Điều chỉnh quy hoạch NovaWorld Ho Tram - Binh Chau Onsen, dự kiến xây thêm hàng trăm căn biệt thự nghỉ dưỡng
Tháng 11 vừa qua, UBND huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 dự án Khu du lịch suối nước nóng Bình Châu tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc do CTCP Du lịch Sài Gòn - Bình Châu làm chủ đầu tư.
Trước đó, vào tháng 4, Sài Gòn - Bình Châu đã có buổi làm việc với UBND huyện Xuyên Mộc để báo cáo phương án đề xuất điều chỉnh quy hoạch khu du lịch suối nước nóng Bình Châu, theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại buổi làm việc, doanh nghiệp cho biết việc điều chỉnh quy hoạch là do dự án thiếu các tiện ích khu vui chơi giải trí hoạt động vào ban đêm.
Cùng với đó, cơ sở lưu trú hiện tại đã lạc hậu, thiếu so với tiềm năng và đáp ứng nhu cầu thực tế. Phương án điều chỉnh sẽ tránh tác động đến mạch khoáng hiện hữu, trong đó khu vực suối khoáng nóng và các tiện ích được giữ nguyên theo quy hoạch hiện hữu.
Cũng trong tháng 11, Sài Gòn - Bình Châu đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) điều chỉnh cho khu du lịch suối nước nóng Bình Châu, trong đó điều chỉnh một số hạng mục kỹ thuật như hệ thống thu gom, thoát nước mưa; hệ thống thu gom, thoát nước thải và công trình xử lý nước thải. Nhìn chung, tính chất của đợt điều chỉnh này là cải tạo, nâng cấp dự án.
Một phân khu của NovaWorld Ho Tram
Về chủ đầu tư, Sài Gòn - Bình Châu được thành lập vào tháng 11/1999, trụ sở đặt tại huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ghi nhận vào đầu năm 2014, CTCP Du lịch Sài Gòn - Bình Châu có vốn điều lệ khoảng 250 tỷ đồng, được sở hữu bở 4 tổ chức: Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH MTV (28,18%), CTCP Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (11,48%), CTCP May và Xây dựng Huy Hoàng (7,85%), Ngân hàng TMCP Phương Đông (7,23%) và nhóm cổ đông khác nắm giữ 45,26%.
Tính đến ngày 14/6/2021, gần 65% vốn góp tại Sài Gòn - Bình Châu được Vũng Tàu Investment (tên cũ là CTCP Nova Investment) nắm giữ thông qua một công ty là Vũng Tàu Beach City.
Cũng trong tháng 6/2021, CTCP Tập đoàn Địa ốc No Va (Novaland) đã hoàn tất mua lại 65% vốn tại Du lịch Sài Gòn - Bình Châu thông qua công ty liên quan.
Tại báo cáo thường niên năm 2022, danh mục dự án bất động sản du lịch của Novaland có đề cập đến hai dự án do Sài Gòn - Bình Châu làm chủ đầu tư, bao gồm NovaWorld Ho Tram - Binh Chau Onsen (33,3 ha với 568 sản phẩm) và NovaWorld Ho Tram - Long Island (26,8 ha, 415 sản phẩm). Cả hai dự án này dự kiến bàn giao từ quý III/2024.
Tính đến ngày 1/11/2023, Sài Gòn - Bình Châu có vốn điều lệ khoảng 707 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật là ông Lê Thanh Liêm.
Dự án từng tăng vốn từ 50 tỷ lên hơn 1.500 tỷ đồng
Nói qua về xuất xứ của Khu du lịch suối nước nóng Bình Châu, vào tháng 6/1997, Công ty liên doanh du lịch Bình Châu đã có đơn xin thẩm định ĐTM cho dự án, đến tháng 7 cùng năm đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt.
Tháng 11/2000, dự án lần đầu được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 35 ha, được chia thành 8 phân khu chức năng chính. Thời điểm đó, diện tích đất xây dựng các công trình dịch vụ (như nhà hàng, câu lạc bộ, nhà nghỉ, khu vui chơi, điều dưỡng) chiếm khoảng 0,9 ha.
Tháng 9/2001, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định cho Sài Gòn - Bình Châu thuê 33,3 ha đất với thời hạn 50 năm để xây dựng khu du lịch suối khoáng Bình Châu. Theo hợp đồng thuê đất được ký với tỉnh vào năm 2002, giá thuê đất được xác định là 252 đồng/m2. Năm 2003, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 33,3 ha nói trên.
Ngày 1/3/2002, dự án được khởi công, hoàn thành và hoạt động từng phần từ tháng 7/2002. Tổng mức đầu tư thời điểm đó là 50,5 tỷ đồng.
