EAEU - Việt Nam và những dự báo thương mại dài hạn
Chiều 25/8, trong khuôn khổ diễn đàn quốc tế Tuần Lễ Á-Âu được tổ chức tại Astana, thủ đô của Kazakhstan, Ban Tổ chức đã dành cho Việt Nam một phiên thảo luận với chủ đề “EAEU-Việt Nam: Những kết quả kinh doanh đầu tiên. Dự báo thương mại dài hạn”.
Phiên thảo luận của Việt Nam tại Diễn đàn Tuần lễ Á-Âu |
Cùng với Iran, Ấn Độ, Việt Nam đã được Ban Tổ chức Diễn đàn thiết kế riêng một phiên thảo luận về những kết quả sau gần một năm thực hiện Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Armenia. Điều đó cho thấy mối quan tâm rất lớn của phía bạn dành cho Việt Nam. Có lẽ, bởi chúng ta là đối tác nước ngoài đầu tiên được tham gia ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh này và những triển vọng về hợp tác thương mại- đầu tư với Việt Nam được đánh giá rất cao.
Theo đánh giá của Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương, riêng 6 tháng đầu năm 2017 kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu đã tăng 27%, đạt 1,7 tỷ USD.
Ngày 28-29/6 vừa qua, Uỷ ban hỗn hợp giữa 2 bên đã có cuộc họp tại Hà Nội để đánh giá lại những vấn đề hai bên đã triển khai. Thực tế, cả hai bên đều thấy những mặt tích cực sau khi Hiệp định Thương mại tự do có hiệu lực.
Có đến 90% các dòng thuế đã được đưa về thuế suất bằng 0 (0%), các mặt hàng còn lại có lộ trình để dần đưa về bằng 0. Qua đó đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm thúc đẩy xuất khẩu các loại mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sang các nước trong Liên minh Kinh tế Á - Âu.
Phiên thảo luận "EAEU-Việt Nam: Những kết quả kinh doanh đầu tiên. Dự báo thương mại dài hạn" |
Đến tham dự phiên thảo luận và phát biểu ý kiến, ông Đỗ Xuân Hoàng - Tổng giám đốc công ty Mareven, một doanh nhân rất thành đạt tại Liên Bang Nga cho rằng, doanh nghiệp hai bên cần tăng cường hiểu biết về nhau để nắm bắt tốt hơn các cơ hội kinh doanh-đầu tư.
"Trước khi đầu tư và kinh doanh thì cần có sự quảng bá, tuyên truyền về cơ hội kinh doanh từ cả hai phía. Bởi vì các doanh nghiệp Việt Nam, theo tôi cảm nhận, hiểu biết còn đơn giản và ít về khu vực này, mặc dù cơ hội có rất nhiều. Ngược lại các doanh nghiệp bạn hiểu biết, đánh giá về tiềm năng thị trường đang phát triển như Việt Nam chưa đầy đủ. Tất cả những cái đó ảnh hưởng ít nhiều đến mong muốn, quyết tâm đầu tư của các doanh nghiệp cả hai bên. Trông vào thương mại không thì tôi nghĩ độ bền vững không được như mong muốn, cần có đầu tư trực tiếp, chiến lược phát triển lâu dài, xây dựng thương hiệu quốc gia ở ngoài lãnh thổ của mình", ông Hoàng lưu ý.
Ông Đỗ Xuân Hoàng - Tổng giám đốc công ty MAREVEN phát biểu |
Còn theo đánh giá của Trung tâm Xuất khẩu Nga thì Việt Nam lọt vào top 10 nước có triển vọng cho xuất khẩu hàng hóa qua chế biến của Nga. Xuất khẩu hàng hóa của các nước EAEU sang Việt Nam trong nửa đầu năm 2017 tăng 11%, đạt 0,75 tỷ USD. Nước xuất khẩu lớn nhất vào Việt Nam là Nga (76%), chiếm vị trí thứ hai là Kazakhstan (19,5%) và thứ 3 là Belarus (4,4%). Những mặt hàng xuất khẩu chính vào Việt Nam (theo số lượng) lần lượt là ngũ cốc, than, phân bón, kẽm, thịt lợn, thép cán, thiết bị điện, dụng cụ và thiết bị, thịt, các sản phẩm dầu.
Đối với Liên minh kinh tế Á Âu, Việt Nam không chỉ là thị trường đầy triển vọng mà còn là cửa ngõ để thâm nhập vào các nước ASEAN. Ông Sadokho Valeri - Đại sứ Cộng hòa Belarus, người điều hành phiên thảo luận với Việt Nam, nhận định, Việt Nam là thị trường hấp dẫn, mỗi năm dân số tăng lên hơn 1 triệu người.
"Việt Nam hiện nay thu hút đầu tư rất nhiều và ở đó đang sản xuất rất nhiều loại hàng hóa, đặc biệt là hàng điện tử… Lào, Campuchia và Myanmar đang rất chăm chú theo dõi việc Việt Nam đã ký được Hiệp định thương mại tự do với EAEU và cũng mong muốn được như vậy. Tôi hy vọng, thông qua Việt Nam chúng ta sẽ ký các hiệp định thương mại song phương với các nước khác để đẩy mạnh trao đổi hàng hóa. Chúng ta sẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam và thu hút đầu tư từ Việt Nam vào các nước chúng ta", ông Sadokho Valeri nói.
Ông Sadokho Valery-Đại sứ CH Belarus |
Theo bà Veronika Nhikisina-Bộ trưởng thương mại của Uỷ Ban Kinh tế Á-Âu thì những bước tiếp theo đó là thiết lập hệ thống điện tử về cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tăng cường hợp tác của các cơ quan có trách nhiệm trong lĩnh vực về kiểm soát vệ sinh, kiểm dịch thực vật, thú y cũng như các rào cản kỹ thuật trong thương mại để đảm bảo hàng hóa đến được thị trường của nhau.
Tháo gỡ nút thắt về vận chuyển, logisitcs để hàng hóa từ Việt Nam sang các nước trong Liên minh kinh tế Á-Âu rút ngắn được thời gian, chi phí cũng là vấn đề cần quan tâm giải quyết sớm.