|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đón đầu làn sóng đầu tư Trung Quốc dịch chuyển hậu COVID-19, Long An khởi công khu công nghiệp 1.800 ha

20:59 | 17/05/2020
Chia sẻ
Với diện tích lên đến 1.800 ha, Việt Phát trở thành một trong những khu công nghiệp có diện tích lớn nhất hiện nay và là dự án thứ 2 được Long An khởi công sau đại dịch COVID-19, đánh dấu sự hoạt động trở lại của hoạt động kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Sáng nay 17/5, CTCP Đầu tư Tân Thành Long An và Công ty TNHH Quản lí Khu công nghiệp Sáng Tạo Việt Nam (VNIP) khởi công dự án Khu công nghiệp Việt Phát với diện tích hơn 1.800 ha tại xã Tân Long, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.

Dự án Việt Phát được qui hoạch theo mô hình mới kết hợp giữa khu công nghiệp và khu đô thị, trong đó diện tích đất dành cho khu công nghiệp là hơn 1.200 ha và đất dành cho khu đô thị là hơn 625 ha.

Đây là dự án khu công nghiệp và đô thị kiểu mới, được kì vọng tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Long An nói riêng và góp phần đón đầu “làn sóng” dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu hậu COVID-19 của Việt Nam nói chung. 

Đón đầu làn sóng đầu tư Trung Quốc dịch chuyển hậu COVID-19, Long An khởi công khu công nghiệp 1.800 ha - Ảnh 1.

Khởi công dự án khu công nghiệp Việt Phát ngày 17/5 tại Long An.

Ông Lê Thành, Chủ tịch HĐQT Tân Thành Long An cho biết, dự án nằm giữa 2 con sông lớn nên sẽ tận dụng lợi thế đường thủy, rồi đi ra các cảng nước sâu. Đồng thời kết nối với hệ thống giao thông đường bộ thông qua quốc lộ N2 đến TP HCM và các tỉnh phía Nam thuận tiện.

"Khu công nghiệp sẽ tạo việc làm cho lực lượng lao động địa phương, góp phần vực dậy kinh tế địa phương, còn khu đô thị sẽ cung cấp nhiều giải pháp nhà ở, tiện ích đa dạng, thu hút dân cư đến lập nghiệp và tạo thành một cộng đồng bền vững cộng hưởng cho khu công nghiệp", ông Thành chia sẻ.

Với diện tích lên đến 1.800 ha, Việt Phát trở thành một trong những khu công nghiệp có diện tích lớn nhất hiện nay. 

Toàn bộ diện tích của dự án đã được hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng. Hệ thống điện được lấy từ trạm biến áp Thủ Thừa 110/22 KV - 2 x 40 MVA qua đường dây 22KV hiện có, dọc theo quốc lộ N2 vào dự án. Mạng lưới cung cấp nước đầy đủ, ổn định với giấy phép thăm dò nước ngầm với công suất 7500 m3/ngày.

Đáng chú ý, theo chủ đầu tư dự án “Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến dòng vốn FDI. Nhật Bản đã dành 2,2 tỉ USD trong gói cứu trợ kinh tế cao kỉ lục của nước này để giúp các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển dây chuyền ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh phá vỡ chuỗi cung ứng giữa các đối tác thương mại lớn. 

Đây là cơ hội rất tốt cho doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, đón nhận các dòng đầu tư từ những công ty hàng đầu, tầm cỡ quốc tế”, ông Lê Thành nhận định.

Đón đầu làn sóng đầu tư Trung Quốc dịch chuyển hậu COVID-19, Long An khởi công khu công nghiệp 1.800 ha - Ảnh 2.

Ông Lê Thành, Chủ tịch HĐQT Tân Thành Long An. Ảnh: Như Huỳnh.

Theo số liệu của UBND tỉnh Long An, đến cuối tháng 4/2020, trên địa bàn tỉnh có 11.796 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng kí 308.000 tỉ đồng. Toàn tỉnh có 1.953 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng kí 230.300 tỉ đồng và 1.053 dự án FDI với số vốn đăng kí hơn 6,4 tỉ USD.

Hiện Long An có 32 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào qui hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam với tổng diện tích hơn 11.524 ha, trong đó, tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động đạt 86,78%.

Qui hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh được phê duyệt có 62 cụm công nghiệp với tổng diện tích 3.106 ha; trong đó, 21 cụm công nghiệp, diện tích 1.080 ha đã đi vào hoạt động, tỉ lệ lấp đầy đạt gần 90%.

Ông Nguyễn Văn Út, Phó Chủ tịch tỉnh Long An, cho biết Việt Phát là dự án thứ 2 được tỉnh khởi công sau đại dịch COVID-19. Các dự án này đánh dấu sự hoạt động trở lại của hoạt động kinh tế trên địa bàn tỉnh kể từ sau ngày Thủ tướng Chính phủ quyết định nới lỏng giãn cách toàn xã hội, để tập trung phát triển kinh tế.

"Việc khởi công Khu công nghiệp Việt Phát là kết quả của nỗ lực, trách nhiệm của nhà đầu tư và chính quyền tỉnh Long An, để chủ động đón đầu thu hút vốn FDI chất lượng cao trước làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu sau dịch COVID-19", ông Út chia sẻ.

Theo Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, thế giới đã thừa nhận nỗ lực cũng như kết quả chống dịch của Việt Nam thời gian qua. Chính phủ cũng có chủ trương cải thiện môi trường đầu tư, phát triển kinh tế hậu dịch.

"Khu công nghiệp Việt Phát đi sau, phải tận dụng lợi thế, sớm trở thành Khu công nghiệp kiểu mẫu cả nước, từ đó có những đóng góp nhiều hơn cho kinh tế địa phương, cho nhân dân", nguyên Chủ tịch nước kì vọng.

Đồng quan điểm, bà Trang Bùi, Giám đốc thị trường Công Ty TNHH Jones Lang Lasalle (JLL) Việt Nam cho biết, trong bảng xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Việt Nam năm 2019, tỉnh Long An nằm trong top 10 cả nước và xếp ở vị trí thứ 4 trong 13 tỉnh miền Tây và luôn đạt tốc độ tăng điểm số PCI gốc trung bình hàng năm cao.

"Nhờ vào lợi thế vị trí địa lí cửa ngõ nối liền miền Đông Nam Bộ với đồng bằng Sông Cửu Long, cơ sở hạ tầng cũng như môi trường đầu tư ngày một cải thiện và lực lượng lao động đông đảo, chúng tôi tin rằng tỉnh Long An sẽ trở thành một điểm đến công nghiệp thu hút nhà đầu tư trong tương lai gần", bà Trang nhấn mạnh.

Trước đó ngày 15/5, cũng tại Long An, Công ty CP đầu tư và phát triển Minh Đức L.A tổ chức lễ khởi công dự án Khu công nghiệp Đức Hòa III - SLICO tại huyện Đức Hòa.

Dự án khu công nghiệp Đức Hòa III – SLICO có tổng diện tích 195,79 ha (chiếm 10% tổng diện tích toàn khu). Đây là khu công nghiệp lớn thứ 3 trong cụm 13 khu công nghiệp của Đức Hòa III.

Như Huỳnh