|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đại biểu Quốc hội: Việc quyết định giờ làm nên giao về cho địa phương

14:38 | 01/11/2019
Chia sẻ
Theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, việc thống nhất chung giờ làm trên cả nước là rất khó; đồng thời kiến nghị nên giao cho các địa phương quyết định giờ làm để phù hợp với từng vùng.
Đại biểu Quốc hội: Việc quyết định giờ làm nên giao về cho địa phương - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Phan Việt Cường chia sẻ với báo chí. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Trước đề xuất đổi giờ làm việc không sớm hơn 8 giờ sáng, nghỉ trưa một tiếng, chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 1/11, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc thống nhất chung giờ làm trên cả nước là rất khó; đồng thời kiến nghị nên giao cho các địa phương quyết định giờ làm để phù hợp với điều kiện, văn hóa từng vùng.

Nên giao cho địa phương quyết định giờ làm

Theo Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Phan Việt Cường, đề xuất thay đổi giờ làm việc là ý kiến cần tham khảo, nhưng để thống nhất được giờ làm là rất khó bởi giờ làm phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết từng vùng. Với miền Trung thời tiết nóng khắc nghiệt, giờ làm việc có khi sớm hơn, có khi muộn hơn.

“Nếu Quốc hội, Chính phủ có quy định thì phân cấp về các địa phương quyết định, chứ không nhất thiết thống nhất giờ làm trong cả nước,” ông Cường nói.

Với thâm niên làm việc ở tỉnh Quảng Nam 30 năm, theo Bí thư Phan Việt Cường, giờ làm áp dụng ở tỉnh này đang “rất phù hợp.” Theo đó, buổi sáng, cán bộ, công chức làm việc từ 7 giờ đến 11 giờ, buổi chiều làm việc từ 13 giờ 30 đến 17 giờ.

“Tôi thấy giờ làm việc ở tỉnh Quảng Nam áp dụng như vậy là phù hợp. Còn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác tuỳ theo thời tiết, khí hậu thì quyết định giờ làm việc,” ông Cường chia sẻ.

Trả lời câu hỏi về việc thay đổi giờ làm việc lúc 8 giờ 30 hoặc 9 giờ có thể góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả làm việc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng cần phải có đề tài khoa học để đánh giá điều này.

"Năng suất lao động tuỳ thuộc vào chất lượng công việc của mỗi người. Cho nên cần phải có đề tài khoa học để đánh giá, chứ không thể nói đổi giờ làm thì chất lượng lao động sẽ tăng lên,” người đứng đầu tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm với ông Cường, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá Bùi Sỹ Lợi cho rằng việc quy định về thời gian bắt đầu làm việc trên Trung ương là do Thủ tướng Chính phủ quy định, còn dưới địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quy định căn cứ điều kiện của từng địa phương.

“Cho đến giờ phút này, tôi chưa thấy địa phương nào có ý kiến giờ làm việc này ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc thay đổi nào cũng cần phải đánh giá tác động, nếu nơi nào muốn điều chỉnh thì hãy đánh giá tác động xem có cần thiết phải điều chỉnh hay không?,” ông Lợi băn khoăn.

Đại biểu Quốc hội: Việc quyết định giờ làm nên giao về cho địa phương - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Bùi Sỹ Lợi phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

“Không dễ gì thay đổi thói quen sinh hoạt”

Đối với ý kiến cho rằng ở nước ngoài quy định nghỉ trưa ngắn để tiết kiệm thời gian, đại biểu tỉnh Thanh Hoá cho rằng hiện giờ ở Việt Nam không dễ gì thay đổi thói quen sinh hoạt, do đó không nên quy định thống nhất giờ làm việc trên cả nước trong luật mà giữ nguyên như hiện hành.

Luật chỉ quy định ngày làm việc 8 giờ, tuần làm việc 40 giờ hoặc 48 giờ, còn lại các địa phương căn cứ vào điều kiện tự nhiên để quy định linh hoạt.

“Hiện nay, ở Việt Nam vẫn đang có thực trạng khi mẹ đi làm thì mẹ đèo con đi học, khi mẹ đi làm về thì mẹ đón con, không đơn giản như ở nước ngoài là trẻ con đi học có xe buýt, lái xe đến đón. 

Thực tế, công chức của chúng ta chưa có đủ điều kiện để có thể áp dụng như nước ngoài. Do đó, vẫn nên quy định tuỳ theo đặc điểm của từng địa phương để quyết định giờ làm việc phù hợp,” đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói.

Dẫn chứng một quy định ở nước ngoài áp dụng tốt là đi xe số chẵn-lẻ tuỳ theo từng ngày nhưng không hẳn Việt Nam làm được, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng việc học tập kinh nghiệm quốc tế không có nghĩa là mang nguyên quy định của quốc tế về áp dụng vào Việt Nam mà sẽ tiếp thu có chọn lọc.

Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, thời gian làm việc không phải là yếu tố mang tính chất quyết định tác động năng suất lao động. Tác động quyết định phải là công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, điều kiện làm việc...

Trước đó, chia sẻ trong phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội chiều 31/10, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đề xuất Chính phủ đổi giờ làm việc không sớm hơn 8 giờ sáng, nghỉ trưa một tiếng, ngành giáo dục điều chỉnh giờ học đồng bộ với đổi giờ làm việc.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, giờ làm hiện nay là của thời kỳ nước nông nghiệp, trong khi các đô thị đang phát triển công nghiệp, dịch vụ. Đi học, đi làm muộn hơn, nghỉ trưa ngắn sẽ đem lại lợi ích về giao thông, tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm và kỷ cương làm việc của công chức.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh dẫn chứng, trên thế giới cũng như châu Á, thời gian bắt đầu giờ học, giờ làm thông thường là 8 giờ 30 phút đến 9 giờ, nghỉ trưa một tiếng. Các nước áp dụng mốc giờ này đồng bộ giữa cơ quan hành chính, cơ sở giáo dục. Hiện nay, ở Việt Nam nhiều doanh nghiệp cũng chọn thời gian làm việc như vậy.

Nhóm PV