|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đầu tư cơ sở hạ tầng, tư nhân thiệt đủ đường?

17:39 | 03/04/2017
Chia sẻ
Nguồn vay từ các tổ chức thương mại quốc tế ngày càng khó khăn, trong khi Việt Nam đang bước vào cơn khát vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng.
dau tu co so ha tang tu nhan thiet du duong
Ảnh minh họa: Nhịp cầu đầu tư.

Vẫn có rất nhiều lời chào mời Việt Nam vay vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng chúng ta phải nhìn nhận những cơ hội nói trên như thế nào?

Mật đắng sau lời ngọt

Mới đây, Bloomberg đăng tải, đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở cả hai khu vực tư nhân và nhà nước ở Việt Nam trong những năm gần đây đạt khoảng 5,7% GDP, cao nhất khu vực Đông Nam Á, đứng thứ hai tại châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Theo số liệu từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) được tờ báo trên dẫn lại, các nền kinh tế mới nổi châu Á, trong đó có Việt Nam, cần đầu tư khoảng 26.000 tỉ USD từ nay tới năm 2030 để tiếp tục mục tiêu này. Điều này cũng trùng hợp với những tính toán mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, theo đó, trong 5 năm tới, Việt Nam có nhu cầu 480 tỉ USD để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, bao gồm việc xây dựng 11 nhà máy điện với tổng công suất 13.200MW và 1.380km đường cao tốc.

Giữa những lo lắng về tốc độ phát triển kinh tế đang chững lại, chỉ tiêu tăng trưởng GDP ở mức trung bình 6% là rất khó khăn, những dự báo nói trên như làn gió mát lành khiến ta dễ thở hơn trên con đường tiến tới mục tiêu phải đạt cho bằng được thành tích GDP. Đặc biệt, những lời mời hào phóng từ phía ADB, World Bank hay tân binh Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) có thể khiến cho không ít nhà quản lý yên tâm về nguồn vốn. Việt Nam chỉ cần tìm những dự án khả thi và lo nguồn vốn đối ứng, còn nguồn vốn giải ngân của nhà tài trợ rất đảm bảo.

dau tu co so ha tang tu nhan thiet du duong

Song viễn cảnh liệu có phải chỉ toàn màu hồng? Bởi chỉ cần suy luận bằng lý trí thông thường, không có nhà kinh doanh tiền tệ nào chỉ lo làm lợi cho đối tác, dù mục tiêu thúc đẩy sự phát triển chung luôn được đưa ra như một món quà đẹp lòng người nhận. Trao đổi với NCĐT, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu lưu ý, năm 2016, hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s và Fitch đều đưa ra mức xếp hạng BB-/B cho Việt Nam. Moody’s xếp hạng tín nhiệm Việt Nam ở mức B1. Đây là những hạng mức không khuyến khích đầu tư.

Điều này sẽ dẫn đến hai vấn đề cần phải xem xét. Thứ nhất, lãi suất các khoản vay đầu tư cơ sở hạ tầng được tính trên lãi suất tham suất tham khảo LIBOR, cộng thêm một biên độ tùy thuộc với mức độ tín nhiệm của bên vay. Trong trường hợp Việt Nam, xếp hạng tín nhiệm ở hạng mức không khuyến khích đầu tư đồng nghĩa chúng ta phải vay với lãi suất tương đối cao so với thế giới.

Ngoài ra, những biến động về tỉ giá sẽ khiến cho gánh nặng nợ công của Việt Nam càng ngày càng lớn. Với mức nợ công đã sát trần theo tính toán của phía Việt Nam và vượt trần theo cách tính của thế giới, việc tiếp tục vay nước ngoài, dù để đầu tư cơ sở hạ tầng, là điều phải được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Một điều khác có lẽ vì tế nhị mà vị chuyên gia này không đề cập chi tiết: Tại sao ADB, World Bank và AIIB vẫn có những đề nghị rất hào hứng trong khi Việt Nam đang ở hạng mức không khuyến khích đầu tư như vậy? Phải thừa nhận, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm như hiện nay, cho vay đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước như Việt Nam, với lãi suất chắc chắn cao hơn mức lãi suất huy động từ các nhà đầu tư, các nhà tài trợ là một lựa chọn tất nhiên của ADB, World Bank hay AIIB. Đã đặt bút ký vay là “đồng hồ” nợ công sẽ được cập nhật, các khoản lãi bắt đầu phải được tính và việc chậm tiến độ chỉ chất thêm gánh nợ cho phía đi vay.

