Doanh nghiệp nhựa trước thách thức về nguyên liệu
Nhựa Tiền Phong là doanh nghiệp có quy mô trong ngành ống nhựa, hoạt động sản xuất và kinh doanh chính là nhựa vật liệu xây dựng.
Các dòng sản phẩm chính hiện nay của công ty gồm: ống PP-R, phụ tùng PP-R, ống HDPE… và dòng sản phẩm ống, phụ tùng PVC, PPR phục vụ nhu cầu xây dựng dân dụng. Đối với dòng sản phẩm ống và phụ tùng HDPE được sử dụng trong các các dự án xây dựng hạ tầng cấp, thoát nước.
Với Nhựa Tiền Phong, nguyên liệu nhựa chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí sản xuất của doanh nghiệp với khoảng 70% và hầu hết được nhập khẩu nên biến động giá nguyên liệu nhựa trên thị trường thế giới và khu vực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến biên lợi nhuận gộp của công ty.
Trong khi đó, giá nguyên vật liệu nhựa có mối quan hệ tương quan tỷ lệ thuận với giá dầu, xu hướng tăng giá dầu có thể làm tăng giá thành nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp.
Trên thị trường thế giới, giá dầu đã đạt mức cao nhất của 13 tháng qua. Theo đó, giá dầu có lúc chạm mức cao nhất kể từ ngày 8/1/2020 là 67,30 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 24/2.
Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent sẽ đạt 70 USD/thùng trong quý II/2021 và 75 USD/thùng trong quý III/2021 cao hơn so với các mức tương ứng 60 USD/thùng và 65 USD/thùng dự đoán trước đó.
Việc giá dầu thế giới vẫn tăng ổn định lên mức cao đặt ra thách thức lớn về nguyên liệu đối với các doanh nghiệp nhựa nói chung và Nhựa Tiền Phong nói riêng, nhất là trong bối cảnh nhu cầu các sản phẩm nhựa xây dựng không ngừng tăng hiện nay.
Tính riêng năm 2020, xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam đạt 3,654 tỷ USD, tăng 6.3% so với năm 2019; trong đó, các sản phẩm nhựa xây dựng, tấm phiến và màng nhựa chiếm tỷ trọng và giá trị gia tăng lớn nhất.
Năm 2021, theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPAS), nhu cầu các sản phẩm để xây dựng các khu cách ly và bảo vệ càng gia tăng khi Chính phủ tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người cũng như hoạt động xây dựng dân dụng và các dự án hạ tầng bị gián đoạn do dịch bệnh dự kiến sẽ dần hồi phục, đẩy mạnh tăng trưởng mảng nhựa xây dựng.
Fitch Solutions dự báo tăng trưởng giá trị xây dựng trong năm 2021 sẽ hồi phục ở cả 3 phân khúc nhà ở, nhà không để ở và hạ tầng nước với giá trị lần lượt là 7,2%, 8,7% và 7,2%.
Trước tình hình này, Nhựa Tiền Phong đã thay đổi chính sách kinh doanh nhằm duy trì tăng trưởng sản lượng tiêu thụ bằng cách điều chỉnh tăng tỷ lệ giảm giá trên hóa đơn. Đồng thời phát triển hệ thống phân phối với 9 trung tâm phân phối, hơn 300 đại lý và gần 16.000 cửa hàng trên toàn quốc.
Hiện Nhựa Tiền Phong có 3 nhà máy hoạt động tại Hải Phòng, Bình Dương, Nghệ An với tổng năng lực sản xuất khoảng 150.000 tấn/năm, dẫn đầu thị trường ống nhựa ở khu vực Miền Bắc.
Theo Báo cáo tài chính năm 2020, Nhựa Tiền Phong đạt doanh thu 4.629 tỷ đồng và lãi sau thuế 447 tỷ đồng, lần lượt giảm 3% và tăng 9% so với năm 2019; trong đó, lãi sau thuế tăng do giá vốn bán hàng, chi phí sản xuất giảm. Tại thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản của công ty gần 3.896 tỷ đồng, giảm gần 700 tỷ đồng so với ngày 1/1/2020.
Trên thị trường, cổ phiếu NTP của Nhựa Tiền Phong giao dịch ở mức 35.600 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/2), với hệ số giá trên lợi nhuận 1 cổ phiếu (hệ số P/E) là 9,48.