|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đại diện công nhân TP HCM: 'Nhà ở xã hội chỉ thấy trên tivi'

19:55 | 11/05/2024
Chia sẻ
Các công nhân cho biết rất khó khăn khi tiếp cận nhà ở xã hội, nguồn cung khan hiếm, chỉ thấy trên tivi, khi đối thoại với Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi.

"Chúng tôi chỉ nghe nhà ở xã hội trên tivi, báo đài, thực sự không biết dự án ở đâu, mua thế nào, vay vốn ra sao", anh Nguyễn Trần Đăng Minh, công nhân Công ty dịch vụ công ích quận 10, nói tại chương trình gặp gỡ lãnh đạo thành phố do Liên đoàn lao động TP HCM tổ chức, chiều 11/5.

Theo anh Minh, hàng năm công ty của anh có bình xét các trường hợp khó khăn để khi có suất mua nhà ở xã hội sẽ được ưu tiên. Tuy nhiên, hồ sơ người cần mua có nhưng không biết nhà ở đâu, điều kiện vay thế nào.

Anh Minh đặt vấn đề những người khó khăn được xét mua nhà có tổng thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng chỉ 15-16 triệu đồng. Sau khi trừ chi tiêu, một gia đình dư 2-3 triệu đồng cũng rất khó trả góp. Do đó, anh mong thành phố có chính sách hỗ trợ lãi vay, thời gian vay kéo dài để lao động có cơ hội sở hữu được nhà.

Anh Nguyễn Trần Đăng Minh nêu ý kiến tại buổi gặp lãnh đạo TP HCM, chiều 11/5. Ảnh: Lê Tuyết

Tương tự, chị Võ Thị Hải, nhân viên Xí nghiệp liên doanh Vinaco ở quận 1, nói nghe đến nhà ở xã hội "rất ham", đặc biệt những lao động xa quê lên thành phố làm việc muốn gắn bó lâu dài. Giá nhà ở xã hội thấp hơn thương mại, người mua được vay đến 80%, lãi suất không quá 5% là những chính sách ưu đãi rất tốt.

"Thông tin về nhà ở xã hội rất hấp dẫn nhưng tiếp cận rất khó", chị Hải nói và cho biết cố gắng tìm kiếm nhưng không tiếp cận được nguồn nhà, nguồn vay.

Trong khi đó, anh Phạm Quang Thắng, nhân viên Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nói rằng khoản vay tối đa khi được xét duyệt mua nhà là 900 triệu đồng, số tiền còn lại người lao động phải có sẵn.

"Lao động khó khăn không có tích lũy, khó kiếm được khoản còn lại nên cũng khó mà mua được nhà", anh Thắng nói và đề nghị tăng thêm số tiền vay tối đa. Khảo sát cuối năm 2022, giá mỗi m2 căn hộ nhà ở xã hội ở TP HCM khoảng 25 triệu đồng, tương đương 1-1,6 tỷ đồng mỗi căn.

Tại buổi gặp gỡ lãnh đạo TP HCM, nhiều ý kiến khác của công nhân cũng trình bày khó khăn khi tiếp cận nhà ở xã hội, nguồn cung khan hiếm, số tiền được vay thấp so với giá căn hộ...

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi trả lời người lao động, chiều 11/5. Ảnh: Lê Tuyết

Nhắc lại lời của nam công nhân Nguyễn Trần Đăng Minh "nhà ở xã hội chỉ có trên tivi", Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói thời gian qua nguồn cung nhà ở thành phố không nhiều. Nguyên nhân là các dự án gặp vướng mắc về thủ tục, quỹ đất, không nhiều chủ đầu tư tham gia do biên lợi nhuận phân khúc này không đủ hấp dẫn.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết mục tiêu đến năm 2025, TP HCM sẽ hoàn thành 35.000 căn nhà ở xã hội, song đến nay số dự án thực hiện được rất ít. Trước mắt thành phố sẽ hoàn thành mục tiêu được Thủ tướng giao là 26.500 căn. Các vị trí dự án đã được xác định. Sau cuộc gặp này sở ngành liên quan sẽ cung cấp cho công đoàn để thông tin đến công nhân.

"Nói là nhà ở xã hội nhưng không phải ai cũng tiếp cận được bởi tiêu chí để được xét mua rất khắt khe", ông Mãi nói. Do đó, thành phố đặt mục tiêu sẽ cải thiện chất lượng chỗ ở cho công nhân bằng nhiều cách bao gồm cải thiện nhà trọ và phát triển nhà cho thuê.

Trong đó, đối với nhà trọ, TP HCM đã xây dựng tiêu chí về diện tích, không gian, phòng cháy chữa cháy và có chính sách hỗ trợ chủ trọ vay tiền để sửa chữa, xây mới. Người thuê trọ, hộ khó khăn được hỗ trợ một phần giá điện, nước.

Cuộc sống ở khu nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, quận Bình Tân, tháng 8/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Với những khu vực đông công nhân, thành phố sẽ triển khai dự án nhà cho thuê với giá hợp lý. Người độc thân có thể ở cùng nhau, hộ gia đình mỗi tháng trả 2-3 triệu đồng có chỗ ở đàng hoàng. "Thời gian qua thành phố đã làm, có lúc đẩy mạnh nhưng thực tế cũng chưa đáp ứng hết nhu cầu của người lao động", ông Mãi nhìn nhận.

Ngoài ra, thành phố sẽ nghiên cứu chính sách hỗ trợ lãi vay cho người mua nhà xã hội nhưng vay từ các ngân hàng thương mại. Theo ông Mãi, công nhân đề xuất thành phố hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp dưới 5% để mua nhà. Tuy nhiên, với số lượng lao động lên đến hàng triệu người thì ngân sách thành phố rất khó đáp ứng hết.

"Cố gắng thì ngân sách thành phố bố trí được 1.000-1.500 tỷ đồng, mỗi người vay một tỷ thì cũng chỉ giải quyết được cho 1.000-1.500 người, vậy những trường hợp khác tính sao", ông Mãi nói và cho rằng thay vì lấy ngân sách cho vay, thành phố sẽ hỗ trợ phần lãi suất chênh lệch giữa vay thương mại và theo quy định để nhiều người được thụ hưởng hơn.

Bên cạnh hỗ trợ về chỗ ở, lãnh đạo thành phố cũng cho biết sẽ yêu cầu các ngành giáo dục, y tế xây dựng thêm các chính sách như giữ trẻ ngoài giờ, hỗ trợ học phí, chăm sóc sức khỏe cho công nhân... để hỗ trợ lao động.

Lê Tuyết