|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đại biểu Quốc hội: Nguy cơ tiêu tan 30.000 tỷ nhưng xử lý như 'bắn chỉ thiên'

13:42 | 01/11/2016
Chia sẻ
Nhận xét về Báo cáo kế hoạch tài chính 5 năm của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, những dự án nào thua lỗ, dự án nào cần xem xét, kiểm tra, truy tố chưa được nói đến, do đó, chưa thể ngăn chặn được tình trạng thất thoát vốn đầu tư.
dai bieu quoc hoi nguy co tieu tan 30000 ty nhung xu ly nhu ban chi thien
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương. Ảnh: Quochoi.vn

Sáng nay (1/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về kế hoạch tài chính 5 năm, mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Cũng như các đại biểu khác, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương từ đoàn Quảng Bình lo ngại trước tình trạng nợ công tăng cao trong khi nhiều dự án đầu tư lãng phí, gây thất thoát lớn cho ngân sách.

Vị đại biểu đưa ra ví dụ về 5 dự án đang đứng trước nguy cơ phá sản, có thể làm thất thoát đến 30.000 tỷ đồng nhưng chưa thấy có phương án truy cứu trách nhiệm. Đó là các dự án Xơ sợi Đình Vũ, Gang thép Thái Nguyên, Bột giấy Phương Nam, nhà máy Đạm Ninh Bình, nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất.

Ông cho rằng, báo cáo của Chính phủ, thẩm tra của Uỷ ban Tài chính Ngân sách hiện nay mới chỉ "bắn chỉ thiên", nêu ra cái chung chứ không truy được trách nhiệm, không làm chuyển biến nhận thức về vốn đầu tư.

Đại biểu đến từ Hà Nam, ông Phùng Đức Tiến cảnh báo nếu tiếp tục đầu tư lãng phí, thất thoát nguồn lực nhà nước như thời gian qua sẽ không chỉ gây rủi ro cho cán cân tài chính ngân sách, rủi ro nợ công mà còn góp phần gây nên sự bất ổn định vĩ mô.

Do đó, tại phiên họp, các đại biểu yêu cầu Bộ Tài chính giải trình các vấn đề về ngân sách. Đặc biệt về nguyên nhân, áp lực gây ra nợ công và khả năng trả nợ của Chính phủ, trước tình trạng nợ công năm 2015 đã lên ngưỡng 62,2% GDP, tốc độ tăng nợ gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng.

Ông Phùng Đức Tiến lại lo ngại trước việc GDP năm nay có khả năng chỉ đạt 4,6 triệu tỷ, thậm chí 4,1 triệu tỷ nếu tốc độ tăng trưởng chỉ là 6,3%. Con số này thấp hơn rất nhiều so với dự kiến 5,1 triệu tỷ được đưa ra trước đó.

Tỉ lệ bội chi ngân sách và các chỉ số vĩ mô khác cũng sẽ bị 'co kéo' theo sự thu hẹp số tuyệt đối GDP này, ông Tiến nói.

Do đó, Chính phủ cần có chiến lược vay, trả nợ rõ ràng, chi tiêu tiết kiệm. Ông Tiến đề xuất tăng vay để đảo nợ, vay năm sau cao hơn năm trước.

Bàn về vấn đề này trong buổi thảo luận tại tổ trước đó, đại biểu Bùi Văn Phương, đoàn Ninh Bình cũng cho rằng, khi phát hiện có vấn đề thì phải xử lý nghiêm túc, có địa chỉ và quy trách nhiệm thì mới thuyết phục. “Chỉ nói một số nơi, một bộ phận… thì ai cũng nghĩ là không phải đề cập đến mình”, vị đại biểu cho biết.

5 dự án nghìn tỷ thua lỗ, nguy cơ phá sản: 1. Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ có tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), PVN làm chủ đầu tư;

2. Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia) có tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung;

3.Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng, do Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư;

4. Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An có tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải – Tracodi làm chủ đầu tư. Đến năm 2009, dự án này được chuyển cho Tổng công ty Giấy Việt Nam -Vinapaco theo Quyết định 731/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

5. Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng với chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam.

Thái Hoàng