|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

CPTPP và cơ hội cho dòng FDI

12:15 | 30/12/2018
Chia sẻ
Việt Nam cần đưa ra những chính sách khôn ngoan để lựa chọn công nghệ tiên tiến và dòng vốn FDI thân thiện với môi trường để tối ưu hóa tác động của hiệp định CPTPP.

Đây là nhận định của ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam về những thách thức liên quan đến tác động của CPTPP lên dòng vốn FDI vào Việt Nam, mới đây.

cptpp va co hoi cho dong fdi
CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 1/1/2019.

Sau 7 năm, trải qua 40 vòng đàm phán, thành viên tham gia “người thoái lui, người vắng mặt trong đàm phán”, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được cho là trắc trở và khó đoán nhất lịch sử này cuối cùng cũng đã có kết quả. Thỏa thuận giữa 11 nước thành viên đã được ký tại Chile ngày 8/3 vừa qua (rạng sáng 9/3 giờ Việt Nam).

Tại Việt Nam, trung tuần tháng 11 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định này cùng các văn kiện liên quan, với 469/496 đại biểu Quốc hội tham gia tán thành, đạt tỷ lệ 96,70% tổng số đại biểu. Như vậy, Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ 7 trên tổng số 11 quốc gia đã thông qua Hiệp định này. Theo đó, Hiệp định sẽ có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 1/1/2019.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong dài hạn, lợi ích đạt được từ CPTPP không chỉ là tăng xuất khẩu mà còn bao gồm tăng hàm lượng công nghệ của hàng xuất khẩu.

Cụ thể, chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: “Đầu tư tăng nhờ các lợi ích tiềm năng của CPTPP có thể làm cho xuất khẩu ít phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hơn, thay vào đó sẽ dựa nhiều hơn vào chuỗi cung ứng trong nước để khắc phục các hạn chế của quy tắc xuất xứ”.

“Đồng thời, điều này sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng, khuyến khích các công ty tư nhân trong nước hội nhập tích cực hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và do đó thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV)”, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh.

Ngoài ra, được biết, trong Báo cáo về đánh giá tác động của CPTPP đối với nền kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới thực hiện, trong đó có nhấn mạnh về việc sẽ có sự chuyển hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh hơn sang các ngành công nghiệp thượng nguồn để tận dụng cơ hội mà CPTPP mang lại. Có thể kể đến các ngành như dệt may, da giày… Cũng theo báo cáo vừa nêu của Ngân hàng Thế giới, việc FDI tăng lên trong các ngành công nghiệp thượng nguồn không phải là không đi kèm chi phí, do vậy ông Sebastian Eckardt khuyến nghị: “Việt Nam cần đưa ra những chính sách khôn ngoan để lựa chọn công nghệ tiên tiến và dòng vốn FDI thân thiện với môi trường để tối ưu hóa tác động của hiệp định này”.

Nhìn lại kinh nghiệm sau khi gia nhập WTO cho thấy, Việt Nam không thể tận dụng ngay lập tức lợi ích của việc gia nhập WTO để thu hút và tiếp nhận dòng vốn FDI lớn. Nguyên nhân được chỉ ra là do thiếu năng lực để tạo điều kiện cho các công ty có liên kết toàn cầu tham gia chuỗi giá trị cao do chi phí hậu cần cao và cơ sở hạ tầng đường xá, điện, cảng biển, dịch vụ hậu cần, v.v.. còn yếu kém.

Những thách thức này cho thấy sự cần thiết phải cải thiện khả năng kết nối để hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs) và giữ chi phí thương mại ở mức thấp. Các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài trong nước tham gia vào các GVC cần phải có khả năng di chuyển hàng hoá qua biên giới một cách hiệu quả và đáng tin cậy. Điều này đòi hỏi cần có cả cơ sở vật chất và thể chế tốt.

Các kết quả nghiên cứu gần đây cũng cho thấy phần lớn các chi phí tuân thủ cao đều liên quan đến các hàng rào phi thuế quan. Mặc dù, đã có những tiến bộ gần đây trong cải cách Hải quan và việc thực hiện Cơ chế Một cửa Quốc gia và ASEAN, tuy nhiên chi phí tuân thủ về thời gian và tiền bạc để thông quan hàng hoá trước và tại biên giới ở Việt Nam vẫn cao. Việc giải quyết vấn đề “nút thắt cổ chai” quan trọng này sẽ giúp thực hiện các cam kết không chỉ trong khuôn khổ CPTPP mà cả trong Hiệp định thuận lợi hoá thương mại của WTO.

Bởi trước đó, Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's từng nhận định rằng việc giảm các hàng rào thương mại và phi thương mại theo CPTPP phụ thuộc vào các cải cách nhất định ở mỗi nước. Do đó, Hiệp định này sẽ giúp thúc đẩy cải cách trong nước.

“Chúng tôi kỳ vọng các nỗ lực cải cách hiện nay sẽ tăng cường tính cạnh tranh và tăng đầu tư, và củng cố chất lượng thể chế trong thời gian tới tại các quốc gia thành viên. Các nước có trình độ quản trị và tính cạnh tranh tương đối thấp như Peru, Việt Nam, Mexico và Brunei sẽ được hưởng lợi nhiều nhất”, đại diện Moody’s nhận xét.

Cụ thể, tại Việt Nam, việc ký kết CPTPP và việc kết thúc đàm phán FTA với Liên minh châu Âu cho thấy tính hiệu quả của chính phủ tăng lên, và sẽ góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn và thu hút thêm FDI

Ngọc Hà