Doanh nghiệp logistics nội-ngoại tìm đường 'bén duyên'
Hợp tác với nước ngoài sẽ giúp các DN logistics trong nước có nhiều cơ hội để phát triển. Ảnh kho hàng của Vinafco. |
Thêm nhiều liên kết
Nắm bắt được xu thế, Công ty Cổ phần Vinafco đã liên kết với một DN Hàn Quốc để thành lập Công ty TNHH Logistics HTNS – Vinafco. Với dự án này, Vinafco sẽ có lợi thế để cung cấp các dịch vụ: Vận tải từ Lạng Sơn về các nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, đầu tư bãi khai thác để phục vụ cho khách hàng Hàn Quốc khu vực Yên Phong – Bắc Ninh, tiến hành các thủ tục hải quan cho các lô hàng NK, vận tải phân phối sản phẩm từ Bắc vào Nam và ngược lại…
Theo Tổng giám đốc Vinafco Nguyễn Hoàng Giang, mục tiêu của dự án này nhằm hướng tới nâng chuẩn chất lượng dịch vụ theo khách hàng Hàn Quốc. Đây cũng là cơ hội để Vinafco tiếp cận thị trường mới và nắm bắt được những nhu cầu, đòi hỏi khắt khe hơn từ phía khách hàng nước ngoài.
Ngoài ra, trên thị trường còn có thể kể đến các thương vụ liên kết như Công ty Cổ phần Logistics Hàng không (ALS) với Samsung SDS (công ty con của Samsung) thành công ty liên danh mang tên Công ty Cổ phần ALS-SDS (ALSDS). Theo đó, Samsung SDS sẽ cung cấp dịch vụ logistics tích hợp, gồm vận chuyển hàng trong nước và quốc tế, dịch vụ kho bãi và khai thuê hải quan; phía ALS sẽ đóng góp mạng lưới khách hàng nội địa và tìm kiếm thêm khách hàng. Không những thế, thời gian qua, nhiều thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) giữa DN trong nước với các thương hiệu nổi tiếng thế giới đã được triển khai, giúp các DN có thêm động lực để phát triển.
Trong những năm gần đây, vấn đề trên đã được nhiều DN logistics trong nước mong muốn và xây dựng thành mục tiêu để hướng tới. Bởi với việc Việt Nam đang tích cực mở cửa hội nhập với thị trường thế giới, nhu cầu vận tải, giao thương, XNK giữa các DN sẽ ngày càng mạnh mẽ, giúp ngành logistics có nhiều dư địa để phát triển; trong khi năng lực về kinh nghiệm, tài chính cũng như cơ sở hạ tầng của các DN logistics trong nước còn nhiều hạn chế.
Một khuôn khổ chính sách hỗ trợ sự phát triển của ngành logistics đang được hiện thực hóa là Quyết định số 200/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 2 vừa qua. Theo kế hoạch chi tiết, ngành logistics cần mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về logistics; tăng cường liên kết với các hiệp hội và DN dịch vụ logistics khu vực ASEAN và trên thế giới; thu hút đông đảo DN logistics nước ngoài đến làm ăn, hợp tác với DN Việt Nam.
Đối tác ngoại quan tâm
Mặc dù có nhiều tương lai cho sự hợp tác giữa DN logistics trong nước và nước ngoài, nhưng theo ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội DN logistics Việt Nam, việc hợp tác còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất là phải đáp ứng được yêu cầu của các DN nước ngoài; thứ hai là khả năng đáp ứng của các DN Việt Nam; thứ ba là các quy định trong pháp luật về đầu tư và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Vì những nguyên nhân này, ông Tương chia sẻ, có DN logistics Nhật Bản muốn hợp tác hoặc M&A với DN trong nước nhưng chưa tìm được đối tác phù hợp với yêu cầu; hoặc có DN nước ngoài muốn hợp tác để phát triển dịch vụ vận tải hàng hóa từ Đà Nẵng tới cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị ) để đưa hàng hóa sang Thái Lan nhưng một phần vì chưa tìm được DN phù hợp, một phần vì hàng hóa lưu thông chưa nhiều, nên DN này lo ngại đầu tư không hiệu quả nên vẫn lưỡng lự chưa đặt bút ký kết hợp tác.
Nói về khó khăn trong việc hợp tác với các DN nước ngoài, ông Nguyễn Hoàng Giang cho hay, các DN logistics nước ngoài thường quan tâm tới năng lực hạ tầng và trang thiết bị sẵn có năng lực công nghệ; sự phù hợp trong mô hình quản trị; trình độ nhân lực và văn hóa DN của DN trong nước. Vì thế, trong quá trình hợp tác, Vinafco thường gặp phải những khó khăn do có sự khác biệt về văn hóa quốc gia cũng như văn hóa DN; chất lượng dịch vụ chưa tương thích do tiêu chuẩn của các DN nước ngoài khá cao; bên cạnh đó, năng lực về công nghệ của Việt Nam chưa đủ tiên tiến để đáp ứng được ngay đòi hỏi của khách hàng. Do đó, đây là vấn đề cần thời gian đầu tư cũng như năng lực tài chính mạnh để đáp ứng các yêu cầu, lúc đó mới có thể tiến tới ký kết liên kết.
Với những khó khăn trên, các DN logistics quy mô nhỏ sẽ khó có thể đáp ứng, vì thế, theo ông Ngô Thế Hùng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần logistics Thắng Lợi, muốn hợp tác, liên kết với DN nước ngoài, DN logistics phải làm tốt, dịch vụ uy tín; nếu không, các DN trong nước chỉ làm ăn nhỏ lẻ, đi thuê lại của nhau. Không những thế, nhiều DN còn cho rằng, các DN phải tự có chiến lược phát triển, không nên trông chờ vào “luồng gió” đến từ nước ngoài để đẩy con thuyền DN tiến lên. Nếu các DN tự nâng được chuẩn chất lượng dịch vụ thì cơ hội hợp tác trực tiếp với khách hàng nước ngoài sẽ rộng mở hơn, thay vì dừng lại ở vai trò nhà thầu như hiện tại.
Để thực hiện được những vấn đề này, các DN đều mong muốn, cơ quan quản lý tạo điều kiện hơn nữa cho DN lĩnh vực logistics phát triển, nhưng bên cạnh đó phải có những hoạt động hỗ trợ, xúc tiến thương mại để tăng cường liên kết không chỉ giữa các DN trong nước mà giữa DN trong nước với DN nước ngoài. Với tình trạng 2/3 thị phần logistics trong nước rơi vào tay DN nước ngoài, DN trong nước chưa thể cạnh tranh với DN nước ngoài thì phải liên kết thành chuỗi cung ứng, tìm ra con đường nhanh và hiệu quả để vươn ra thị trường thế giới.