|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Để vốn chảy vào doanh nghiệp xã hội

20:57 | 09/09/2017
Chia sẻ
Nguồn viện trợ không hoàn lại cho các doanh nghiệp xã hội ngày càng eo hẹp và không bền vững, do đó, để gọi được vốn đầu tư, doanh nghiệp cần phải xác định lại mình đang ở đâu, quy mô vay vốn và khả năng trả nợ ra sao...
de von chay vao doanh nghiep xa hoi
Hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại Công ty Phát triển vì cộng đồng cao nguyên Hà Giang Ảnh: Đỗ Quỳnh

Đói vốn

Hơn 14 năm là cô giáo mầm non và là công chức nhà nước, nhưng chị Đỗ Thị Quỳnh đã bỏ việc để đi làm tình nguyện viên không lương cho một tổ chức phi chính phủ ở Hà Giang. Tại đây, chị học hỏi được mô hình hỗ trợ cộng đồng, học tiếng Anh và ước mơ mở doanh nghiệp xã hội, giúp đỡ cộng đồng người dân Hà Giang của chị khi Luật Doanh nghiệp 2014 công nhận loại hình doanh nghiệp xã hội.

Nay, chị Quỳnh đã là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Phát triển vì cộng đồng cao nguyên Hà Giang. Hà Giang là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao, chị Quỳnh thành lập doanh nghiệp với mong muốn xây dựng năng lực cho nhóm thanh niên và phụ nữ yếu thế; tạo sinh kế bền vững cho phụ nữ nghèo; chăm sóc y tế cho bà con thông qua liên kết với các tổ chức quốc tế...

Hiện nay nguồn thu của công ty chủ yếu đến từ du lịch cộng đồng và bán những sản phẩm nông sản sạch của Hà Giang như trà, quế, thảo quả, mật ong... Tuy nhiên, các sản phẩm nông sản sạch này vẫn khó tìm đến khách hàng do xa xôi, đường sá khó khăn, chi phí vận chuyển lớn nên giá thành cao.

Cũng giống chị Quỳnh, chị Vi Thị Thuận là một gương mặt phụ nữ tiêu biểu tại Hòa Bình. Chị là người sáng lập và là Giám đốc cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa tại bản Lác, thị trấn Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã hơn 10 năm nay. Đây là cơ sở dạy nghề và tạo việc làm cho phụ nữ khuyết tật để sản xuất hàng dệt thổ cẩm, một nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của Hòa Bình đang bị mai một. Nguồn thu chính của Thuận Hòa đến từ xuất khẩu sản phẩm thổ cẩm cho khách hàng quốc tế. Bên cạnh đó, do may mắn nằm ở vùng đất du lịch, cơ sở Thuận Hòa có nguồn thu từ việc dạy nghề và bán sản phẩm cho du khách tới tham quan.

Ban đầu khi mới thành lập cơ sở, chị Thuận bị khó khăn bủa vây, từ việc tìm đầu vào, đầu ra cho sản phẩm, đến lo tiền lương cho lao động. Chị tâm sự: “Họ đến với mình với mong muốn cuối tháng có được đồng lương trang trải chi phí gia đình, nên dù phải vay mượn khắp nơi, tôi cũng phải cố...”. Hiện nay, cơ sở Thuận Hòa có khoảng 40 phụ nữ khuyết tật làm việc với thu nhập từ 2,5-4 triệu đồng/tháng.

Cả chị Quỳnh và chị Thuận đều thừa nhận việc gọi vốn cho những doanh nghiệp xã hội là vô cùng khó khăn vì địa bàn xa xôi, sản phẩm mang tính thủ công, chi phí sản xuất lớn, nhóm khách hàng nhỏ, nên không hấp dẫn các quỹ đầu tư. Còn với viện trợ không hoàn lại (grant), các khoản này ngày càng ít, nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn như vậy thì không bền vững, hết tiền là dự án cũng phải đóng cửa.

Để có tiền...

Kể về câu chuyện kinh doanh của mình, anh Trần Nguyễn Lê Văn, Giám đốc Công ty cổ phần Vé xe rẻ, cho biết anh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm trong lĩnh vực liên quan tới xe khách.

Năm 2011, anh nhận được học bổng ngành quản trị kinh doanh của Đại học Thunderbird (Mỹ) trị giá 86.000 đô la Mỹ. Sáng kiến kinh doanh đến với anh vào dịp Giáng sinh năm 2012, khi bạn bè đi du lịch hoặc về quê thăm gia đình, riêng anh cô đơn trong ký túc xá. Không biết làm gì cho đỡ buồn, anh lên mạng đọc báo. Tin tức từ quê nhà phần lớn là về việc người dân phải chen lấn xếp hàng mua vé xe Tết khiến anh trăn trở mãi với câu hỏi tại sao năm nào cũng lặp lại tình trạng này.

