|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chuyển động thị trường

Dấu ấn Đàn chim Việt: Không có công thức thành Luật sư giỏi ở Australia

14:00 | 29/04/2021
Chia sẻ
Tại talkshow Chìa khóa du học - Dấu ấn đàn chim Việt số 2, luật sư Nguyễn Hải Đăng đã chia sẻ câu chuyện về hành trình học tập và theo đuổi ngành luật tại Australia.

Ông Nguyễn Hải Đăng tốt nghiệp từ trường Đại học New South Wales, Australia với hai tấm bằng Cử nhân Luật và Cử nhân Thương mại chuyên ngành Tài chính.

Bắt đầu làm việc tại hãng luật Baker McKenzie, ông Đăng đã trải qua 20 năm kinh nghiệm trong nghề và vinh dự đạt được danh hiệu Luật sư thành viên của năm 2020 chuyên ngành Tài chính, Ngân hàng ở Australia.

Học luật không dễ kiếm tiền

Cơ duyên đưa ông Đăng đến với nghề luật vô cùng đặc biệt. Là một học sinh giỏi toán, lý, hóa ở trường Lê Hồng Phong TP HCM, ông Đăng không nghĩ mình có thể theo đuổi một ngành nghề đòi hỏi nhiều tri thức khoa học xã hội như Luật.

Ông kể: "Mình thích khoa học, và chỉ thích thể hiện ý tưởng bằng ký hiệu, càng ít viết càng tốt. Tốt nghiệp Trung học thì, quả thật là mình không có một cái định hướng gì cụ thể. Chỉ biết rằng, mình học khoa học tự nhiên, nghĩa là mình sẽ theo đuổi một nghề nào đó liên quan đến khoa học tự nhiên".

Lý lịch gia đình cũng mặc nhiên chi phối chọn lựa cá nhân của ông khi mà bố, mẹ, họ hàng gần lúc ấy đều là những nhà khoa học tự nhiên có học hàm học vị.

Thế nhưng, một buổi trò chuyện nghiêm túc với bố về định hướng tương lai đã khiến ông thay đổi. Thấy được vai trò của ngành luật thời điểm Việt Nam đang hội nhập sâu vào trường quốc tế, bố ông khuyên: "Xã hội và nền kinh tế nói riêng phải vận hành theo pháp luật, vì vậy, vai trò luật sư, đặc biệt những luật sư có kinh nghiệm, có kiến thức về luật quốc tế sẽ rất hữu dụng cho sự phát triển của Việt Nam sau này".

Ông Đăng khẳng định, không phải ai chọn lựa ngành luật cũng có khả năng kiếm nhiều tiền, bởi điều đó phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của mỗi người, dù là trong bất kỳ ngành nghề nào.

Dấu ấn Đàn chim Việt: Không có công thức thành Luật sư giỏi ở Australia - Ảnh 1.

Ông Đăng cho rằng khả năng kiếm tiền của nghề còn phụ thuộc lớn vào năng lực của mỗi cá nhân. (Nguồn: diễn giả cung cấp)

Khác với lớp vỏ bọc hào nhoáng xoay quanh tiền bạc, địa vị, trong thực tế không phải ai cũng có thể đeo đuổi nghề luật. Ông Đăng nhận định việc quyết định theo đuổi nghề luật, đặc biệt tại một quốc gia khác như Australia, cứ như là "đâm đầu vào những việc tưởng chừng như không thể liên tục".

Bắt đầu từ hành trình xin việc trong một thị trường lao động đầy cạnh tranh, "một năm một hãng luật nhận đơn xin việc vào là một nghìn đơn, vòng sơ tuyển đầu tiên còn lại 100" cho đến khi được nhận vào làm, theo ông Đăng "tại thời điểm đó là khó quá, rất là khó".

Hơn nữa, những rào cản khác về quốc tịch, về môi trường làm việc "toàn trắng", về những khác biệt văn hóa càng khiến hành trình hòa nhập, khẳng định mình trong cái nghề thêm phần chông gai.

Có nên chọn du học ngành luật?

Như vậy, một khi lựa chọn sẽ theo đuổi ngành luật ở nước ngoài, người học cần phải ý thức rằng đây sẽ là một hành trình lắm chông gai. Trong trường hợp du học Australia, người học sẽ phải theo học chương trình bằng đôi, tức là một lúc phải học song song 2 tấm bằng Đại học, Luật và một chuyên ngành khác. 

