|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Điểm mặt những dự án tỷ đô đắp chiếu tại khu Nam Sài Gòn

11:21 | 01/12/2018
Chia sẻ
Sau những thông tin công bố rầm rộ, lễ khởi công được tổ chức hoành tráng, nhiều dự án có tổng vốn lên đến hàng tỷ USD nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt” nhiều năm trời.
diem mat nhung du an ty do dap chieu tai khu nam sai gon
Dự án Saigon Peninsula đã mất cả biển tên sau nhiều năm bất động

Từ kỳ vọng...

Tại Khu đô thị Nam Sài Gòn, Dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và nhà ở đô thị (Saigon Peninsula), phường Phú Nhuận, quận 7, TP.HCM do Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula làm chủ đầu tư với tổng diện tích lên tới hơn 117 ha và vốn đầu tư là 6 tỷ USD khi khởi công đã được thị trường và người dân TP.HCM đặt rất nhiều kỳ vọng.

Theo thông tin quảng cáo từ chủ đầu tư và đơn vị môi giới, Saigon Peninsula được xây dựng, phát triển dựa trên mối tương quan cân bằng giữa không gian đô thị và môi trường tự nhiên, là “lá phổi xanh” của TP.HCM. Đồng thời, đây cũng là một khu đô thị đa chức năng, một không gian lý tưởng đáp ứng mọi nhu cầu về nhà ở, văn phòng, thương mại, du lịch, vui chơi giải trí đẳng cấp và hiện đại ở khu vực miền Nam.

Ngoài ra, Saigon Peninsula còn phát triển bến tàu khách quốc tế với quy mô lên đến 4,6 ha, chiều dài dự kiến khoảng 600 m. Khi hoàn thành và đưa vào hoạt động, có thể đón các lượt khách quốc tế trên những chuyến tàu với tải trọng lên đến 200.000 GRT. Cảng tàu khách quốc tế này sẽ là cảng tàu khách lớn nhất tại Việt Nam.

diem mat nhung du an ty do dap chieu tai khu nam sai gon
Những ngôi nhà tạm bợ được người dân dựng bên trong Dự án Khu dân cư Phước Kiển. Ảnh: Việt Dũng

Được biết, giữa năm 2016, một đối tác của Tập đoàn Sài Gòn Peninsula là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã công bố việc ký kết với các nhà đầu tư nước ngoài gồm Pavilion Group và Genting Group để phát triển siêu dự án này.

Theo đó, Pavilion Group sẽ giữ vai trò chủ đạo trong quy hoạch tổng thể và triển khai xây dựng công trình điểm nhấn gồm trung tâm thương mại bán lẻ chất lượng cao kết hợp với khách sạn 5 sao, khu căn hộ cao cấp và villa nghỉ dưỡng sang trọng cùng các cao ốc văn phòng hạng A tại dự án này. Còn Genting Group sẽ tham gia vào việc xây dựng cảng tàu khách quốc tế của dự án.

Cũng tại khu Nam, Dự án Khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè của Công ty Quốc Cường Gia Lai được kỳ vọng là “con bò sữa” sẽ giúp mang về doanh thu trên 12.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp này.

Quy mô của dự án theo kế hoạch triển khai là 93,3 ha, chỉ cách Phú Mỹ Hưng khoảng 1 km về hướng Tây. Nơi đây được kỳ vọng sẽ xây dựng thành khu thương mại, hành chính y tế, khu biệt thự nhà vườn, nhà liền kề và chung cư cao tầng.

Kế hoạch triển khai hạ tầng hoàn chỉnh cũng như tìm kiếm đối tác liên doanh giai đoạn 1 được khởi động từ năm 2011. Cùng với đó, ban lãnh đạo Công ty Quốc Cường Gia Lai đã lạc quan khi đưa ra con số doanh thu trên 12.200 tỷ đồng, lợi nhuận trên 7.400 tỷ đồng của Phước Kiển tính cho giai đoạn 2011 - 2016.

... Đến thất vọng

Trước những thông tin của các siêu dự án trên, bộ mặt đô thị của TP.HCM tưởng chừng sẽ được thay đổi, người dân sẽ được sống và làm việc trong những khu đô thị hiện đại, sử dụng những tiện ích bậc nhất, nhưng thực tế lại trái ngược hoàn toàn.

