Dự chi hơn 8.100 tỷ làm cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang theo hình thức PPP
Mới đây, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết theo quy hoạch, cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang (thuộc tuyến cao tốc Hà Nội - Hoà Bình - Sơn La – Điện Biên) dài 200 km, quy mô 4 làn xe, dự kiến đầu tư giai đoạn sau năm 2030.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Điện Biên, giai đoạn 1 dự án (đoạn TP Điện Biên Phủ - nút giao Km15+800/QL.279) dài 50 km có quy mô 2 làn xe (giai đoạn 2 hoàn thiện quy mô 4 làn xe), dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác vận hành vào tháng 6/2026.
Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh Điện Biên phối hợp với Bộ Giao thông vận tải làm rõ sự cần thiết đầu tư, phù hợp về quy mô, tính kết nối đồng bộ của dự án với toàn tuyến cao tốc Sơn La - Điện Biên, dự báo nhu cầu, lưu lượng giao thông để báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh tiến độ dự án sớm hơn.
Về hình thức đầu tư và đề xuất giao cơ quan có thẩm quyền thực hiện, Bộ Tài chính cho biết theo quy định tại Điều 4, Luật PPP, giao thông vận tải thuộc lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP; việc đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án theo phương thức PPP là phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước nhằm huy động nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Dự án nằm trong phạm vi tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hoà Bình - Sơn La - Điện Biên, việc triển khai, quản lý và khai thác tuyến cao tốc nêu trên thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan có thẩm quyền, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải rà soát, hoàn thiện đảm bảo hồ sơ, trình tự thủ tục theo đúng quy định của Luật PPP và các quy định khác.
Trước đó, trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Điện Biên đề nghị xem xét, giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án xây dựng cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang, giai đoạn 1 (TP Điện Biên Phủ - nút giao Km15+800/Quốc lộ 279), theo phương thức PPP, loại hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (BTL).
Tuyến dài 50 km, gồm 45 km tuyến chính và 5 km đoạn kết nối vào quốc lộ 279 để đảm bảo việc vận hành, kết nối khai thác.
Tổng mức đầu tư dự án ước khoảng 8.177 tỷ đồng chưa bao gồm lãi vay, trong đó, chi phí xây dựng 5.900 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư 1.269 tỷ đồng; phần vốn huy động khác khoảng 2.989 tỷ đồng, dự kiến huy động từ nhiều nguồn như: ngân hàng, các nhà đầu tư có lợi ích liên quan như bất động sản, khu công nghiệp, dịch vụ...thông qua hợp đồng hợp tác BCC.
Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho biết địa phương đã xây dựng kế hoạch huy động phần vốn Ngân sách nhà nước từ các dự án đầu tư phát triển đô thị tạo nguồn thu từ đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 để đảm bảo tính khả thi của việc bố trí vốn ngân sách nhà nước tham gia thực hiện dự án.
Dự kiến khởi công xây dựng vào tháng 12/2023 và hoàn thành đưa vào khai thác vận hành trong tháng 6/2026.