'Đại gia' Nguyễn Mạnh Thắng 'Sông Đà 7' giàu đến mức nào?
Chứ không phải là CTCP Sông Đà 7 có mã chứng khoán SD7 mà nhiều người lầm tưởng. Đại gia Thắng "Sông Đà 7" đang nhận được sự chú ý lớn từ cộng đồng mạng khi facebook lan truyền những chia sẻ "sốc" được cho là của con gái của doanh nhân này.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Chủ tịch HĐQT Urinco7. (Ảnh: ĐHQGHN)
Dấu ấn “Sông Đà” tại Urinco7
CTCP Đầu tư đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà 7 (Urinco7) được thành lập vào tháng 12/2007, hoạt động tích cực trong lĩnh vực xây dựng và mang đậm dấu ấn của một công ty họ “Sông Đà” trong tên gọi và thương hiệu.
Tuy nhiên, dữ liệu của VietTimes cho thấy phần “Sông Đà” trong Urinco7 chỉ đóng vai trò thứ yếu, đa số cổ phần của công ty này thuộc quyền sở hữu của cá nhân ông Nguyễn Mạnh Thắng.
Cụ thể, theo giấy đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 26/6/2018, Urinco7 có quy mô vốn điều lệ 200 tỷ đồng, bao gồm 6 cổ đông tham gia góp vốn, với 5 pháp nhân là thành viên của Tập đoàn Sông Đà.
Trong đó, nổi bật hơn cả là CTCP Sông Đà 7 (Mã CK: SD7) cùng công ty liên kết là CTCP Sông Đà 7.02 nắm giữ 3,138 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu là 15,69%.
Mặc dù vậy, trong BCTC năm 2018 (đã soát xét), SD7 không ghi nhận khoản đầu tư nào vào Urinco7. Do đó, không loại trừ khả năng SD7 đã triệt thoái vốn khỏi công ty này.
Phần lớn số cổ phần còn lại của Urinco7, tương đương với 79,78% vốn điều lệ, do ông Nguyễn Mạnh Thắng sở hữu.
Phần vốn góp này được ghi nhận là có quy mô 160 tỷ đồng.Ông Thắng cũng là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc và còn được giới thiệu Bí thư Đảng ủy tại Urinco7.
Có lẽ cũng vì lý do này, mà phần giới thiệu về Urinco7 lại có nhiều nội dung dành cho “người thuyền trưởng” Nguyễn Mạnh Thắng.
Dấu ấn của người đứng đầu tại Urinco7
Theo đó, ông Nguyễn Mạnh Thắng (sinh năm 1964) là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, từng tham gia vào các công trình thủy điện trọng điểm quốc gia như: Hòa Bình, Yaly, sông Hinh - Phú Yên, Tuyên Quang, Sơn La.
Ông cũng được miêu tả là người “không ồn ào, lặng lẽ, tính toán cân nhắc từng bước đi”.
Về trình độ học vấn, ông Thắng là cựu sinh viên của trường Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và đã lấy bằng Tiến sĩ Luật học tại đây.
Được biết, vào tháng 7/2019 vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Thắng đã tham dự buổi lễ trao tặng 2 tỷ đồng tiền tài trợ của Urinco7 cho 2 chương trình nghiên cứu khoa học của trường đại học này.
Xét về hoạt động kinh doanh, Urinco7 dưới thời ông Nguyễn Mạnh Thắng cũng tạo dựng vị thế trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản trên địa bàn Hà Nội với “khẩu vị” riêng.
Sự nghiệp của ông Nguyễn Mạnh Thắng gắn liền với Urinco7.
Được biết, Urinco7 đã làm chủ đầu tư, hoàn thành nhiều dự án nhà ở cho cán bộ nhân viên của một số cơ quan, đơn vị và bệnh viện trên địa bàn Hà Nội như: Dự án nhà ở cấp Bộ trưởng, trên Bộ trưởng hiện đang đương chức công tác tại cơ quan Quốc Hội (Khu đô thị mới Phùng Khoang); Dự án nhà ở cấp thứ trưởng và tương đương hiện đang đương chức công tác tại cơ quan Quốc Hội (Khu đô thị mới Xuân Phương); Dự án nhà ở cán bộ viên chức Bệnh viện 103; Dự án nhà ở cán bộ viên chức Thông tấn xã Việt Nam (tại Khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ)...
Hiện tại, Urinco7 đang tập trung đầu tư xây dựng dự án nhà ở tại số 90 Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân, Hà Nội (Dự án Nhà ở 90 Nguyễn Tuân).
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong giai đoạn 2017 - 2018, Urinco7 đã nhiều lần thế chấp quyền tài sản, quyền thu tiền từ cho thuê diện tích sàn thương mại tại Dự án Nhà ở 90 Nguyễn Tuân để vay vốn tại ngân hàng Vietcombank (Chi nhánh Sở Giao dịch) và BIDV (Chi nhánh Thanh Xuân).
Bản thân ông Nguyễn Mạnh Thắng cũng có nhiều giao dịch tín dụng với Ngân hàng Quân Đội - Chi nhánh Thanh Xuân. Tài sản đảm bảo đều là những quyền phát sinh từ các hợp đồng mua bán căn hộ tại một số dự án bất động sản.
Riêng năm 2018, ông Thắng đã thế chấp một loạt quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở có giá trị tới 58,1 tỷ đồng tại Dự án Nhà ở 90 Nguyễn Tuân để vay vốn ngân hàng.