Tháng 5/2015, dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu với tổng vốn hơn 103 tỷ đồng. Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, số vốn này nhà đầu tư đã góp đủ vào tháng 12/2010.
Năm 2018, dự án được điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh quy hoạch chi tiết, trong đó diện tích đất xây dựng công trình khách sạn, biệt thự, nghỉ dưỡng được điều chỉnh thành 10,1 ha.
Tháng 1/2020, dự án tiếp tục được điều chỉnh với tổng vốn lúc này là 1.512 tỷ đồng, trong đó vốn góp thực hiện dự án là 600 tỷ đồng. Địa phương cho biết, nhà đầu tư đã góp 160 tỷ đồng tính đến tháng 9/2019 và dự kiến hoàn tất 440 tỷ đồng còn lại trong giai đoạn 2020 - 2021. Cùng với đó, dự án sẽ dọn dẹp mặt bằng, tháo dỡ công trình cũ để xây dựng mới công trình, dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 6/2021.
Dự kiến xây mới hàng trăm căn biệt thự nghỉ dưỡng
Sau đợt điều chỉnh quy hoạch ngày 20/11 vừa qua, tổng diện tích của khu du lịch suối nước nóng Bình Châu là 33,27 ha. Phía đông bắc dự án giáp đường 321 và ấp Bình Thắng, xã Bình Châu; phía tây bắc giáp khu điều dưỡng TW Đảng; các phía còn lại tiếp giáp rừng tạp (chủ đầu tư nhận khoán 276 ha rừng theo hình thức chăm sóc bảo vệ, không thuộc phạm vi dự án).
Văn bản cũng cho biết, dự án đã cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch, nhiều hạng mục công trình đã xây dựng và đưa vào sử dụng, đạt khoảng 90% so với quy hoạch được duyệt. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án đã cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác. Các công trình đã được xây dựng và sử dụng nhiều năm, tình trạng đang xuống cấp.
Về cơ cấu sử dụng đất dự án sau khi điều chỉnh, đất xây dựng công trình dịch vụ, khu văn phòng và hạ tầng kỹ thuật giảm từ 13,4 ha xuống còn 7,82 ha; đất cây xanh, hồ nước tăng từ 14 ha lên 17,54 ha; đất giao thông, bãi đỗ xe tăng từ 5,8 ha lên 7,91 ha.
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu cũng được điều chỉnh. Cụ thể, chiều cao tối đa của khu khách sạn mini là 6 tầng nay được huỷ bỏ; còn chiều cao nhà nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng, khu nhà nghỉ dưỡng kết hợp thương mại dịch vụ, khu dịch vụ tiện ích vẫn giữ nguyên 3 - 4 tầng. Quy mô khách du lịch theo quy hoạch trước là 2.000 - 4.000 người, nay điều chỉnh thành 3.200 người.
Toàn dự án sẽ có 537 công trình dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao 3 tầng bao gồm 285 căn nhà nghỉ dưỡng cao; 52 căn biệt thự song lập (36 căn xây mới, 16 căn cải tạo chỉnh trang); 87 căn biệt thự đơn lập (83 căn xây mới, 4 căn cải tạo) và 113 căn nghỉ dưỡng kết hợp thương mại dịch vụ.
Về tiến độ, dự kiến đến quý I/2024, dự án sẽ hoàn tất thủ tục pháp lý theo quy định; Khảo sát thiết kế và hoàn tất thi công hạ tầng. Khu suối nước khoáng hiện hữu giữ lại không tác động về kiến trúc công trình. Điều chỉnh một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật và các tuyến giao thông nối kết với khu vực điều chỉnh cải tạo, nâng cấp (khu dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp).
Đối với khu dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng và tiện ích phụ trợ, sẽ xây dựng khu nhà nghỉ dưỡng, là các hạng mục đáp ứng kịp thời các dịch vụ cho số lượng lớn khách du lịch đến suối nước khoáng. Xây dựng các khu tiện ích; khu dịch vụ thương mại du lịch.
Giai đoạn quý II/2024 - quý I/2025, dự án sẽ tiếp tục phát triển các hạng mục công trình tại khu nghỉ dưỡng (nhà nghỉ dạng biệt thự cao cấp), khu dịch vụ và hoàn thiện các hạng mục còn lại. Từ quý II/2025 sẽ hoàn thành và đưa tổng thể dự án vào hoạt động.
Tổng mức đầu tư trong đợt điều chỉnh ĐTM này là gần 796 tỷ đồng, trong đó hơn 694 tỷ đồng để xây dựng các công trình dịch vụ du lịch và 102 tỷ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật toàn khu.