|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cung ngoại tệ dồi dào nhờ BIDV bán vốn cho KEB Hana Bank?

19:40 | 12/11/2019
Chia sẻ
Theo BVSC, nguồn cung ngoại tệ hiện vẫn đang ở trạng thái dồi dào với các thương vụ bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Mới nhất là trường hợp BIDV cho biết đã thu được gần 1 tỉ USD từ thương vụ bán 15% vốn cho KEB Hana Bank.

Bơm ròng có dấu hiệu giảm dần

Theo báo cáo trái phiếu của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) trong tuần 4 - 8/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện bơm ròng 5.998 tỉ đồng qua thị trường mở.

Cụ thể, NHNN đã phát hành mới 45.998 tỉ đồng (kì hạn 7 ngày với mức lãi suất duy trì ở mức 2,25%) và lượng tín phiếu đáo hạn đạt 51.996 tỉ đồng.

Trên kênh thị trường mở (OMO), NHNN không thực hiện hoạt động phát hành mới nào và không có lượng đáo hạn nào.

Như vậy, hiện tại lượng tín phiếu đang lưu hành là 45.998 tỉ đồng và không có lượng OMO nào đang lưu hành. Hoạt động bơm ròng của NHNN đang có dấu hiệu giảm dần khi thanh khoản bắt đầu có dấu hiệu dồi dào.

bom-rong

Nguồn: BVSC.

Lãi suất liên ngân hàng bật tăng

Về lãi suất liên ngân hàng, BVSC cho biết lãi suất kì hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần tăng lần lượt 0,5%; 0,5% và 0,25%, lên mức 1,95%/năm; 2,15%/năm và 2,15%/năm. Vùng hiện tại cũng được dự báo sẽ là vùng ổn định của lãi suất liên ngân hàng.

bvsc-1

Đối với tỷ giá, trong tuần tỷ giá trung tâm giảm 5 đồng xuống mức 23.133 VND/USD. Tỷ giá giao dịch thực tế tại các NHTM giảm nhẹ 1 đồng, từ mức 23.200 VND/USD xuống mức 23.199 VND/USD.

Theo BVSC, nguồn cung ngoại tệ hiện vẫn đang ở trạng thái dồi dào với các thương vụ bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Mới nhất là trường hợp BIDV cho biết đã thu được gần 1 tỷ USD từ thương vụ bán 15% vốn cho KEB Hana Bank..

Bên cạnh đó, BVSC cho biết, có nhiều thông tin về việc Trung Quốc và Mỹ đã đồng ý sẽ gỡ bỏ thuế nhập khẩu qua theo từng giai đoạn. Kì vọng hai bên đã đến gần hơn với thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã giúp tâm lí nhà đầu tư trở lại lạc quan và giúp đồng USD tăng giá tương đối mạnh.

Trong khi đó, các tài sản an toàn như vàng, JPY hay CHF chịu áp lực giảm giá. Khu vực EU hạ dự báo tăng trưởng từ 1,2% xuống còn 1,1 %, tốc độ tăng trưởng của khu vực EU bị ảnh hưởng bởi các xung đột thương mại và vấn đề Brexit.

Chỉ số PMI của khu vực EU ở mức 50,6 điểm, thấp nhất trong 6 năm. Các chỉ số về kinh tế yếu cũng khiến đồng EUR bị mất giá hơn 1,3% trong tuần vừa qua.

Thu Hoài