặt mỗi năm từ 15 - 30% cho cổ đông thì hai năm gần đây, tỉ lệ cổ tức đang giảm dần.

Năm nay, lãnh đạo công ty này thông báo sẽ không chi cổ tức tiền mặt cho năm 2018. Lý do được ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT Khoáng sản Bình Dương đồng thời là Chủ tịch HĐQT DRH Holdings (Dream House) đưa ra là để phục vụ nhu cầu vốn đầu tư phát triển.

Dưới thời còn vốn nhà nước, Khoáng sản Bình Dương không quá phô trương và hoạt động một cách khá thận trọng. Đến nay, Khoáng sản Bình Dương đang 'lột xác' trở thành một doanh nghiệp bạo chi từ các khoản vay. 

Từ hầu như không vay nợ, Khoáng sản Bình Dương đã vay đến 630 tỉ đồng, bao gồm 92 tỉ đồng vay ngắn hạn và 537 tỉ đồng vay dài hạn. Với việc gia tăng nợ vay, hệ số nợ/vốn của Khoáng sản Bình Dương từ mức 60% đã tăng vọt lên 183,5% cuối năm 2018. 

Con số nợ phải trả thực tế của Khoáng sản Bình Dương đã lên đến 1.943 tỷ đồng cuối quý I/2019, xấp xỉ 2/3 tổng tài sản.

KSB co cau tai chinh

KSB đang sử dụng đòn bẩy tài chính ngày càng nhiều hơn (Nguồn: BCTC KSB)

Cũng chính vì vậy, mặc dù doanh thu của Khoáng sản Bình Dương vẫn có mức tăng trưởng nhưng các khoản chi phí trả lãi đang ăn dần vào lợi nhuận. 

Năm 2018, Khoáng sản Bình Dương trả tiền lãi vay hơn 30 tỉ đồng. Trong quý I/2019, con số lãi phải trả đã là 14,8 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chưa phát sinh. Chính điều này đã góp phần kéo lợi nhuận quý đầu năm giảm 19% so với cùng kì năm trước.

Bên cạnh đó, trong cách Khoáng sản Bình Dương quản lý tài chính cũng có nhiều vấn đề mới phát sinh. Cụ thể, tỷ lệ chi phí quản lý trên doanh thu chỉ khoảng ngấp nghé khoảng dưới 5% từ trước đã tăng lên trên 7% trong năm 2018; con số tuyệt đối là 84 tỉ đồng, tăng thêm 37 tỉ đồng so với năm 2017, bao gồm 31,7 tỉ đồng ghi nhận "chi phí khác".

Rủi ro những khoản chi lớn

Từ quý II/2018, khoản mục phải thu ngắn hạn trên BCTC của Khoáng sản Bình Dương đã xuất hiện những khoản thu có giá trị lớn, bao gồm các khoản ủy thác đầu tư cho nhiều cá nhân và tổ chức (Trang 15/BCTC hợp nhất quý II/2018 của KSB ghi rõ).

Khoản phải thu quý 2 2018

Những khoản chi uỷ thác lớn xuất hiện lần đầu trên báo cáo tài chính quý II/2018 KSB

Trong đó,  khoản "trả trước cho người bán" là khoản đặt cọc cho Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bình Dương để đền bù và thi công hạ tầng mở rộng KCN Đất Cuốc trị giá 500 tỷ đồng (Công ty được thành lập ngày 23/10/2017, giấy thép thay đổi ngày 24/12/2019 với vốn điều lệ 20 tỉ đồng.)

Báo cáo cho thấy đã có tổng cộng hơn 1.100 tỷ đồng tài sản bằng tiền mặt của Khoáng sản Bình Dương được chuyển sang các cá nhân và tổ chức (500 tỉ đồng đặt cọc để đền bù và thực hiện dự án Đất Cuốc, 616 tỉ đồng ủy thác đầu tư). Điều mà trước đây xảy ra với Khoáng sản Bình Dương.

khoan thu khac q1 2019

Các khoản phải thu khác tiếp tục tăng trong quý I/2019 (nguồn: BCTC KSB quý I/2019)

Đến ngày 31/3/2019, các khoản mục trên đã tăng lên trên 1.400 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải thu của Nguyễn Thị Loan tăng từ 145 triệu đồng lên gần 3.6 tỷ đồng; khoản ủy thác đầu tư tăng lên 666,6 tỷ đồng; khoản phải thu từ hợp tác đầu tư với CTCP Thương mại và Dịch vụ Danh Việt cũng tăng lên hơn 161 tỷ đồng.

Ngoài ra có thêm 31,8 tỷ đồng nằm trong khoản phải thu dài hạn và các khoản thu khác tăng từ 52 tỉ đồng lên 74 tỉ đồng.