Có thể thấy trong suốt quá trình học, khối lượng kiến thức và kỹ năng một sinh viên Luật cần sở hữu là vô cùng lớn.

Vì lẽ đó mà ông Đăng nhận định để theo đuổi được cái nghề "thầy cãi", người trẻ vẫn rất cần niềm đam mê lớn với nghề để làm động lực vượt qua thử thách, sức ép của nghề. "Phải có đam mê thì mới đọc được, một tuần phải đọc được cả mấy trăm trang sách. Không đam mê thì không làm được chuyện đó", ông chia sẻ. 

Đến đây, luật sư Đăng cũng truyền đạt lại cho nhiều bạn trẻ công thức thành công với nghề luật sư với 4 yếu tố quan trọng: ý chí - đam mê - bền bỉ và nỗ lực dấn thân trong nghề.

Trong buổi talkshow, băn khoăn về việc chọn trường, chọn nghề theo định hướng của cha mẹ hay theo đuổi đam mê của mình cũng được mổ xẻ. Trả lời cho thắc mắc này, ông Đăng cũng thành thật trải lòng, để chọn nghề, các bạn trẻ trước tiên phải hiểu mình. Tìm được đam mê, xác định những điểm mạnh yếu của bản thân và lắng nghe theo bản thân sẽ là cốt lõi để thế hệ trẻ xác định con đường cho mình.

Bên cạnh đó, để tránh những sai lầm bồng bột của tuổi trẻ, người học cũng nên tham khảo ý kiến từ những người đi trước và lấy đó đối chiếu với sở thích và lựa chọn của mình.

Bổ sung cho ý kiến này, TS. Lý Quí Trung cũng khẳng định dung hòa được mong muốn của bản thân và những lời khuyên từ người khác là cả một nghệ thuật và kỹ năng sống mà ai cũng nên trau dồi và áp dụng ngay từ lúc chọn trường chọn ngành.

Dấu ấn Đàn chim Việt: Không có công thức thành Luật sư giỏi ở Australia - Ảnh 2.

Ông Hải Đăng (thứ ba từ trái sang) cho rằng thế hệ trẻ nên chọn ngành theo thế mạnh và đam mê của bản thân. (Nguồn: FINA).

Khi nói về quyết định du học Australia ngành luật, luật sư Đăng cho rằng, "học luật ở Australia không phải là học luật nói gì", mà người học phải xác định "học là để có tư duy của một người luật sư, để có một cái nhìn, một cái phân tích, kỹ năng phân tích của một người luật sư, mà cái đó mang về Việt Nam hay mang đi nước nào cũng được." 

Do đó, ông Đăng cũng chia sẻ người học không nên lo lắng về cơ hội việc làm nếu học luật tại Australia. Ông quan niệm rằng, "‘Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh’, mình học cái gì, mình làm cái gì mà mình ở trong nhóm đầu, mình giỏi thì ở bất kỳ nơi nào mình cũng có cơ hội."

Với những câu chuyện đầy thực tế và gần gũi với những trăn trở của du học sinh, buổi talkshow đã phần nào truyền tải được những lời khuyên và tâm huyết của luật sư Đăng trong việc định hướng cho các bạn trẻ con đường du học, hoặc hành trình chọn nghề phía trước.

Số thứ ba của chuỗi talkshow Chìa khóa du học - Dấu ấn Đàn chim Việt sẽ được tổ chức lúc 10h00 ngày 09/05/2021. TS. Lý Quí Trung sẽ trò chuyện cùng TS. Phạm Anh Khôi - CEO và Đồng sáng lập FINA.

Buổi trò chuyện xoay quanh chủ đề "Đi là để trở về", kể về câu chuyện du học của ông Phạm Anh Khôi tại Australia và hành trình quay về Việt Nam lập nghiệp. Buổi trò chuyện sẽ giúp các bạn trẻ, đặc biệt là các du học sinh còn đang phân vân trước hai lựa chọn đi - ở sau khi học xong, đưa ra quyết định phù hợp với bản thân.

Các bạn trẻ cũng có thể tham gia thảo luận, hỏi đáp trực tiếp cùng hai diễn giả trong buổi hội thảo.

Đăng ký tham gia tại: https://isb.edu.vn/chia-khoa-du-hoc-dau-an-dan-chim-viet-so-3/

Bích Thu