Coteccons: Tương lai còn nhiều dấu hỏi
CTD được coi là hiện tượng trong năm 2015 và 2016 với việc giá cổ phiếu tăng trưởng mạnh, trở thành một trong những cổ phiếu có giá cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam (178.700 đồng/cổ phiếu).
Chưa kể, đây cũng là quãng thời gian doanh số của Công ty tăng vượt bậc, kèm theo lợi nhuận tốt, kinh doanh không vay nợ, khiến cổ phiếu CTD được nhà đầu tư quan tâm và sẵn lòng sở hữu.
Tuy nhiên, hiện tại, đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu chững lại trong hoạt động kinh doanh của Công ty, khi quý III/2016, tăng trưởng doanh thu chậm dần, cùng với những vấn đề mà nhà đầu tư không khỏi băn khoăn.
Chưa có sự hiện diện của kiểm toán nội bộ
Theo sơ đồ tổ chức của CTD trong Báo cáo thường niên năm 2015, Ban Kiểm soát được hình thành và độc lập với Hội đồng Quản trị đúng với tinh thần của Luật Doanh nghiệp, thực hiện vai trò giám sát của Ban Kiểm soát với các hoạt động của Hội đồng Quản trị và Ban Tổng giám đốc. Tuy nhiên, ngoài Ban Tài chính và Phòng Tài chính kế toán ra, CTD chưa có phòng Kiểm toán nội bộ là cánh tay nối dài và hỗ trợ cho hoạt động của Ban Kiểm soát.
Với việc thiếu đi sự tồn tại của Kiểm toán nội bộ, dường như CTD đã bỏ qua lớp bảo vệ thứ ba trong mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại và điều này sẽ khiến cho việc giám sát cũng như vai trò, năng lực của Ban Kiểm soát bị hạn chế.
Trong báo cáo của Ban Kiểm soát, hầu hết các thông tin được đề cập tới là vấn đề tài chính, chưa có nhiều thông tin khác liên quan đến việc giám sát, cũng như thực hiện các cuộc kiểm toán nội bộ độc lập với các mảng kinh doanh của doanh nghiệp, nhằm đảm bảo hạn chế những rủi ro có thể xảy ra đối với cổ đông và những bên liên quan.
Với đặc thù kinh doanh là xây lắp dân dụng cũng như hạ tầng, vai trò của Kiểm toán nội bộ cũng như Ban Kiểm soát là rất quan trọng, bởi việc không tuân thủ các quy trình, quy định của luật pháp, cũng như quản trị rủi ro đối với sự phát triển bền vững sẽ ảnh hưởng rất lớn tới giá trị của cổ đông và các bên hữu quan.
Tăng trưởng chững lại và sức ép duy trì lợi nhuận
Quý III/2016, xuất hiện dấu hiệu cho thấy đà tăng trưởng lợi nhuận của CTD chững lại, với việc doanh thu chỉ tăng trưởng 6,3% so với quý trước đó, mức thấp nhất trong các quý III từ năm 2013 đến nay (quý III/2013: 16,6%; quý III/2014: 32,2% và quý III/2015: 37,5%).
Sự chững lại này khiến cho lợi nhuận của công ty mẹ trên báo cáo hợp nhất cũng bị ảnh hưởng.
Theo phát biểu của lãnh đạo CTD, việc duy trì mức lợi nhuận cho cổ đông quan trọng hơn việc giá cổ phiếu trên sàn là bao nhiêu. Điều này chắc chắn đúng, bởi năm 2015 và 2016, mức lợi nhuận của CTD đã cao hơn nhiều so với năm 2013 và 2014 nhờ sự phát triển mạnh mẽ của ngành bất động sản. Nếu CTD quay lại mức lợi nhuận của các năm trước năm 2015, giá cổ phiếu của Công ty sẽ suy giảm.
Bên cạnh đó, gia tăng doanh thu dẫn đến việc gia tăng các khoản nợ khó đòi, khiến chi phí dự phòng luôn là một con số rất lớn trong chi phí quản lý doanh nghiệp của CTD tại các quý IV. Dễ hiểu tại sao trong báo cáo quý IV/2016 của CTD sẽ có khoản dự phòng lớn được lập. Một là bởi bản chất kinh doanh của CTD, hai là “của để dành” cho năm sau (quý II hàng năm thường có các khoản hoàn nhập dự phòng từ quý IV năm trước).