Khoan phai thu KSB tang manh

Các khoản phải thu ngắn hạn KSB tăng mạnh chủ yếu đến từ các khoản uỷ thác lớn (nguồn: BCTC KSB)

Tại cuộc họp cổ đông năm 2019 diễn ra vào tháng 4 vừa qua, một số cổ đông nhỏ cũng tỏ ra quan ngại về các khoản chi này. 

Cụ thể, một số cổ đông yêu cầu ban lãnh đạo giải trình, công khai cụ thể các khoản đầu tư uỷ thác, đã uỷ thác cho cá nhân, tổ chức nào? Đồng thời, cổ đông cũng yêu cầu ban lãnh đạo làm rõ việc uỷ quyền giao dịch có trị giá không quá 70% giá trị tổng tài sản công ty tại theo báo cáo gần nhất và đề nghị làm rõ chi tiết các giao dịch như thế nào?

Thắc mắc của cổ đông hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh Khoáng sản Bình Đương đang dùng nợ vay nhiều hơn, quy mô tài sản phình to. Theo đó, một số cổ đông không đồng ý với việc đồng ý cho HĐQT quyết định các uỷ quyền giao dịch có trị giá không quá 70% giá trị tổng tài sản công ty. 

Tuy nhiên, với việc cuộc họp có sự tham dự của 107 cổ đông, sở hữu 36,37 triệu cổ phần, chiếm 67,65% vốn điều lệ nên tiếng nói của cổ đông nhỏ không đủ sức nặng để bác bỏ đề xuất.

Ban lãnh đạo Khoáng sản Bình Đương thì lý giải rằng: "Công ty đang đầu tư mua thêm các mỏ đá mới nhằm bù đắp cho những mỏ hết hạn khai thác trong thời gian tới, việc này rất rõ ràng, có kế hoạch rõ ràng. Nhằm đảo bảo tính bảo mật, bảo vệ quyền lợi của công ty, xin phép không tiết lộ thông tin ở thời điểm này. HĐQT cam kết sẽ thông báo công khai trên website và các phương tiện thông tin khác khi hoàn thành việc đầu tư này".

Tuy nhiên, việc giải đáp như vậy khó có thể khiến các cổ đông nhỏ an lòng. Bởi theo phân tích của một chuyên gia về M&A, thông thường, để minh bạch thì bên đi M&A thực hiện theo cách sau: Một là công ty giải ngân theo tiến độ hợp đồng chuyển nhượng vốn; thứ hai là thông qua một ngân hàng giám sát việc mua bán cổ phần đó để đảm bảo an toàn tiền của cổ đông. Nếu không, việc sử dụng vốn của công ty có thể sẽ dẫn đến những rủi ro thất thoát.

Có thể thấy, với tốc độ tăng nợ và chi phí như hiện nay, áp lực lên hoạt động kinh doanh những năm tới là rất lớn. Đặc biệt trong bối cảnh mỏ Tân Đông Hiệp, nơi cung cấp hơn 60% doanh thu khoáng sản với biên lợi nhuận gộp trên 40% sẽ đóng cửa trong năm nay. Theo đó, Khoáng sản Bình Đương phải tìm kiếm nguồn thu mới.

Hiện tại, đang có những đồn đoán Khoáng sản Bình Đương  đang thâu tóm một số mỏ đá trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Mà theo phân tích của CTCK BSC, nếu việc sáp nhập một doanh nghiệp đá xây dựng có quy mô lớn được thực hiện thành công thì giá trị và tiềm năng tăng trưởng của Khoáng sản Bình Đương sẽ gia tăng đáng kể.

Dù vậy, nhóm phân tích cũng lưu ý rằng, kế hoạch M&A có thể bị chậm trễ nếu chi phí đầu tư tăng hơn dự kiến và phụ thuộc ý định thoái vốn của bên bán cổ phần.

Theo phân tích của CTCK SSI, một số rủi ro mà KSB có thể gặp phải như rủi ro chính sách liên quan đến quyền khai thác mỏ và lệ phí khai thác, chi phí và thời gian đền bù giải phóng mặt bằng, rủi ro M&A mỏ mới.

Thậm chí, việc mua bán cổ phần của các doanh nghiệp nếu không được thực hiện công khai minh bạch sẽ dẫn đến những rủi ro pháp lý mà công ty phải đối diện.

Ngoài ra, với số tiền lớn nếu không sử dụng không đúng mục đích hoặc không kiểm soát được việc thu hồi vốn cũng có thể gây thiệt hại cho cổ đông, đặc biệt là từ tiền vay.

Trên báo cáo tài chính quý I/2019 của KSB cũng đã thể hiện một khoản nợ xấu: "cho vay ngắn hạn đối với Công ty cổ phần Đầu tư Thiên Lộc Kim với giá gốc 30 tỷ đồng". Theo đó, KSB phải trích lập dự phòng 21 tỷ đồng cho khoản cho vay này.

Hoàng Trung