|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đón sóng tăng trưởng lớn

13:00 | 19/06/2022
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, nhu cầu tiêu thụ thủy sản toàn cầu ổn định sẽ là động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Chế biến cá xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Ngành thủy sản được cho là đang đối diện với khó khăn từ dịch bệnh COVID-19 và xung đột địa chính trị giữa Nga-Ukraine gây ra gián đoạn vận chuyển toàn cầu, cùng đó là việc tuân thủ các quy định chống đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, những tác động tiêu cực chỉ là tạm thời và cơ hội đối với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đang rộng mở.

Động lực cho tăng trưởng

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán KIS (Việt Nam), nhu cầu tiêu thụ thủy sản toàn cầu ổn định là động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) cho biết, nguồn cung cá toàn cầu sẽ tăng 32% trong giai đoạn 2011-2030, đạt 204 triệu tấn, tương đương với mức tăng trưởng hằng năm kép (CAGR) đạt 2,3%.

Theo tổ chức này, đến năm 2030, sản lượng cá đánh bắt sẽ bị hạn chế và giảm từ 10%, thay vào đó sẽ được thay thế bằng cá nuôi trồng. Qua đó, dự báo sản lượng nuôi trồng đạt 109 triệu tấn, tăng 32% so với năm 2018 trong khi sản lượng đánh bắt đạt 95 triệu tấn, tương đương năm 2018. Đặc biệt, các sản phẩm chủ lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng là cá rô phi, cá chép, cá tra và tôm.

Theo Ngân hàng Thế giới, dân số toàn cầu và GDP toàn cầu tăng lần lượt là 20,2% và 17,4% trong giai đoạn 2010-2030, có khả năng làm tăng sản lượng tiêu thụ sản phẩm cá bình quân. Sản lượng tiêu thụ cá bình quân đầu người hằng năm dự kiến sẽ tăng từ 17,2kg lên 18,2kg trong giai đoạn 2010-2030.

Nhận thấy tiềm năng tăng trưởng tốt của tiêu thụ thủy sản, Chính phủ Việt Nam mong muốn duy trì vị trí dẫn đầu trong kế hoạch phát triển chiến lược đến năm 2030. Theo đó, sản lượng thủy sản Việt Nam dự kiến đạt 9,8 triệu tấn, đóng góp bởi 7 triệu tấn sản lượng nuôi trồng và 2,8 triệu tấn sản lượng đánh bắt. Mục tiêu tăng trưởng đạt 14 tỷ USD vào năm 2030 cao hơn nhiều so với mức 8,9 tỷ USD vào năm 2021.

Từ năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1408/QĐ-TTg phê duyệt phát triển ngành công nghiệp chế biến thủy sản cho giai đoạn 10 năm tới. Đặc biệt, hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện đại, hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu với trình độ quản lý ngang tầm thế giới. Khi đó, nguồn cung bền vững sẽ gia tăng nhờ các cơ sở nuôi và kỹ thuật nuôi tôm cạnh tranh.

“Đây là thời điểm vàng để Chính phủ chuyển sang tập trung vào phương pháp tiếp cận định hướng giá trị bằng cách nâng cao giá trị trên mỗi sản phẩm” - chuyên gia KIS Việt Nam nhận định.

Theo KIS Việt Nam, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) cũng tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành thủy sản. Đến năm 2020, Việt Nam đã có 14 FTA có hiệu lực, mang lại cơ hội rất lớn để tăng kim ngạch xuất khẩu và đưa ra những sản phẩm cạnh tranh hơn.

KIS Việt Nam tin rằng, lợi thế có được từ việc cắt giảm thuế quan sẽ giúp tăng sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam đối với thị hiếu của người tiêu dùng nước ngoài.

Tận dụng tối đa lợi thế về thuế từ các FTA, Chính phủ Việt Nam đang tăng cường mở rộng các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA).

Các FTA này chắc chắn sẽ tạo ra một thị trường tiêu thụ mới, nhưng rất lớn cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của thủy sản Việt Nam.

Ngành thủy sản đang đứng trước cơ hội lớn, nhưng KIS Việt Nam cho rằng vẫn có những rủi ro mà doanh nghiệp ngành này phải đối diện. Cụ thể là dịch COVID-19 và xung đột địa chính trị giữa Nga- Ukraine gây ra gián đoạn vận chuyển toàn cầu.

