|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu ngân hàng tạo sóng, DNNN có dễ thoái vốn?

10:39 | 31/07/2017
Chia sẻ
Kết quả kinh doanh chuyển biến tích cực đã kéo giá cổ phiếu (CP) của các ngân hàng lên một cách ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2017. Trên thị trường chứng khoán tự do (OTC), nhiều CP ngân hàng vốn nằm sâu dưới mệnh giá trong thời gian dài, đến cuối quý II/2017 đã bật lên trên mệnh giá.
co phieu ngan hang tao song dnnn co de thoai von
Phiên đấu giá gần 71,6 triệu CP do VNPT nắm giữ tại Maritime Bank trong quý I/2017 đã bị hủy do không có nhà đầu tư tham gia. Ảnh: Tường Lâm

Đây chính là cơ hội đề doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thoái vốn khỏi các ngân hàng và tổ chức tín dụng.

Nhiều thương vụ đáng chú ý

Ngày 21/8/2017, Công ty Xổ số kiến thiết và Dịch vụ tổng hợp Đồng Nai sẽ bán đấu giá 18 triệu CP, tương đương tỷ lệ 2,22% vốn điều lệ Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) với giá khởi điểm 14.912 đồng/CP tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Đầu tháng 7/2017, Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) bán thành công hơn 7,52 triệu CP nắm giữ tại HDBank với giá trúng bình quân 16.200 đồng/CP. So với giá khởi điểm chỉ là 10.100 đồng/CP, thương vụ thoái vốn này được đánh giá là thành công.

Sau khi phiên đấu giá của IPC diễn ra suôn sẻ, Xổ số kiến thiết và Dịch vụ tổng hợp Đồng Nai đã tự tin nâng mức giá khởi điểm lên gần 15.000 đồng/CP. Tuy nhiên theo giới chuyên môn, ở thời điểm hiện tại, để sở hữu cổ phần HDBank, rất có thể nhà đầu tư phải chấp nhận mức giá cao hơn kha khá.

Ngày 18/8 tới đây, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ bán đấu giá 37,5 triệu CP, tương đương 15% tổng số CP đang lưu hành của Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance) với mức giá khởi điểm 14.133 đồng/CP, tổng giá trị đấu giá khởi điểm tương ứng 530 tỷ đồng.

Cơ hội không chia đều

Ngoài những cuộc thoái vốn được tổ chức một cách đầy hào hứng đón sóng cổ phiếu tài chính - ngân hàng, vẫn có không ít DN đang ngậm ngùi với khoản đầu tư vào lĩnh vực này. Quý I/2017, một số DN đã phải hủy đấu giá CP ngân hàng do bị ế. Một trường hợp điển hình là phiên đấu giá gần 71,6 triệu CP do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) nắm giữ tại Maritime Bank do không có nhà đầu tư tham gia. Trên thị trường OTC tại thời điểm đó, CP Maritime Bank có giá trên 3.000 đồng, trong khi khoản đầu tư của VNPT vào ngân hàng này có giá gốc hơn 11.000 đồng/CP (tương đương khoảng 700 tỷ đồng). Hiện CP Maritime Bank đã tăng lên mức xấp xỉ 5.000 đồng/CP, tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều giá vốn của VNPT. Do đó, đến nay vẫn chưa có thông tin về việc khởi động lại cuộc đấu giá này.

Không chỉ riêng VNPT, hiện một số DNNN vẫn còn vương vấn với khoản đầu tư vào các ngân hàng. Bản thân các ngân hàng TMCP có vốn nhà nước chi phối cũng chưa thoát khỏi sở hữu chéo. Một trường hợp điển hình là Vietcombank. Trước thời điểm Thông tư số 36/2014/TT-NHNN (quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng) có hiệu lực, Vietcombank sở hữu 9,8% MBB, 8,2% Eximbank, 5,26% SaigonBank và 4,6% OCB. Đến thời điểm này, Vietcombank vẫn đang nắm hơn 7,16% MBB, 8,19% Eximbank, 5,07% OCB và 4,3% Saigonbank. Động thái của Vietcombank cho thấy, “ông lớn” này đang chờ đợi kết quả kinh doanh tại các ngân hàng nêu trên chuyển biến tích cực hơn trước khi mang CP ra chào bán.

Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, mặc dù CP tài chính - ngân hàng đã và đang có những diễn biến tốt, nhưng giữa các CP vẫn có sự phân hóa. Một số ngân hàng có kết quả kinh doanh kém tích cực, các cổ đông nhà nước sẽ vẫn khó thoái vốn.

Nguyên nhân đầu tiên của tình trạng này là số lượng CP DNNN nắm giữ lớn, nhà đầu tư cá nhân khó hấp thụ hết. Hai là giá vốn và chi phí tài chính của khoản đầu tư cao. Ba là phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về bán CP để bảo đảm không bị thất thoát tài sản nhà nước khi thoái vốn. Do đó, có thể nói, câu chuyện thoái vốn đầu tư ngoài ngành nói chung, lĩnh vực ngân hàng nói riêng, của DNNN sẽ không sớm có hồi kết.

Hoàng Anh