Dự án Vành đai 4: Hà Nội sẽ giải phóng mặt bằng toàn tuyến với 90-120m chiều ngang, đưa đường sắt quốc gia ra khỏi nội đô
Tại buổi tiếp xúc cử tri ba quận, huyện: Đông Anh, Hoàn Kiếm, Long Biên sáng 27/6, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh Vành đai 4 là dự án đặc biệt quan trọng với Thủ đô, không chỉ mở rộng không gian phát triển mà còn tạo điều kiện kéo giãn mật độ dân cư nội đô, giúp giải bài toán quá tải hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội.
Dự án cũng kỳ vọng tăng cường kết nối, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Để triển khai dự án Vành đai 4, Hà Nội sẽ họp để triển khai thực hiện ngay, xác định rõ lộ trình và phân công nhiệm vụ.
Ông Đinh Tiến Dũng cho biết, Thành phố quyết tâm để khâu tổ chức thực hiện dự án Vành đai 4 phải thật mẫu mực. Trong đó, Thành phố sẽ giải phóng toàn tuyến từ 90-120m chiều ngang; đưa đường sắt quốc gia ra khỏi nội đô, chuyển tuyến đường sắt từ Yên Viên đến ga Hà Nội hiện nay thành tuyến đường sắt đô thị...
Theo Bí thư Hà Nội, tới đây, Thành phố sẽ xin ý kiến Chính phủ và ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai dự án.
Trong Ban chỉ đạo sẽ có ba tổ công tác phụ trách ba nhóm lĩnh vực: Công tác giải phóng mặt bằng, công tác triển khai dự án và công tác tuyên truyền, vận động.
Ngày 16/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội.
Dự án có chiều dài khoảng 112,8km, chia thành bảy dự án thành phần với tổng mức đầu tư sơ bộ trên 85.000 tỷ đồng, nhu cầu sử dụng đất sơ bộ khoảng 1.341 ha.
Nghị quyết nêu rõ, việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Nghị quyết giao UBND thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ để dự án đạt được như kế hoạch đề ra.