|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

DN lên kế hoạch niêm yết theo 'giờ giây thun' trước sức ép của Dragon Capital

16:27 | 08/06/2020
Chia sẻ
Những phản hồi của đại diện Dragon Capital với ban lãnh đạo Ricons tại kì Đại hội đồng cổ đông thường niên mới đây cho thấy vai trò của các cổ đông lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược và các quĩ đầu tư nhiều kinh nghiệm sẽ giúp tiếng nói của cổ đông trở nên trọng lượng hơn trước Ban lãnh đạo của DN.

Sức mạnh của "nhà giàu" Dragon Capital

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons tổ chức vào ngày 6/6 vừa qua, các cổ đông Ricons, đặc biệt là cổ đông lớn Dragon Capital đã có sự phản ứng khá mạnh với Ban lãnh đạo công ty về tình hình chậm triển khai việc đưa cổ phiếu Ricons lên sàn chứng khoán. 

Trước đó, HĐQT Ricons đã hai lần trình cổ đông thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu lên sàn HOSE trong các kì họp ĐHĐCĐ các năm 2018 đến 2019 kèm lời hứa sẽ thực hiện niêm yết trong cùng năm Đại hội nhưng không có tiến triển.

Trong năm nay, HĐQT Ricons tiếp tục có tờ trình niêm yết cổ phiếu lên HOSE. Thời gian dự kiến trong năm 2020 và thời điểm cụ thể do HĐQT quyết định tùy thuộc vào tình hình thực tế. 

Theo ông Lê Miên Thụy, Tổng Giám đốc Ricons cho biết, "HĐQT công ty muốn chờ thời điểm tốt để lên sàn, khi cả thị trường hừng hực hứng khởi chứ không phải khi vẫn còn dịch bệnh...". Theo đó, HĐQT sẽ xem xét trong năm nay hoặc sang năm

Tuy nhiên, thông tin trên ngay lập tức bị cổ đông lớn cho là không hợp lí. "Ban lãnh đạo Công ty nghĩ rằng niêm yết để bán cổ phiếu hoặc chờ cơ hội nhưng theo quan điểm cá nhân thì niêm yết là định hướng mới, không chỉ là cơ hội", ông Vũ Hữu Điền, đại diện quĩ Dragon Capital nói.

Thậm chí, theo ông Điền, thị trường nóng quá thì không nên niêm yết, còn thị trường xấu quá thì lại là cơ hội: "Hiện tay, nói rằng thị trường không tốt thì tôi không đồng ý, VN-Index đã lên gần bằng mức năm ngoái".

Lo ngại thời gian niêm yết tiếp tục bị kéo dài như những gì diễn ra trong hai năm 2018, 2018, đại diện quĩ Dragon Capital cũng nhắc lại cam kết của ban lãnh đạo Ricons khi huy động vốn, là thực hiện niêm yết sau 15 - 18 tháng, chậm nhất vào 2019. 

"Khi đó, Dragon Capital mua cổ phần với giá 107.000 đồng/cổ phiếu, tạo nguồn thặng dư khổng lồ của Ricons và sức mạnh tài chính qua COVID-19. Nếu không có nguồn vốn này thì Ricons cũng phải đi vay ngân hàng. Ricons phải có trách nhiệm với cổ đông và lời hứa khi huy động vốn", đại diện Dragon Capital nêu rõ.

Tránh tình trạng doanh nghiệp có thể chậm thực hiện niêm yết do qui định về thủ tục. Đại diện Dragon Capital đã đề cập thẳng đến vấn đề qui định. Theo đó, khi nộp hồ sơ niêm yết, báo cáo tài chính kiểm toán chỉ có giá trị trong vòng 6 tháng. Do đó, ông Điền đề nghị Ban lãnh đạo Ricons phải thực hiện việc niêm yết trong năm nay. 

Đồng thời, ông Điền khẳng định cứng rắn rằng nếu công ty không thực hiện niêm yết HĐQT và Ban Tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm. "Công ty đã vi phạm thỏa thuận, nói sẽ mua lại cổ phiếu nếu không niêm yết đúng hạn. Tôi đề nghị phải niêm yết trong năm nay", đại diện Dragon Capital nhấn mạnh.

