|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp nhà nước sẽ hết đường trì hoãn cải cách

14:46 | 13/02/2017
Chia sẻ
Chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước được ban hành ngay ngày làm việc đầu tiên của năm mới Đinh Dậu có một nội dung rất đáng chú ý. Đó là Thủ tướng chỉ thị cho Bộ Tài chính ngay trong quí 2-2017 phải trình cấp có thẩm quyền quy định về bán toàn bộ tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

doanh nghiep nha nuoc se het duong tri hoan cai cach Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), một doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa chậm tiến độ và đến nay vẫn chưa xong - Ảnh: Anh Quân

Đây là thông điệp mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ và một khi quy định này được ban hành thì các doanh nghiệp nhà nước sẽ hết đường trì hoãn cải cách, đồng thời tạo ra một bước ngoặt mới trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp vốn đã trì trệ trong thời gian dài.

Nhiều năm qua, Nhà nước đã nỗ lực tìm kiếm một giải pháp quản lý mới và hiệu quả hơn đối với các doanh nghiệp nhà nước để thay cho cơ chế chủ quản đã lỗi thời, nhưng đến nay dường như vẫn còn trong vòng luẩn quẩn. Rõ ràng, khi mà tài sản ở các doanh nghiệp này không nằm trong tay những người chủ đích thực - những người phải gắn bó sống chết với sự tồn vong của doanh nghiệp, thì tìm ra giải pháp quản lý để phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước gần như là điều bất khả thi.

Vì vậy, đưa ra cơ chế nhằm thúc đẩy việc bán các tập đoàn, tổng công ty mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn sẽ là giải pháp đơn giản và hiệu quả để phát huy tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp này. Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ thu được những khoản tiền không nhỏ để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, các dự án phục vụ an sinh xã hội để tạo ra nền tảng phát triển bền vững cho quốc gia. Ngoài ra, Nhà nước cũng không còn phải lo gánh những khoản lỗ ngàn tỉ, chục ngàn tỉ của những doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém cỏi nữa.

Trên thực tế, việc bán toàn bộ một doanh nghiệp nhà nước đã không còn là vùng cấm từ cách nay 15 năm sau khi Chính phủ ban hành tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, trong đó quy định chỉ có 40 lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn. Từ đó đến nay, số lĩnh vực Nhà nước cần giữ 100% vốn đã giảm dần và hiện chỉ còn 11 ngành và lĩnh vực, chủ yếu là liên quan đến an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội và một số cơ sở hạ tầng thiết yếu. Hiện nay vẫn còn trên 700 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và nếu áp dụng tiêu chí mới được Chính phủ ban hành vào cuối năm ngoái thì số doanh nghiệp này chỉ còn lại 103 đơn vị.

Tuy nhiên, dường như nhiều lãnh đạo bộ, ngành và doanh nghiệp vẫn không muốn thoát ra khỏi cái áo doanh nghiệp nhà nước. Số lượng doanh nghiệp nhà nước trong 15 năm qua tuy giảm mạnh, nhưng kết quả đó một phần chỉ mang tính hình thức vì số giảm chủ yếu rơi vào nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đó là chưa kể việc giảm số lượng còn do kết quả của sự sáp nhập nhiều doanh nghiệp độc lập thành những doanh nghiệp mới và được gom về các tập đoàn, tổng công ty.

Do vậy, chỉ thị đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước của Thủ tướng cùng với cơ chế bán toàn bộ tập đoàn, tổng công ty sẽ là một liều thuốc mạnh buộc các doanh nghiệp nhà nước phải cải cách.

Tòa soạn

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.