Chỉ sau một năm học ở Mỹ, anh Văn đã bỏ học để quay về Việt Nam lập trang web vexere.vn. Đây là trang web đặt vé xe khách, kết nối các hãng xe với hành khách, giúp giảm thời gian, công sức và tiền bạc cho hành khách. Bên cạnh đó, Vé xe rẻ còn cung cấp các phần mềm quản lý cho các hãng xe giúp cải thiện chất lượng dịch vụ.

Để được khách hàng biết tới, sau bao nỗ lực đi tới từng bến xe, tiếp xúc với từng hãng xe, tham gia các chương trình tiếp sức mùa thi..., tới nay, Vé xe rẻ đã gặt hái được một số thành quả như gọi được vốn của các tổ chức CyberAgent Ventures (Nhật Bản) và Pix Vina Capital (Singapore). Vé xe rẻ cũng lọt vào danh sách 15 doanh nghiệp nhận giải thưởng Én Xanh 2017 - doanh nghiệp vì cộng đồng có sáng kiến giải quyết vấn đề môi trường, xã hội.

Theo anh Văn, một doanh nghiệp xã hội muốn gọi vốn phải trả lời được ba câu hỏi của các nhà đầu tư, đó là: Thị trường mà doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hay sản phẩm có đủ lớn hay không? Có vấn đề gì đang xảy ra trên thị trường và tại sao sản phẩm của mình giải quyết được vấn đề đó? Đội ngũ gồm có ai, kiến thức, kinh nghiệm kỹ năng của họ là gì, có bổ sung được cho nhau không?

Việt Nam đã bước vào các nước có thu nhập trung bình nên các khoản vay không hoàn lại còn rất ít. Hơn nữa, cái gì cũng có cái giá của nó, nếu chỉ dùng hoài tiền viện trợ thì doanh nghiệp sẽ không có động lực hoạt động sao cho hiệu quả và bền vững.

Phải xác định lại mục tiêu

Bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc, người sáng lập Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), cho biết khi muốn kêu gọi vốn đầu tư, doanh nghiệp xã hội cần phải xác định rõ mình là ai, đang ở đâu, mô hình kinh doanh thế nào, vốn đầu tư bao nhiêu, khả năng chi trả ra sao...

Hiện có ba hình thức vay vốn: thứ nhất là viện trợ không hoàn lại; thứ hai là cho vay với lãi suất thấp và thứ ba là sự kết hợp giữa các loại hình trên.

Phần lớn doanh nghiệp xã hội có quy mô nhỏ và chi phí xã hội lớn, vì vậy, thời gian thu hồi vốn và có lãi dài hơn so với doanh nghiệp các lĩnh vực khác. Hiện nay có khá nhiều loại hình khác nhau đầu tư cho doanh nghiệp xã hội. Một trong số đó là đầu tư xã hội - social investment, tức mục tiêu lợi nhuận của họ không quá cao mà họ coi mục tiêu xã hội, những tác động tích cực tới cộng đồng là một trong những khoản lợi nhuận. Ngoài ra còn có hình thức đầu tư tác động - impact investment, nhà đầu tư thuộc dạng này cũng tính tới mục đích xã hội nhưng họ đặt mục tiêu tài chính khá cao, do đó, doanh nghiệp phải hiểu mình và nguồn vốn mà mình tiếp cận.

Hiện trên thế giới, hai nguồn social investment và impact investment khá lớn nên doanh nghiệp không sợ thiếu tiền. “Singapore là trung tâm của impact investment, họ có tới vài trăm triệu đô la cần tìm ra những dự án tiềm năng và những loại vốn này rất đa dạng”, bà Oanh cho biết.

Theo bà Oanh, hiện nay, hành lang pháp lý cho doanh nghiệp xã hội đã khá đầy đủ nhưng chúng ta còn thiếu chiến lược phát triển. Ở Hàn Quốc, chiến lược phát triển doanh nghiệp xã hội của họ là tập trung vào giới trẻ đang tìm kiếm việc làm để hỗ trợ tài chính, hỗ trợ cơ sở vật chất... cho họ phát triển loại hình doanh nghiệp này. “Việt Nam cũng nên xem xét chiến lược phát triển của mình là gì để có những chính sách hỗ trợ phù hợp”, bà Oanh nói.

de von chay vao doanh nghiep xa hoi Ngành nào đang có lợi thế trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0?

Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 lúc này đang có những tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt kinh tế xã hội. Kéo theo lợi ...

de von chay vao doanh nghiep xa hoi Phó Giám đốc cùng nhân viên ngân hàng chiếm đoạt tiền cho vay

Ngày 2/9, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Phú Thọ, thông tin về vụ ...

de von chay vao doanh nghiep xa hoi Ba kịch bản cho tăng trưởng kinh tế 2018

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phác thảo 3 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2018, từ đó chuẩn bị cho việc ...


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thùy Dung