Trước yêu cầu này, Tổng giám đốc Ricons đưa ra đề nghị chốt thời hạn niêm yết trước thời điểm tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2021. Tuy nhiên, ông Điền vẫn không đồng ý vì lo ngại thời điểm đó không thể thực hiện được.

Do báo cáo tài chính kiểm toán chỉ có giá trị 6 tháng, nếu không niêm yết trong năm nay thì phải chờ đến tháng 7 - 8 năm sau mới niêm yết được, đại diện Dragon Capital lo ngại rằng Ricons sẽ lại thất hứa thêm một lần nữa.

Sức ép này buộc Tổng giám đốc Ricons đã phải đưa ra một lời đề nghị khác: Đến ngày 31/12 Ricons phải có giấy phép hoàn tất chấp thuận niêm yết của HOSE và tối đa tới tháng 2/2021 sẽ chính thức niêm yết. 

Đề nghị này được đại diện Dragon Capital và cổ đông tham dự hưởng ứng và thông qua ngay trong Đại hội.

Lãnh đạo Ricons có thực sự muốn niêm yết cổ phiếu?

Trước đó, các cổ đông Ricons cũng tỏ ra bức xúc khi công ty không thực hiện việc niêm yết cổ phiếu trên sàn theo kế hoạch. Trong khi đó, với mức giá mua ban đầu 110.000 đồng/cp, nay giá cổ phiếu Ricons trên thị trường OTC chỉ còn khoảng 50.000 đồng/cổ phiếu khiến các cổ đông thất vọng.

Trong khi các nhà đầu tư chuyên nghiệp tin rằng, các doanh nghiệp khi thực hiện niêm yết sẽ có nhiều lợi thế như nâng cao hình ảnh và uy tín của mình, do niêm yết được xem là một thước đo chuẩn mực cho tính hiệu quả và minh bạch trong hoạt động và kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng mặn mà với việc niêm yết cổ phiếu của mình, thậm chí không ít trường hợp doanh nghiệp tìm cách trốn lên sàn. Trong trường hợp của Ricons, doanh nghiệp hoàn toàn đáp ứng đủ các tiêu chí để thực hiện niêm yết trên sàn HOSE.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng vẫn không muốn niêm yết là nhằm tránh phải tuân thủ các qui định, điều kiện về công bố thông tin về hoạt động của doanh nghiệp.

Trong trường hợp khác, nhiều doanh nghiệp quyết định không lên sàn nhằm muốn bảo vệ kết cấu vốn chặt chẽ, không muốn tự suy giảm quyền điều hành và tự quyết tại doanh nghiệp, hoặc hạn chế rủi ro bị thâu tóm hay chi phối bởi đối thủ cạnh tranh qua thị trường chứng khoán.

Với Ricons, trong khoảng hai năm nay vốn là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong mâu thuẫn nội bộ của Ban lãnh đạo Coteccons với nhóm cổ đông lớn Kusto. Kế hoạch sáp nhập Ricons vào Coteccons bị Kusto phủ quyết ngay trong kì đại hội năm 2019 như ngọn lửa châm ngòi cho xung đột ngày càng lớn hơn.

Mới đây, cổ đông lớn Kusto đã phát đi thông cáo báo chí yêu cầu ban lãnh đạo chủ chốt Coteccons từ chức và đơn phương tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để bầu HĐQT mới. Phía lãnh đạo Cotecons ngay sao đó đã phản pháo các báo cuộc và cho rằng Kusto đang muốn hoàn tất việc thâu tóm công ty.

Cũng không khác với cơ cấu cổ đông của Coteccons, trong cơ cấu cổ đông tại Ricons hiện nay, tỉ lệ sở hữu của lãnh đạo chủ chốt của công ty không chiếm phần đa số. Việc này dẫn đến một thực tế là các đề đề xuất của HĐQT Ricons cũng có thể dễ dàng bị bác bỏ khi kết cấu cổ đông thay đổi. 

Trước thực trạng này, nhiều nhà đầu tư lo ngại liệu rằng kế hoạch niêm yết của Ricons có bị trì hoãn thêm lần nào nữa?

Sơn Tùng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.