EU thông qua kế hoạch dự phòng trường hợp Brexit không thỏa thuận
Cờ Anh (phía trên) và cờ EU tại Westminster, London ngày 12/10. AFP/TTXVN |
Ngày 19/12, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua các kế hoạch dự phòng để bảo vệ các hoạt động thương mại, vận tải và tài chính quan trọng trong trường hợp Anh rời khỏi khối (Brexit) mà không có thỏa thuận trong vòng 100 ngày tới.
Ủy ban châu Âu (EC) cho biết đang thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo những biện pháp ứng phó nhanh chóng được triển khai vào ngày 30/3/2019 giúp hạn chế những thiệt hại nghiêm trọng trong trường hợp Brexit không thỏa thuận.
Kế hoạch bao trùm 14 lĩnh vực mà EU cho rằng sẽ chịu tác động mạnh, ảnh hưởng lớn tới các công dân và các doanh nghiệp như lĩnh vực dịch vụ tài chính, vận tải hàng không, chính sách khí hậu và các hoạt động thương mại khác.
Theo kế hoạch mới được thông qua, EU cam kết đảm bảo các công dân Anh đang sinh sống tại các quốc gia khác trong liên minh sẽ tiếp tục được hưởng quyền công dân EU nếu Anh cũng duy trì quyền của các công dân EU đang sinh sống tại Anh.
EU cũng cho phép các công ty tài chính có trụ sở tại Anh tiếp tục duy trì quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu trong vòng 12 tháng, theo hình thức giai đoạn tạm thời và có điều kiện tương ứng, để tránh gây ra gián đoạn. EU cũng đặc cách cho các chuyến bay của các hãng hàng không Anh tiếp tục ra vào không phận chung EU trong 12 tháng và gia hạn một số loại giấy phép hàng không thêm 9 tháng sau ngày 29/3 tới.
Tuy nhiên, các loại xe tải từ Anh sẽ không còn được phép vận chuyển hàng hóa vào EU, động vật sống sẽ bị kiểm tra hải quan và người dân Anh mang theo thú cưng sẽ không được phép đi qua lãnh thổ EU tự do như trước.
Brussels hy vọng sẽ không phải kích hoạt kế hoạch này nếu Thủ tướng Anh Theresa May có thể thuyết phục được Quốc hội còn nhiều chia rẽ ủng hộ thỏa thuận Brexit mà Chính phủ Anh và EU đã thông qua hồi tháng trước.
Tuy nhiên, khả năng thỏa thuận nhận được sự ủng hộ tại cơ quan lập pháp Anh hiện rất mong manh trong khi cũng chưa có phương án thay thế "khả dĩ" nào được đưa ra. Trước đó, hôm 18/12, Anh cũng đã công bố các kế hoạch khẩn cấp nhằm tránh tình trạng bất ổn kinh tế và thiếu hụt hàng hóa khi Anh rời EU mà không có thỏa thuận.
Nếu Thủ tướng May không thể đưa ra một thỏa thuận nhận được sự ủng hộ của Quốc hội thì nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới sẽ phải đứng trước 3 lựa chọn: chấp nhận một thỏa thuận "phút chót", hủy tiến trình Brexit bằng cách đảo ngược điều 50 của Hiệp ước Lisbon hoặc rời EU mà không có thỏa thuận.
Trong kịch bản xấu nhất là Brexit không thỏa thuận đồng nghĩa với một quá trình "cắt đứt đột ngột" không thời kỳ chuyển tiếp. Giới doanh nghiệp Anh đang đứng trước thời điểm không thể quay đầu và hầu hết cũng đã có kế hoạch dự phòng cho tình huống xấu nhất, nhưng những kế hoạch này đều được xây dựng trong hoàn cảnh túng cả về thời gian và tiền bạc.