Đề xuất lập Sở Giao thông Công chánh TP HCM
Theo phương án sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập do Sở Nội vụ đề xuất, Sở Giao thông Công chánh được lập trên cơ sở tổ chức lại Sở Giao thông Vận tải và tiếp nhận Văn phòng thường trực Ban An toàn giao thông, một số chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về hạ tầng từ Sở Xây dựng.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải chuyển Công an thành phố thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
Sở Giao thông Vận tải TP HCM được thành lập năm 1975. Năm 1991, thành phố sáp nhập Sở Giao thông Vận tải và Sở Công trình đô thị thành Sở Giao thông Công chánh. Đến năm 2008, Sở Giao thông Công chánh được đổi tên thành Sở Giao thông Vận tải.
Sau sắp xếp, các cơ quan chuyên môn của TP HCM gồm: Tài chính, Nội vụ, Xây dựng, Giao thông công chánh, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Dân tộc và Tôn giáo, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Công Thương, An toàn thực phẩm, Văn phòng UBND thành phố, Thanh tra Thành phố.
Như vậy, UBND TP HCM sẽ giảm từ 21 cơ quan chuyên môn xuống còn 15 và Sở An toàn thực phẩm theo Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù.
Trước đó, cuối năm ngoái, Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết thực hiện nghị quyết số 18 ban hành hướng dẫn định hướng sắp xếp cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện cho rằng Hà Nội, TP HCM có thể xem xét duy trì Sở Giao thông Vận tải để đáp ứng yêu cầu đặc thù về quản lý lĩnh vực này trên địa bàn. Trong khi các địa phương khác hợp nhất Sở Giao thông Vận tải với Sở Xây dựng, dự kiến lấy tên là Sở Xây dựng và Giao thông.
Trong phương án mới nhất, TP Hà Nội hợp nhất Sở Giao thông Vận tải với Sở Xây dựng, lấy tên gọi là Sở Xây dựng; Sở Quy hoạch - Kiến trúc giữ nguyên mô hình như hiện nay.
Ngoài ra, theo phương án mà Sở Nội vụ TP HCM đề xuất, sau khi sắp xếp UBND TP Thủ Đức có 14 cơ quan (giảm 2 cơ quan), gồm các phòng: Nội vụ; Quy hoạch - Đất đai; Giao thông công chánh; Văn phòng HĐND và UBND; Tư pháp; Thanh tra; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Tài chính; Kinh tế - Kế hoạch và Đầu tư; Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Khoa học - Công nghệ và Thông tin; Thanh tra xây dựng; Trung tâm Hành chính công.
Sau sắp xếp UBND quận, huyện có 10 phòng chuyên môn (giảm hai phòng), gồm: Nội vụ; Tư pháp; Tài chính - Kế hoạch; Thanh tra quận, huyện; Văn phòng UBDN ở quận (hoặc Văn phòng HĐND và UBND ở huyện); Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị; Văn hóa, Khoa học và Thông tin; Tài nguyên và Môi trường quận (hoặc phòng Nông nghiệp và Môi trường ở huyện); Y tế; Giáo dục và Đào tạo.