Chưa rõ những nguồn vốn vay được ông Thắng sử dụng ra sao, chỉ biết rằng, đến tháng 12/2018, Urinco7 đã tăng quy mô vốn điều lệ lên mức 600 tỷ đồng.
Đồng thời, công ty này cũng thay đổi ngành nghề chính sang lĩnh vực “hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan”, bao gồm: Quản lý dự án và Giám sát thi công xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, hạ tầng kỹ thuật.
Như vậy, nếu tỷ lệ sở hữu của ông Thắng ở Urinco7 vẫn được giữ nguyên ở mức ngót 80% thì có nghĩa phần vốn góp của ông Nguyễn Mạnh Thắng ở riêng công ty này đã lên tới ngót 500 tỷ đồng - theo mệnh giá.
Nhấn mạnh rằng, phần vốn mà ông Thắng đăng ký góp ở Urinco7 chưa chắc đã là số vốn thực góp của đại gia này ở đây, và dĩ nhiên, phần tài sản ở Urinco7 chắc chắn cũng chưa thể phản ánh hết độ giàu của ông Thắng.
Về phần Urinco7, được biết, địa bàn hoạt động của công ty này hiện được mở rộng ra các địa phương xung quanh Hà Nội.
Vào tháng 8/2019, liên danh giữa Urinco7 và CTCP Bất động sản Hải Long Land đã trở thành chủ đầu tư dự án Khu đô thị Việt Hàn ở thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Dự án này có tổng mức đầu tư 1.455 tỷ đồng, quy mô 38ha.
Tài trợ 2 tỷ đồng cho ĐHQGHN
(Ảnh: ĐHQGHN)
Theo thông tin từ Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), chiều ngày 17/7/2019 vừa qua, tại Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra lễ tiếp nhận tài trợ trị giá 2 tỷ đồng từ Công ty CP Đầu tư Đô thị và Khu Công nghiệp Sông đà 7 cho Dự án kinh điển phương Đông và Nhiệm vụ Quốc chí.
"Tại buổi lễ, TS. Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty CP Đầu tư Đô thị và Khu Công nghiệp Sông đà 7, cựu sinh viên của ĐHQGHN đã trao tài trợ 2 tỷ đồng cho 2 Chương trình nghiên cứu khoa học, đó là Dự án dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa của các tác phẩm kinh điển phương Đông (gọi tắt Dự án Kinh điển phương Đông) và Nhiệm vụ Biên soạn bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam (gọi tắt Nhiệm vụ Quốc chí)", một bản tin trên website của ĐHQG Hà Nội viết.
"Tiếp nhận tài trợ và phát biểu tại buổi ký kết, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao những đóng góp của TS. Nguyễn Mạnh Thắng không chỉ ở việc tài trợ kinh phí mà còn trực tiếp tham gia công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại ĐHQGHN", ĐHQGHN cũng cho biết ông Thắng là cựu sinh viên của trường.
(Ảnh: ĐHQGHN)
Được biết, ngoài việc là một doanh nhân thành đạt, ông Thắng cũng là người có công danh, với học vị Tiến sỹ Luật học.
Theo tìm hiểu của VietTimes, ĐHQGHN cũng chính là trường mà Chủ tịch Urinco7 Nguyễn Mạnh Thắng làm nghiên cứu sinh, theo Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: 4035/QĐ-ĐHQGHN ngày 07/11/2013 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đề tài luận án của ông Nguyễn Mạnh Thắng có tên: “Áp dụng tập quán giải quyết các tranh chấp thương mại ở Việt Nam”, với cán bộ hướng dẫn khoa học là PGS.TS Ngô Huy Cương.
ĐHQGHN cũng liệt kê các công trình đã công bố của ông Thắng có liên quan đến luận án. Cụ thể:
(1) Nguyễn Mạnh Thắng, “Vai trò của tập quán và các nguyên tắc của việc áp dụng tập quán trong thương mại”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Số 9 (293)/2012, tr. 47 – 54 & 67.
(2) Nguyễn Mạnh Thắng, “Mối quan hệ giữa tập quán thương mại với các nguồn pháp luật khác”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số 18 (226)/2012, tr. 59 - 64.
(3) Nguyen Manh Thang, “Legal Environment of commercial usage application in Viet Nam”, Journal of US-China Public Administration, (Vol 10, No.4)/2013, pp. 432 - 438.
(4) Nguyễn Mạnh Thắng, “Các nguyên tắc và kỹ thuật áp dụng tập quán thương mại”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, 1(297)/2013, tr. 49 – 55.
(5) Nguyễn Mạnh Thắng, “Môi trường pháp lý liên quan tới việc áp dụng tập quán thương mại ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số 2+3 (234+235)/2013, tr. 111 - 116.
(6) Nguyễn Mạnh Thắng, “Khái niệm và sự cần thiết áp dụng tập quán thương mại”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số 15 (271)/2014, tr. 29 - 32 & 18.
(7) Nguyễn Mạnh Thắng, “Chứng minh tập quán thương mại”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Số 8(316)/2014, tr. 36 – 39 & 45.
(8) Nguyễn Mạnh Thắng, “Một số bất cập trong việc áp dụng tập quán thương mại ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, 12(320)/2014, tr. 42 - 49 & 59.
Pháp luật, Số 1(297)/2013, tr. 49 - 55.
(9) Nguyễn Mạnh Thắng, “Phương thức chứng minh tập quán”, Tạp chí Kiểm sát, Số 19/2014, tr. 40 - 44./.