Thêm đối tượng hưởng trợ cấp, nới điều kiện doanh nghiệp được vay vốn lãi suất 0% từ gói 62.000 tỉ
Sáng ngày 16/7/2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động lớn đến lực lượng lao động và chuỗi cung ứng dẫn tới tình trạng thất nghiệp, mất việc, tạm ngưng việc tăng cao.
Chưa có thời điểm nào tỉ lệ thất nghiệp của Việt Nam cao như thời điểm này (khoảng 2,56%, trong khi cuối năm 2019 con số này là 1,98%); qui mô lao động của Việt Nam từ 55,4 triệu người xuống còn khoảng 52 triệu người.
Theo Bộ trưởng, bên cạnh gãy đứt chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu còn kèm theo tình trạng sản xuất ra hàng hóa nhưng không xuất khẩu được, từ đó đặt ra những vấn đề về thất nghiệp thực sự.
Thời gian qua, việc ngừng việc, giãn việc, thậm chí thất nghiệp đã xảy ra ở những doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực tự do, tác động này nếu không được xử lí sớm, thời gian tới việc thất nghiệp chính thức sẽ diễn ra nhiều ở những doanh nghiệp FDI, những tập đoàn lớn thuộc lĩnh vực dệt may, giày da, thủy sản…
Bên cạnh đó, do tình hình các nước chưa phục hồi do COVID-19, trong 6 tháng qua cả nước chỉ đạt 30% kế hoạch đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong khi đó, lĩnh vực này thường chiếm tới 10% tổng số lao động có việc làm hàng năm trong cả nước.
Trong tình hình đó, Bộ cũng đã tham mưu với Đảng và Nhà nước về gói an sinh 62.000 tỉ đồng. Đây là điều chưa từng có trong tiền lệ. Tới nay, các địa phương đã phê duyệt quyết định hỗ trợ 15,8 triệu người, tương ứng với số tiền hỗ trợ hơn 11.000 tỉ đồng (tới ngày 30/6).
Bên cạnh đó, nhiều qui định về việc thực hiện tạm dừng đóng BHXH đã sớm được triển khai, thực hiện các chính sách BHTN trên 6.000 tỉ đồng, bằng 180% so với cùng kì năm trước...
Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Lê Quân, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sẽ mở rộng các trường hợp nhận hỗ trợ gói 62.000 tỉ đồng đối với giáo viên tư thục, đồng thời giảm một loạt các điều kiện về gói vay trả lương lãi suất 0% nhằm khuyến khích các doanh nghiệp hạn chế sa thải lao động.
Theo ông Quân, ngay sau khi Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về việc giảm điều kiện và mở rộng đối tượng trong Nghị quyết 42, chiều 15/7, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị cung cấp số liệu về giáo viên tư thục cũng như đánh giá tác động của COVID-19 đối với giáo viên tư thục.
Theo rà soát, số lượng giáo viên tư thục ở tất cả các cấp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 có khoảng 30.000 - 50.000 người. Bộ sẽ bổ sung những đối tượng này vào nhóm hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng và tùy mức độ ảnh hưởng, giáo viên tư thục có thể được hỗ trợ từ 1 tháng đến tối đa 3 tháng.
Ông Quân cho biết, qua rà soát, số giáo viên này tập trung phần lớn ở bậc mầm non, bởi trong mấy tháng nghỉ học, các trường hầu như không thu được học phí. Còn ở bậc cao hơn như THCS, THPT, khối CĐ, ĐH hay trường nghề sinh viên nghỉ học không dài nên các trường vẫn có nguồn thu học phí.
Ngoài ra, sẽ giảm bớt điều kiện gói vay trả lương lãi suất 0% để các doanh nghiệp tiếp cận với gói vay 16.000 tỉ đồng. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH chỉ giữ lại tiêu chí về thời gian vay tối đa 3 tháng và mức vay.
“Còn doanh nghiệp sẽ không cần chứng minh khó khăn tài chính như trước đây. Thời gian ngừng việc của lao động cũng nới rộng ra từ ngày 1/1 đến ngày 31/12, thay vì từ ngày 1/4 đến 30/6 như trước. Doanh nghiệp không cần phải trả trước 50% lương ngừng việc và giải ngân trực tiếp cho người lao động.”, Thứ trưởng Lê Quân cho hay.
Theo ông Quân, những nội dung trên mới chỉ là đề xuất, Bộ sẽ lấy thêm ý kiến của các đơn vị như Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nhà nước…Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ có tờ trình gửi Chính phủ sửa đổi Nghị quyết 42 và Quyết định 15.