DN nhà nước Trung Quốc hối lộ để giành những hợp đồng béo bở ở Venezuela
Như Dân trí đã đưa tin, tại Delta Amacuro, một vùng xa xôi thuộc Venezuela nằm trên vùng biển Caribbean, một công ty xây dựng khổng lồ của nhà nước Trung Quốc đã ký một thỏa thuận táo bạo với cố Tổng thống Hugo Chávez.
Theo đó, Công ty China CAMC Engineering, sẽ phát triển cánh đồng lúa rộng gấp đôi Manhattan và tạo công ăn việc làm cho 110.000 cư dân địa phương, theo bản sao hiệp ước mà Reuters đưa tin.
Nhưng 9 năm sau, nhà máy này mới chỉ xây dựng được một nửa và tiến hành được ít hơn 1% sản lượng dự kiến của nó.
Đáng nói, dự án này thậm chí chưa trồng được 1 hạt gạo nào tại địa phương, theo hàng loạt những người tham gia hoặc có kiến thức về vấn đề này cho biết.
Tuy nhiên, Công ty CAMC của Trung Quốc và một số đối tác chọn lọc của Venezuela thì vẫn phát triển thịnh vượng và “đút túi” hàng trăm triệu USD.
Dự án còn dang dở, CAMC vẫn "đút túi" 1,4 tỷ USD
Máy móc tinh vi của CAMC được cho là xử lý 18 tấn gạo mỗi giờ nhưng công nhân vẫn phải đóng gói gạo bằng tay. (Nguồn: Reuters)
Cụ thể, theo Reuters đưa tin, CAMC đã ký kết ít nhất 5 dự án nông nghiệp ở Venezuela, trị giá khoảng 3 tỷ USD, mà chưa một dự án nào được hoàn thành.
Đáng nói, theo các hợp đồng và tài liệu về dự án được Reuters điều tra, công ty này đã nhận được ít nhất một nửa giá trị của hợp đồng trị giá 200 triệu USD cho dự án lúa gạo và ít nhất 40% giá trị hợp đồng cho 4 dự án khác. Tổng cộng ít nhất là 1,4 tỷ USD cho những dự án vẫn dang dở này.
CAMC đã trả hơn 100 triệu USD phí cho các trung gian, các công tố viên nói rằng những khoản thanh toán đó là những chi phí bôi trơn giúp công ty nhà nước Trung Quốc này giành được hợp đồng ở Venezuela.
Tuy nhiên, cả CAMC và bất kỳ giám đốc điều hành nào của nó đều không bị buộc tội trong bản cáo trạng.
Trong một tuyên bố, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh nói với Reuters rằng phần lớn các chi tiết và khẳng định trong hồ sơ vụ án đều không chính xác, nhưng không giải thích gì.
Công ty đã này cũng từ chối yêu cầu được nói chuyện với giám đốc điều hành CAMC do đó, Reuters đã không thể trực tiếp gặp những người điều hành công ty này.
“Hoạt động của công ty chúng tôi ở Venezuela tuân thủ ý tưởng về tính toàn vẹn và cố gắng hoàn thành mọi dự án xây dựng với công nghệ và quản lý tốt nhất”, tuyên bố này nêu.
Về vấn đề này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, báo cáo về việc các công ty Trung Quốc hối lộ ở Venezuela “rõ ràng là sự thật bị bóp méo và phóng đại, với một mưu mô ẩn giấu sau đó”. Hợp tác giữa 2 nước sẽ vẫn tiếp tục, “trên cơ sở các nguyên tắc thương mại và bình đẳng, cùng có lợi”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Sau một thỏa thuận vào năm 2007 đầy tham vọng giữa Trung Quốc và Venezuela, các công ty Trung Quốc đã được công bố là đối tác về cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD và các dự án khác tại đất nước Nam Mỹ này. Kể từ đó, Trung Quốc đã đầu tư hơn 50 tỷ USD vào Venezuela, chủ yếu dưới dạng các thỏa thuận cho vay dầu mỏ, số liệu của chính phủ cho thấy.
Trong một bài phát biểu năm 2017, Tổng thống Maduro cho biết, 790 dự án với các công ty Trung Quốc đã được ký hợp đồng trong các lĩnh vực từ dầu mỏ, nhà ở và viễn thông. Trong số đó, ông Maduro cho biết 495 dự án đã hoàn thành. Một số dự án đã bị đình trệ, số khác thì không thể thực hiện được vì sự bất tài và không có ai giám sát.
Quan chức Venezuela nhận hối lộ, ký hợp đồng thất thiệt hại nước
CAMC đã ký kết ít nhất 5 dự án nông nghiệp ở Venezuela, trị giá khoảng 3 tỷ USD, mà chưa một dự án nào được hoàn thành, người dân địa phương vẫn thiếu lương thực.
Tại Delta Amacuro, ngay cả các quan chức chính phủ cũng nói rằng sự hợp tác không ăn nhập của 2 bên đã phá hỏng dự án lúa gạo này.
“Chính phủ đã từ bỏ dự án này rồi. Mọi thứ đã mất. Mọi thứ đều bị đánh cắp”, ông Victor Meza, điều phối viên nhà nước cho cơ quan phát triển nông thôn Venezuela, bên hợp tác với công ty CAMC của Trung Quốc tiết lộ.
Hàng ngàn trang tài liệu của tòa án được Reuters xem xét đã được nộp tại Andorra, một quốc gia ở châu Âu nơi các công tố viên cho rằng những người Venezuela liên quan đến dự án đã tìm cách rửa tiền rồi đút lại vào túi mình để giúp bảo đảm hợp đồng.
Theo đó, các công tố viên ở thiên đường thuế Andorra đã mở cuộc điều tra về hoạt động rửa tiền của Venezuela nhằm làm sạch lĩnh vực tài chính địa phương. Bản cáo trạng này là một phần của một vụ án lớn hơn nhiều, trong đó các công tố viên cáo buộc các quan chức Venezuela từ năm 2009 đến 2014 đã nhận được hơn 2 tỷ USD hoa hồng bất hợp pháp từ các nhà thầu, công ty nhà nước và các nguồn khác, thường để cho phép giao dịch với chính phủ.
Các khoản thanh toán này đã được chuyển qua các tài khoản tại Banca Privada D’Andorra, một ngân hàng địa phương gọi tắt là BPA.
Sau khi Hoa Kỳ cáo buộc BPA rửa tiền, Chính phủ Andorra đã tiếp quản ngân hàng này vào năm 2015. Các tòa án ở đó đã buộc tội 25 cựu nhân viên BPA rửa tiền trong một loạt các vụ án, bao gồm cả vụ án của Venezuela. Một phát ngôn viên của chính phủ Andorra, đã từ chối bình luận về vấn đề này.