|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Cưỡng chế đất rừng Sóc Sơn: Vì sao nhà Mỹ Linh, phủ Thành Chương bình an?

20:41 | 26/04/2019
Chia sẻ
Chính quyền huyện Sóc Sơn đang tiến hành cưỡng chế 20 công trình trên địa bàn xã Minh Phú. Tuy nhiên, việc chưa xử lý 2 công trình được dư luận đặc biệt quan tâm là nhà của ca sĩ Mỹ Linh và Việt Phủ Thành Chương đang khiến dư luận thắc mắc. Ngay cả 20 hộ dân bị cưỡng chế cũng đã có đơn kiến nghị về việc nơi xử lý nơi không.
Cưỡng chế đất rừng Sóc Sơn: Vì sao nhà Mỹ Linh, phủ Thành Chương bình an? - Ảnh 1.

Công nhân tiến hành cưỡng chế

Như Tiền Phong đã đưa tin, từ ngày 23/4, chính quyền xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) đã huy động máy xúc và nhân lực để phá dỡ 20 công trình vi phạm. Người dân được yêu cầu vận chuyển đồ đạc ra bên ngoài, hiện trường khu vực cưỡng chế cũng được phong toả… Được biết, trong hai ngày 23-24/4 ba công trình vi phạm bị phá dỡ với tổng diện tích hơn 100 m2.

Theo kế hoạch của UBND huyện Sóc Sơn, 20 công trình sẽ bị cưỡng chế phá dỡ tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú. Trong đó, 7 công trình sẽ bị cưỡng chế xong từ nay đến ngày 30/4, 13 công trình còn lại sẽ cưỡng chế trong tháng 5/2019, dự kiến hoàn thành trước ngày 13/5.

Ngay lập tức nhiều người dân trong số này đã lên tiếng về việc hàng loạt công trình tương tự, xây dựng cùng nguồn gốc đất vẫn “bình an vô sự”. Trong đó có cả công trình rất được dư luận quan tâm của ca sĩ Mỹ Linh (đứng tên chồng là nhạc sĩ Anh Quân), cùng Việt phủ Thành Chương.

Cụ thể, đơn khiếu nại tập thể của 18 hộ dân thôn Lâm Trường (xã Minh Phú) về Kết luận thanh tra số 1085/KL-TTLN-P3 ban hành ngày 14/3/2019 cho rằng kết luận thanh tra này không đầy đủ, không xem xét các yếu tố lịch sử.

Bà Nguyễn Thị T (thôn Lâm Trường) cùng đứng đơn khiến nại tập thể, cho biết nhà đất gia đình bà với một số hộ dân khác ở thôn Lâm Trường là đất thực hiện dự án vườn quả JIFPRO - xây dựng mô hình kinh tế hộ, có đầy đủ cơ sở pháp lý.

Đồng thời, đơn khiếu nại khẳng định: Sai phạm của UBND huyện Sóc Sơn được chỉ ra trong kết luận thanh tra thể hiện là chậm công khai quy hoạch rừng, chưa hoàn thành cắm mốc rừng, chưa bàn giao cho đơn vị quản lý, một số điểm bị mất mốc giới, không đúng chỉ giới, nên không có căn cứ xác định diện tích đất nằm trong hay ngoài chỉ giới quy hoạch rừng… là lỗi của cơ quan quản lý, không thể để người dân gánh chịu.

Một số người dân cũng vô cùng bức xúc vì cùng trên địa giới thôn, còn hàng trăm công trình vi phạm, có nguồn gốc đất tương tự thế nhưng chỉ có 18 công trình bị yêu cầu xử lý.

Cưỡng chế đất rừng Sóc Sơn: Vì sao nhà Mỹ Linh, phủ Thành Chương bình an? - Ảnh 2.

Cần cẩu được huy động để cưỡng chế các biệt thự ở Sóc Sơn.

