Doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị sửa Thông tư 23
|
Trong công văn này, Chủ tịch Hiệp hội,viết: “Chúng tôi có nguyện vọng, nếu là máy móc, thiết bị do các công ty sản xuất nhập khẩu vì hoạt động sản xuất của công ty mình thì không giới hạn tuổi thiết bị”.
Ông giải thích, khi doanh nghiệp Nhật Bản chuyển cơ sở sản xuất sang nước ngoài, việc sản xuất bằng máy móc của cơ sở đó là rất phổ biến. Hơn nữa, máy móc có tuổi thọ trên 10 năm tuổi thì “không có vấn đề gì”. Vì thế, hạn chế nhập khẩu bằng tuổi thọ của thiết bị là không thực tiễn.
Bên cạnh đó, vị đại diện doanh nghiệp Nhật Bản cho biết thêm, khi nhập khẩu máy móc trên 10 năm tuổi, ngoài việc áp dụng điều 13 của Thông tư 23, doanh nghiệp còn phải áp dụng khoản 2, điều 6. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai điều này là không rõ ràng. Hơn nữa, các thủ tục và giấy tờ cần thiết để nhập khẩu thiết bị trên 10 năm tuổi, cũng như tiêu chuẩn chấp thuận hay không chấp thuận của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng không được rõ ràng.Vì vậy, có nhiều trường hợp doanh nghiệp không nhập khẩu được máy móc mà không được giải thích.
“Chúng tôi cho rằng việc này có thể dẫn đến tình trạng sụt giảm đầu tư mới cũng như đầu tư mở rộng vào Việt Nam”, vị đại diện doanh nghiệp Nhật Bản cảnh báo.
Ông cũng đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ trả lời “bằng văn bản” cho những kiến nghị này.
Thông tư 23 ngày 13-11-2015 của Bộ Khoa học Công nghệ bị nhiều hiệp hội doanh nghiệp kêu ca lâu nay. Nghị quyết 19 năm 2017 của Chính phủ đã yêu cầu phải sửa đổi thông tư này.
Nghị quyết 19 chỉ rõ, Bộ Khoa học và Công nghệ cần phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ chuyên ngành xây dựng tiêu chí nhập khẩu máy móc chuyên ngành theo tuổi thiết bị tùy từng lĩnh vực cụ thể, thay vì áp dụng quy định chung “không quá 10 năm” cho tất cả máy móc, thiết bị.
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến của các bên liên quan.