Đặc biệt, khi quyền chi phối ở các tổ chức tài chính trên thuộc về Nhật, Mỹ hay Trung Quốc, khả năng thu hồi hồi vốn có thể nằm ở những cách mà các tổ chức xếp hạng tín nhiệm không thể... xếp hạng. Và dù bất cứ trong tình huống nào, người dân đều là đối tượng phải đóng góp, thậm chí cho cả những thất thoát, tiêu cực xảy ra trong các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng Việt Nam.

Tìm vốn thông minh

Có thể thấy, nguồn vay từ các tổ chức thương mại quốc tế ngày càng khó khăn, trong khi Việt Nam đang bước vào cơn khát vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Vì vậy, huy động các nguồn lực đầu tư trong nước là một giải pháp quan trọng. Thực tế, ở Việt Nam, tỉ lệ đầu tư tư nhân còn rất thấp chưa tới 10%, trong khi các quốc gia khác như Ấn Độ, tỉ lệ này là hơn 30%. Nguyên nhân là các dự án hạ tầng của Việt Nam rủi ro cao, chi phí giải phóng mặt bằng tốn kém, thời gian thường bị kéo dài...

dau tu co so ha tang tu nhan thiet du duong

Đề cập tới sức lan tỏa của các khoản vay đầu tư cơ sở hạ tầng trong nền kinh tế Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương, chỉ ra với NCĐT một vấn đề khác. Theo vị chuyên gia này, doanh nghiệp tư nhân thực sự chưa được tạo điều kiện, ít có cơ hội tham gia vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng từ nguồn vay nước ngoài trong khi các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thân hữu luôn được hưởng đặc quyền.

Không ít ý kiến dư luận chia sẻ với nhận định này, bởi thực tế là suất đầu tư cao tốc Việt Nam thuộc hàng đắt nhất thế giới 215 tỉ đồng/km (tương đương 10 triệu USD sau khi trừ lãi vay), hay kiểm toán 27 trạm BOT giảm gần 100 năm thu phí theo kết quả công bố cuối tháng 2.2017 vừa rồi. Nguồn lực đáng ra phải để phát triển doanh nghiệp nói chung, trong đó, khu vực tư nhân được coi là động lực, lại được trao cho một nhóm người. Những sai phạm đã được chỉ đích danh chứng tỏ một số tiền đi vay không nhỏ, thay vì đi vào nền kinh tế, lại chạy thẳng vào nhóm lợi ích.

Trong khi đó, khả năng các doanh nghiệp tư nhân tự huy động vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng là rất khó. Một mặt, không dễ để các ngân hàng thương mại có tiềm lực (mà Nhà nước vẫn nắm cổ phần lớn) cho các nhà doanh nghiệp thân cô thế cô vay cả ngàn tỉ đồng cho các dự án hạ tầng. Mặt khác, nếu không nhận được những đảm bảo bất thành văn về chính sách, với cách thức đầu tư cơ sở hạ tầng theo các chuyên gia đánh giá còn dàn trải, phủ kín, ví dụ như siêu dự án đường cao tốc Bắc - Nam, tư nhân không thể tham gia. Đơn giản bởi miếng ngon không đến lượt, còn chẳng ai dại mà nuốt xương.

Xét về lý thuyết, đầu tư cơ sở hạ tầng là để kích hoạt nền kinh tế, người dân hưởng lợi. Tuy nhiên, thực tế, doanh nghiệp Việt đang ngày càng nhỏ lại, số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể và phá sản trong năm 2016 là khoảng 73.000 doanh nghiệp. Nếu không chặn được xu hướng này, đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ nhằm mục tiêu chính là thu hút và phục vụ doanh nghiệp FDI. Nếu mọi nguồn lực đều hướng về doanh nghiệp nhà nước, mọi ưu đãi làm thảm đỏ chào đón FDI thì việc coi doanh nghiệp tư nhân là động lực của nền kinh tế chỉ là những lời dỗ ngọt.

Nói như ông Phạm Tất Thắng, phải hướng dòng đầu tư vào những địa chỉ đáp ứng nhu cầu thực tế và cấp bách của doanh nghiệp Việt, trong đó có cả hạ tầng cho nền nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chất lượng cao.

Hoàng Hạnh