Cụ thể, tại Dự án Saigon Peninsula, theo kế hoạch của chủ đầu tư, dự kiến khâu chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hoàn thành trong quý IV/2016, giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại thực hiện quý I/2017, triển khai hệ thống hạ tầng kỹ thuật dự án vào quý II/2017, hạ tầng xã hội từ quý IV/2017 đến quý I/2018.

diem mat nhung du an ty do dap chieu tai khu nam sai gon
Đường vào công trình Dự án Saigon Peninsula xuống cấp trầm trọng

Song trên thực tế, sau lễ khởi công được tổ chức hoành tráng năm 2016, đến nay, dự án vẫn bất động. Bên ngoài cổng của dự án chỉ có lác đác một vài nhân viên bảo vệ, chủ yếu để để trông coi để gia súc của người dân xung quanh không chạy vào dự án.

Bên trong dự án, theo quan sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, khu đất rộng hơn 117 ha này chỉ toàn cây xanh và cỏ dại. Dù có bãi tập kết vật liệu, nhưng không có bất kỳ dấu hiệu hay bóng dáng công nhân nào đang làm việc.

Đoạn đê bao đã đắp dài bên phía sông Sài Gòn và rạch Bà Bướm đang thi công dở dang đến nay vẫn chưa được hoàn thành. Chưa kể, con đường dẫn vào dự án tỷ USD này ổ voi giăng kín lối vào và vô cùng lầy lội sau mỗi trận mưa.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, một người dân sống gần khu vực này cho biết, từ cuối năm 2016 đến nay, các phương tiện vận chuyển vật liệu vào dự án đều không có, bóng dáng “cò” đất cũng ngày càng thưa và giờ thì không còn.

“Trước đây, một ngày có đến hàng chục khách hàng và cò đất vào quán của tôi uống nước rồi đi xem đất, nhưng đến nay thì hết hẳn. Cũng không thấy công nhân vào làm việc nữa, có thì cũng chỉ là đắp mấy con đường và làm bở kè, chứ không xây dựng gì”, người này nói.

Còn tại dự án “con bò sữa” của Công ty Quốc Cường Gia Lai, sau những tuyên bố lạc quan trên, đến nay sau hơn 10 năm, dự án này vẫn chưa xong công tác đền bù giải phóng mặt bằng để triển khai.

Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tại khuc vực triển khai dự án, khu đất rộng lớn này không khác gì một bãi đầm lầy, cỏ dại mọc cao hơn đầu người. Trong khi đó, để vào được bên trong dự án, phải băng qua một đoạn đường nhỏ hẹp, ngoằn nghèo và phải đi qua một chiếc cầu cũ đang xuống cấp.

Bên cạnh đó, tuyến đê bao ven sông đoạn được làm tạm bợ, có đoạn bỏ không. Ngoài ra, vịt, trâu bò được thả rong bên trong khu đất dự án để tận dụng nguồn cỏ tươi tốt ở đây.

Những gia đình chưa được đền bù phải gắng sống qua ngày tại “siêu” dự án này, bởi những tiện ích thiết yếu như điện và nước sạch cũng chở nên “xa xỉ”. Để có điện và nước sạch, người dân phải câu nối vào các hộ dân khác nằm cách đó khoảng hơn 200 m và trả tiền theo tháng với mức giá cao gấp ba lần.

Cô Hương, ở ngay đường Đào Sư Tích cho biết, nhà của cô cũng nằm trong phạm vi dự án. Đã có nhiều lần các đơn vị xuống đo đạc, bàn chuyện bồi thường, giải tỏa nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

“Ở trong nhà của mình mà còn tệ hơn là đi ở trọ, điện nước thì thiếu thốn, môi trường xung quanh ô nhiễm, đường đi lầy lội... chẳng biết có thể dọn đi bất cứ lúc nào”, cô Hương nói.

Cũng theo người dân ở đây, họ rất muốn việc đền bù được giải quyết sớm để chuyển đến nơi ở khác sống, nhưng sau nhiều năm, giữa chủ đầu tư và người dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Anh Tiến, một người dân có nhà đất nằm trong phạm vi dự án cho biết, với hơn 200 m2 đất có giấy tờ đầy đủ, gia đình anh yêu cầu chủ đầu tư bồi thường 15 - 17 triệu đồng/m2, nhưng chủ đầu tư chỉ đồng ý bồi thường với mức giá 10 triệu đồng/m2.

Cuối năm 2017, Quốc Cường Gia Lai cho biết, được một đối tác đổ thêm tiền để thực hiện Dự án Phước Kiển (chủ yếu là giải phóng mặt bằng), nhưng đến nay, siêu dự án này vẫn giậm chân tại chỗ.

Việt Dũng