Phát triển mảng chưa có nhiều kinh nghiệm
Để tránh việc quá phụ thuộc vào ngành xây lắp các công trình dân dụng và công nghiệp, vốn chiếm hơn 70% doanh thu của CTD trong năm 2014, 2015, Công ty đã đưa ra định hướng phát triển mới, thể hiện ở việc đầu tư vào công ty liên kết FCC thuộc lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng.
Chiến lược này cũng phù hợp với định hướng phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, đặc biệt là các công trình đường cao tốc, tàu điện ngầm cũng như đường sắt trên cao.
Tương lai phát triển bền vững của CTD có thể sẽ phụ thuộc vào bước đi tiếp theo trong hành trình tìm cổ đông chiến lược, cổ đông ngoại. |
Tuy nhiên, đây là mảng kinh doanh mà CTD chưa thực sự có kinh nghiệm. Việc thực hiện M&A để mua phần vốn góp của công ty liên kết FCC đang trong quá trình thử nghiệm và hiệu quả khó có thể thể hiện nhiều trong báo cáo tài chính năm 2016, khi đây chỉ là công ty liên kết. Mặc dù vậy, nếu hiệu quả tốt, CTD chắc chắn sẽ sử dụng nguồn tiền dồi dào của mình để chiếm tỷ lệ sở hữu chi phối với mảng kinh doanh này.
Việc đầu tư vào FCC có thể sẽ mang lại không ít quan ngại cho các nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh thế “độc canh” của CTD có thể chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khi thị trường bất động sản và phát triển công nghiệp gặp khó khăn.
Khi mà những nguồn dinh dưỡng dồi dào bị ngắt (thị trường khủng hoảng, sự trỗi dậy của những đơn vị cùng ngành khác, sự trung thành của khách hàng suy giảm, cạnh tranh về giá từ những tay chơi mới nổi như Faros và “đại gia” cũ Hoà Bình), cơ thể của CTD sẽ gặp phải những khó khăn trong việc duy trì sự phát triển ở lĩnh vực hiện tại và tìm ra giải pháp thay thế.
Nhiều tiền, vẫn phát hành thêm cổ phiếu
CTD là một trong những doanh nghiệp có nhiều tiền trên bảng cân đối kế toán bậc nhất trên sàn chứng khoán. Về con số tuyệt đối, CTD có thể không bằng nhiều doanh nghiệp khác, tuy nhiên, nếu xét về lượng tiền trên một cổ phiếu, đây là một trong những công ty thực sự giàu có.
Theo báo cáo quý III/2016, với tổng số tiền và tương đương tiền kèm theo các khoản đầu tư ngắn hạn (tiền gửi kỳ hạn dài), tỷ lệ tiền/cổ phần của CTD đạt mức 78.900 đồng/cổ phần (ước tính với mức vốn là 491 tỷ đồng). Đây là mức rất cao đối với một cổ phiếu trên sàn và là con số ấn tượng khi so sánh với giá trị sổ sách là 81.900 đồng/cổ phần.
Diễn biến giá cổ phiếu CTD trong 1 năm qua (Nguồn: TVSI)
Không hề có vay nợ, lượng tiền của CTD dường như đang bỏ không “chờ” quyết định về định hướng kinh doanh mà ban lãnh đạo Công ty đưa ra. Việc sở hữu lượng tiền lớn là vấn đề đau đầu với Ban giám đốc Công ty, cũng như Giám đốc tài chính (CFO), bởi CTD phải chịu những chi phí cơ hội khi chưa tìm kiếm được cơ hội đầu tư, đồng thời phản tác dụng đối với quản trị về tài chính.
Mặc dù nhiều tiền như vậy, CTD vẫn đang tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài để phát hành thêm cổ phiếu. Điều mà CTD cần không phải là nguồn tiền của nhà đầu tư ngoại, mà là những hỗ trợ từ đối tượng này trong định hướng phát triển kinh doanh, tạo thêm nguồn thu mới và thâm nhập thị trường mà Công ty đang hướng tới. Đây là các chính sách ban lãnh đạo hiện tại, cũng như các cổ đông lớn của CTD chưa thể tìm ra.
Tương lai phát triển bền vững của CTD có thể sẽ phụ thuộc vào bước đi tiếp theo trong hành trình tìm cổ đông chiến lược, cổ đông ngoại, nhằm giúp Công ty thoát khỏi sự phụ thuộc quá lớn vào mảng xây lắp.