|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất thu phí phương tiện theo vành đai ở Hà Nội

10:36 | 26/10/2019
Chia sẻ
Đề án thu phí phương tiện vào nội đô của Hà Nội đang nghiên cứu phương án kết hợp thu phí theo vùng đa cấp tại vành đai 2 và vành đai 3.

Sáng 25/10, Sở Giao thông vận tải tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia về đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường" của TP Hà Nội.

Đề xuất thu phí phương tiện theo vành đai ở Hà Nội - Ảnh 1.

Bà Đinh Thị Thanh Bình trình bày đề án. Ảnh: Gia Chính

Đại diện cho đơn vị được giao nghiên cứu, xây dựng đề án, bà Đinh Thị Thanh Bình, chuyên gia của Công ty cổ phần phát triển Đô thị bền vững, dẫn kinh nghiệm từ Singapore để chứng minh tính cần thiết của việc thu phí phương tiện đi vào nội đô. 

Theo bà Bình, năm 1975 hệ thống giao thông công cộng của Singapore đáp ứng khoảng 46% nhu cầu đi lại của người dân nhưng chính quyền quốc đảo này vẫn thực hiện thu phí ở 33 khu vực có điểm ùn tắc. 

"Việc thu phí này giúp tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng tăng gần 1,5 lần vào năm 1998. Đồng thời tốc độ giao thông trung bình cũng tăng từ 16 km/h (1975) lên 26 km/h (1998)", bà Bình nói.

Kinh nghiệm từ London (Anh) cho thấy, khi thực hiện thu phí phương tiện vào năm 2003 thành phố này ngay lập tức đã giảm được 25% phương tiện cá nhân và giảm một nửa thời gian di chuyển trên đường của lái xe.

 "Sau 6 tháng thực hiện, London đã giảm được 60.000 lượt xe ôtô vào khu vực trung tâm mỗi ngày. 60% số này chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng", bà Bình đưa ra dẫn chứng.

Đề xuất thu phí phương tiện theo vành đai ở Hà Nội - Ảnh 2.

Các vùng thu phí được đề xuất.

Đối với Hà Nội, đại diện Công ty cổ phần phát triển đô thị bền vững đưa ra hai phương án thu phí ôtô là thu phí theo khu vực và thu phí theo tuyến đường.

"Thu phí theo tuyến đường thì dễ thực hiện và chi phí thấp nhưng không giảm được nhiều phương tiện vì người dân sẽ tìm cách đi vòng tránh", bà Bình nói và cho rằng phương án thu phí theo khu vực (theo đường vành đai) sẽ tốn kém hơn nhưng đem lại hiệu quả rõ rệt hơn trong việc giảm ùn tắc.

Bà Bình cho biết, đơn vị đang nghiên cứu ba phương án thu phí theo vành đai gồm. Thu phí vùng nhỏ (vành đai 1 hoặc vành đai 2); Vùng thu phí trung bình (vành đai 3); vùng thu phí lớn (vành đai 3,5 - 4).

"Với vùng thu phí nhỏ thì nhiều khu vực ngoài vùng chưa được xử lý, vùng thu phí lớn thì phía bên trong lại phát sinh ùn tắc. Vậy chúng tôi đang nghiên cứu phương án kết hợp thu phí theo vùng đa cấp tại vành đai 2 và vành đai 3", bà Bình giải thích.

Mức thu phí cụ thể sẽ thực hiện trên nguyên tắc tăng dần với ôtô có nguy cơ cao gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Các phương tiện sẽ được lắp đặt công nghệ nhận diện vô tuyến và công nghệ tự động nhận diện biển số để thu phí.

Đề án thu phí phương tiện sẽ được xây dựng và trình các cấp phê duyệt trong năm 2020 và triển khai trong giai đoạn 2020-2030.

Đề xuất thu phí phương tiện theo vành đai ở Hà Nội - Ảnh 3.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội. Ảnh: Gia Chính

Bổ sung thêm ý kiến về việc này, giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, đây là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng đến nhiều người dân nên quá trình xây dựng đề án sẽ làm rõ bản chất của các khoản phí, không để xảy ra tình trạng "phí chồng phí". 

"Các ôtô phải lắp thiết bị thu phí không dừng, đảm bảo đồng bộ trong phạm vi cả nước. Và cần số hóa dữ liệu để tiến hành phạt nguội với các phương tiện vi phạm", ông Viện nói.

GS.TS Vũ Thị Vinh, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho rằng ngoài việc phát triển giao thông công cộng để đạt tỉ lệ phục vụ thì Hà Nội cũng cần xây dựng hệ thống các điểm đỗ xe, các dịch vụ xe chung. "Mỗi 1 km nên có một điểm đỗ xe để thuận tiện cho người dân", bà Vinh nêu ý kiến.

Trước những ý kiến về việc thu phí có thể gây mất thời gian, phiền toái cho người dân, chuyên gia Koji Ono (công ty NEC Việt Nam) cho rằng công nghệ hiện tại không cần đến các trạm thu phí nên sẽ không ảnh hưởng nhiều tới người dân, họ có thể thanh toán hàng ngày hàng tháng như tiền điện, nước. 

"Thậm chí mức phí có thể thay đổi tùy thuộc tình trạng ùn tắc ở từng thời điểm nhất định", ông Ono nói thêm.

Hà Nội hiện có khoảng 6,6 triệu phương tiện giao thông đường bộ (0,6 triệu ôtô và 5,9 triệu xe máy). Tốc độ tăng trong giai đoạn 2011-2018 của ôtô là 11%, xe máy là 6,7%.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội đánh giá hệ thống đường bộ không theo kịp sự phát triển của phương tiện giao thông dẫn tới quá tải. Tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến ngày càng phức tạp, ô nhiễm môi trường.

Gia Chính