Xung đột địa chính trị giữa Nga-Ukraine có thể làm tăng giá nhiên liệu. Theo KIS Việt Nam dự đoán giá nguyên liệu năm 2022 sẽ tăng khoảng 50% so với năm 2021. Điều này sẽ làm chi phí vận chuyển gia tăng hoặc duy trì ở mức cao, có thể gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu với các sản phẩm vận chuyển theo phương thức CIF (điều kiện giao hàng tại cảng dỡ hàng hay cảng đến, khi tàu cập bến, người bán hết trách nhiệm và chuyển giao cho người mua).

Đặc biệt, đối với các nhà xuất khẩu tôm, chi phí vận chuyển tăng cao sẽ không được hiện thực hóa vào giá bán bình quân do giá bán bình quân của tôm đã ở mức cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh như Ecuador, Ấn Độ và Indonesia.

Bên cạnh đó là việc tuân thủ quy định chống đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Việt Nam sau 4 năm nhận “thẻ vàng” cảnh khiến sản lượng xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm 3% CAGR cho giai đoạn 2017-2021.

Trong năm 2022, Chính phủ sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp và hiệu quả để nhanh chóng khắc phục tình trạng bị phạt “thẻ vàng.” Khi đó, Việt Nam có thể tránh được nguy cơ nhận “thẻ đỏ” và được hưởng các ưu đãi về thuế quan, thay đổi thể chế từ EVFTA.

Nếu việc thực hiện các khuyến nghị không được cải thiện, Ủy ban châu Âu (EC) khó có thể gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam. Trường hợp xấu nhất là Việt Nam có thể bị đánh giá là không hợp tác và sẽ bị áp dụng "thẻ đỏ."

Điều này đồng nghĩa với việc thủy sản của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU, gây thiệt hại khoảng nửa tỷ USD mỗi năm theo tính toán các cơ quan chức năng của Việt Nam. Khi đó, không chỉ EU mà các thị trường khác cũng có thể áp dụng các biện pháp tương tự.

Doanh nghiệp lãi đậm

Thực tế, dù vẫn còn nhiều rủi ro và khó khăn phải giải quyết, nhất là giá nhiên liệu tăng cao làm tăng chi phí vận chuyển, nhưng lợi nhuận các doanh nghiệp thủy sản trong quý I/2022 tăng rất mạnh, thậm chí nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức tăng kỷ lục.

Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Có thể kể đến trường hợp của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) đạt hơn 550 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 1/2022, tăng đến 4,2 lần so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận quý cao nhất kể từ quý 3/2018 đến nay.

Vĩnh Hoàn mới đây cũng cho biết, doanh thu tháng 4 tăng 98% so với cùng kỳ năm trước và tăng 20% so với tháng trước. Lũy kế 4 tháng, doanh nghiệp cá tra báo cáo tổng doanh thu 4.924 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm trước.

Quý 1/2021, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) cũng báo lãi 63 tỷ đồng, gấp 5,7 lần so với cùng kỳ. Đây cũng là mức cao nhất trong một quý tính từ quý 4/2018 đến nay.

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI) có lãi sau thuế hơn 200 tỷ đồng, là mốc kỷ lục lợi nhuận quý. Công ty cổ phần Nam Việt (Navico, mã chứng khoán: ANV) công bố lợi nhuận trước thuế đạt 238 tỷ đồng, tăng 3,2 lần cùng kỳ năm trước.

Dù cước vận chuyển tăng “chóng mặt”, nhưng năm nay Navico vẫn đặt kế hoạch doanh thu đạt 4.900 tỷ đồng doanh thu, tăng 40% và 720 tỷ đồng lãi trước thuế, gấp 4,8 lần năm 2021.

Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) kỳ vọng nhóm doanh nghiệp thủy sản sẽ đạt kết quả kinh doanh tốt vượt trội trong năm 2022. Công ty này đánh giá, quý 2/2022, doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp thủy sản sẽ “thăng hoa.”

Tuy nhiên, Mirae Asset (Việt Nam) lưu ý xu hướng này sẽ giảm dần vào hai quý còn lại của năm do lượng tồn kho giá rẻ 2021 đã tiêu thụ hết và vụ thu hoạch mới với nguồn cung tăng giá sẽ bắt đầu vào cuối quý 3/2022.

Văn Giáp