Xử lý nhà Mỹ Linh và Phủ Thành Chương theo kết luận Thanh tra Chính phủ

Về vấn đề này, Chánh Thanh tra TP Hà Nội Nguyễn An Huy cho biết, đối với 2 trường hợp vi phạm được dư luận đặc biệt quan tâm là nhà của ca sĩ Mỹ Linh và Phủ Thành Chương, Chánh Thanh tra TP thông tin: “Với trường hợp hộ ông Trương Anh Quân (vợ là bà Đỗ Mỹ Linh) tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, kết quả cho thấy, thửa đất hộ gia đình ông Trương Anh Quân đang sử dụng do nhận chuyển nhượng của hộ ông Nguyễn Xuân Lâm”. Ông Lâm được UBND huyện Sóc Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) năm 1997 diện tích 600m2 đất ở.

Theo quy hoạch điều chỉnh rừng Sóc Sơn được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 2100/QĐ-UBND ngày 29/5/2008 thì diện tích 600m2 nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ môi trường. Năm 2009, hộ ông Trương Anh Quân xây dựng công trình diện tích trên 500m2, phần lớn diện tích xây dựng công trình của hộ ông Quân nằm trong quy hoạch rừng nhưng UBND xã Minh Phú, Lâm trường Sóc Sơn không kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm.

Năm 2014, Phòng Tài nguyên và Môi trường hiệu chỉnh GCNQSDĐ đứng tên ông Đỗ Xuân Lâm (từ 600m2 đất ở xuống 400m2 đất ở và 200m2 đất vườn rừng trồng cây lâu năm) trong khi diện tích 600m2 đã chuyển nhượng cho ông Quân và ông Quân đã xây dựng công trình. Năm 2015, UBND huyện Sóc Sơn làm thủ tục sang tên và cấp đổi GCNQSDĐ cho hộ ông Quân, tuy nhiên, đối chiếu hình thể thửa đất cấp GCNQSDĐ lần đầu cho ông Lâm (thể hiện chiều dài thửa đất là mặt tiếp giáp với đường) và GCNQSDĐ cấp đổi cho ông Trương Anh Quân (thể hiện rộng thửa đất là mặt tiếp giáp với đường) thì hình thể thửa đất đã thay đổi theo vị trí công trình xây dựng của hộ ông Quân là không đúng quy định.

Lãnh đạo Thanh tra TP Hà Nội khẳng định: “Việc Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và phát triển Nông lâm nghiệp Sóc Sơn cho hộ ông Trương Anh Quân không phải là người trực tiếp sản xuất được chăm sóc, trông coi, quản lý bảo vệ vườn quả thuộc đất lâm trường là không đúng quy định tại Điều 136 Luật Đất đai. Thanh tra Thành phố kiến nghị xử lý đối với trường hợp của ông Trương Anh Quân - bà Đỗ Mỹ Linh theo quy định của pháp luật”.

Với trường hợp Phủ Thành Chương, tại Kết luận số 754/TTCP ngày 17/4/2006 của Thanh tra Chính phủ kết luận về đất rừng huyện Sóc Sơn đã nêu rõ khu đất Phủ Thành Chương có nguồn gốc là đất quy hoạch rừng đặc dụng, trước đây Hợp tác xã giao cho ông Lưu Văn Sỹ quản lý bằng sổ lâm bạ. Đến năm 2001, ông Lưu Văn Sỹ chuyển nhượng cho ông Nguyễn Thành Chương dưới dạng liên doanh, liên kết, có xác nhận của UBND xã Hiền Ninh, diện tích khoảng 8.342m2. Sau khi nhận chuyển nhượng ông Nguyễn Thành Chương đã xây dựng không phép công trình kiên cố trên đất. Từ khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2006 đến nay, tại khu đất của ông Chương không phát sinh việc xây dựng công trình mới.

Theo bản đồ quy hoạch rừng năm 2008 tỷ lệ 1/5000 xã Hiền Ninh thì toàn bộ diện tích 8.342 m2 đất thuộc quy hoạch rừng phòng hộ bảo vệ môi trường.

Hiện trạng khu đất Phủ Thành Chương được ông Nguyễn Thành Chương xây dựng 30 hạng mục công trình gồm: nhà ở, nhà trưng bày cổ vật, nhà ăn, tháp, giếng đá, ao, khu vệ sinh với tổng diện tích xây dựng 1.800m2; thời điểm xây dựng năm 2001. Đến nay vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng của Phủ Thành Chương, UBND huyện Sóc Sơn chưa xử lý. Thanh tra Thành phố kiến nghị tiếp tục thực hiện xử lý theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

TRẦN HOÀNG