|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu VietinBank tăng kịch trần, thiết lập đỉnh lịch sử

11:46 | 06/01/2021
Chia sẻ
Phiên sáng 6/1 chứng kiến diễn biến giao dịch đáng chú ý tại cổ phiếu CTG của VietinBank khi giá tăng kịch trần 6,92% với thanh khoản ở mức cao.
z2265188331503_079a5222de0663b7423494881c96f09c.jpg

Một điểm giao dịch của VietinBank. (Ảnh: Quang Hưng)

Ngay đầu phiên giao dịch buổi sáng, lực mua áp đảo đã đẩy giá CTG tăng nhanh và chạm trần 37.850 đồng/cp chỉ sau chưa đầy 1h giao dịch. Đây cũng là mức giá (đã điều chỉnh) cao nhất từ khi cổ phiếu này lên sàn vào năm 2009.

Kết phiên buổi sáng, thị giá CTG tăng kịch trần 6,92% và vẫn còn dư mua hàng trăm nghìn cổ phiếu. Khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt hơn 13 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị gần 485 tỷ đồng.

Trước đó, VietinBank đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 18/12/2020 để chia cổ tức 5% tiền mặt. Đồng thời, chuyển ngày chi trả cổ tức lên sớm hơn 3 tuần so với kế hoạch trước đó, từ 21/1/2021 sang 30/12/2020.

Ngoài cổ tức bằng tiền mặt, cổ đông VietinBank cũng đã thông qua phương án phát hành hơn 1,07 tỉ cổ phiếu, tương đương xấp xỉ 28,79% số cổ phần đang lưu hành, để trả cổ tức. Qua đó, tăng vốn điều lệ lên gần 47.954 tỉ đồng.

VietinBank cho biết số vốn tăng thêm sẽ được dùng để phục vụ kinh doanh, dự kiến vào một số lĩnh vực như đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ; mở rộng hoạt động tín dụng, đầu tư; mở rộng mạng lưới hoạt động.

Năm 2020, VietinBank đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế 10.400 tỉ đồng, giảm 11,7% so với năm 2019. Trong 9 tháng đầu năm, ngân hàng lãi 10.364 tỉ đồng, thực hiện được gần 100% kế hoạch đề ra.

Cùng với VietinBank, cổ phiếu của Vietcombank và VietinBank cũng "nổi sóng" trong sáng với mức tăng lần lượt 4,73% và 4,38%.

Trước đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 121/2020 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định 91/2015 ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lí, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Nghị định 121/2020/NĐ-CP mở rộng phạm vi đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Trường hợp được bổ sung vốn là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng áp dụng đối với các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Với việc sửa đổi nghị định trên, Chính phủ đã tạo cơ sở pháp lí, giúp các ngân hàng như VietinBank, Vietcombank, BIDV có thể tăng vốn điều lệ từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Quốc Thụy