Dự án chống ngập 10.000 tỉ: ‘Hoàn thành trễ nhất quý I/2020’
Tại buổi thị sát, ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (chủ đầu tư dự án), khẳng định quyết tâm hoàn thành dự án vào cuối năm nay hoặc trễ nhất là quý I/2020.
“Khi UBND TP chấp thuận cho tái khởi động dự án, chúng tôi đã bắt tay vào làm việc ngay và thực chất vẫn thi công trong Tết ba cống: Bến Nghé, Phú Định và Tân Thuận. Đến nay toàn bộ công trình được đẩy nhanh và chính thức tái khởi động dự án” - ông Nam nói.
Theo chủ đầu tư, dự kiến cống Tân Thuận sẽ hoàn thành trong tháng 12, cống Mương Chuối (cống lớn nhất) - Phú Xuân - Cây Khô xong trong tháng 10, cống Phú Định xong trong tháng 11. Riêng 7 km kè thì hiện đã hoàn thành nhiều chỗ, công việc tiếp theo là gia cố nền bên trong và một, hai tháng tới cũng hoàn thiện hệ thống đê kè.
“Cống Tân Thuận chậm hơn so với một số cống khác vì phải xử lý nền để đảm bảo ổn định nhà dân phía bờ quận 7 và cống này có mật độ giao thông, thủy lợi lớn nhất trong hệ thống vùng kênh rạch” - ông Tiến lý giải.
Dự án chống ngập 10.000 tỉ chính thức khởi động trở lại. Ảnh: K.Cường
Dự kiến vào tháng 7, cống Tân Thuận sẽ thông âu thuyền, ngăn sông làm ngưỡng van, gỡ hàng rào và xử lý nền làm buồng bơm, đây là buồng bơm lớn nhất của dự án.
“Cuối năm và đầu năm, TP đã giải quyết những kiến nghị của các sở, ngành, nhà đầu tư và trong đó có sự tham gia của Bộ NN&PTNT và Bộ KH&ĐT, có thể nói các khó khăn đã được giải quyết” - ông Tiến nói.
Điển hình như việc UBND TP đã thông qua báo cáo đánh giá của tổ giám sát, sắp tới lãnh đạo TP sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ để gia hạn thời hạn tái cấp vốn cho dự án.
Vấn đề khó khăn còn lại liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng cũng được TP quyết liệt giải quyết. Cụ thể, ngày 26/2, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đã chủ trì cuộc họp để tháo gỡ khó khăn của dự án, trong đó ủy ban cho biết sẽ giao hết mặt bằng cho nhà đầu tư vào ngày 30/6.
Do có điều chỉnh một số tuyến để giảm bớt bồi thường giải phóng mặt bằng, trước nay dự án cần giải tỏa 238 hộ và 33 tổ chức nhưng khi dịch chuyển đê kè ra một chút thì giảm bớt 97 hộ.
“Quận 1 không còn vướng nữa, quận 4 còn hai tổ chức và một hộ, quận 8 còn vướng mặt bằng ở cống Phú Định. Cống Phú Xuân còn 16 hộ, hai hộ phía Nhà Bè. Cống Phú Định thì dân đã thống nhất giá bồi thường. Mương Chuối còn 38 hộ bên bờ trái, huyện Nhà Bè đang quyết liệt giải quyết” - ông Tiến thông tin.
Trả lời về câu hỏi chất lượng dự án sau thời gian tạm ngưng, ông Tiến cho rằng thép rỉ thì đánh thép, dùng chất liệu để tẩy rửa lớp rỉ sét đó và phải đảm bảo chất lượng thì tư vấn giám sát mới cho làm.
“Như ta có thể thấy, toàn bộ cống và đê kè nằm ở ngã ba sông - kênh rạch, như sông Sài Gòn - Xoài Rạp và Cần Giuộc, khi chúng ta đóng cửa cống và hình thành kè kín lại thì sẽ cô lập diện tích bên trong. Khi dự án hoàn thành thì hạn chế tối đa ngập lụt do triều cường và hỗ trợ trong thoát nước đô thị TP” - ông Tiến phân tích.