|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cơ hội và động lực từ APEC-2017

21:17 | 08/11/2017
Chia sẻ
Với tư cách nước thành viên chủ nhà, Việt Nam đang nỗ lực triển khai các hoạt động của APEC 2017 theo chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Tâm điểm của chuỗi các sự kiện trong cả năm là Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 từ ngày 6-11.11 tại Đà Nẵng, với nổi bật là Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam, Hội nghị Liên bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC (AMM), Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC và Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC.
co hoi va dong luc tu apec 2017
Dệt may là ngành có thế mạnh cạnh tranh của Việt Nam trong nội khốí APEC

Với tư cách nước thành viên chủ nhà, Việt Nam đang nỗ lực triển khai các hoạt động của APEC 2017 theo chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Tâm điểm của chuỗi các sự kiện trong cả năm là Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 từ ngày 6-11.11 tại Đà Nẵng, với nổi bật là Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam, Hội nghị Liên bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC (AMM), Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC và Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC.

4 ưu tiên năm APEC-2017

Lãnh đạo 21 nền kinh tế sẽ thảo luận và thông qua những kết quả hợp tác lớn đạt được trong 4 ưu tiên của Năm APEC 2017 về thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững; cùng nhau định hướng hợp tác những năm tiếp theo.

Với sự có mặt của hàng chục nguyên thủ từ các nước thành viên APEC, lãnh đạo hơn 1.500 DN và hàng chục nghìn phóng viên báo chí, APEC 2017 hội tụ đỉnh cao và cơ hội vàng cho các hoạt động quảng bá, cung cấp thông tin thị trường, môi trường và chính sách kinh doanh, củng cố hình ảnh một nước Việt Nam năng động, cởi mở, mến khách và an ninh.

Tham gia APEC từ ngày 14.11.1998, Việt Nam tuân thủ nghiêm túc các cam kết hợp tác và đóng góp hàng chục sáng kiến, tiếp nhận cơ hội, cũng như động lực mạnh mẽ từ APEC trong quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập.

Cơ hội và động lực

Cơ hội và động lực từ APEC trước hết tỏa ra từ xu hướng tăng cường hợp tác nội khối trên cơ sở quán triệt các nguyên tắc hợp tác đối thoại cởi mở, đồng thuận, bình đẳng, tự nguyện và cùng có lợi, giành ưu đãi chậm hơn 10 năm và hỗ trợ rút ngắn khoảng cách giàu nghèo trong hoạt động của APEC.

Mục tiêu Bogo vào năm 2020 sẽ hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do toàn Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) thực sự gắn kết cả về con người, hạ tầng cơ sở, công nghệ và thông tin, tăng trưởng kinh tế và đầu tư.

Thành lập từ năm 1989, hoạt động hợp tác nội khối ngày càng tăng về quy mô, đa dạng về hình thức và lan rộng về phạm vi... Thương mại nội khối năm 2014 đạt 18.400 tỉ USD, tăng gấp 4 lần năm 1994; Thuế quan MFN trung bình giảm từ 11% (năm 1996) xuống còn 5,5% vào năm 2014.

Số lượng dòng hàng hưởng thuế suất 0% chiếm 45,4%. Số ngày thông quan hàng hóa đã giảm mạnh và lĩnh vực logistics được cải thiện. Trong giai đoạn 1996-2015, số lượng các FTA/RTA đi vào thực thi trong APEC tăng từ 22 lên 152, với 61 hiệp định được ký kết giữa các thành viên APEC.

Từ năm 2014, có 19/21 thành viên APEC đã chấp nhận Thẻ doanh nhân APEC, cấp thị thực tự do đi lại trong thời hạn 60-90 ngày cho các quan chức, DN các nước thành viên.

Cơ hội và động lực mạnh mẽ từ APEC còn được quy định bởi sự hội tụ trong cộng đồng này các đối tác toàn diện và chiến lược quan trọng nhất của Việt Nam. APEC hiện chiếm 40% dân số, gần 60% GDP và 49% giao dịch thương mại toàn cầu; đặc biệt, chiếm 78% FDI, 75% kim ngạch thương mại, 79% du khách quốc tế và 80% du học sinh Việt Nam đang học tập ở nước ngoài.

Trong APEC có tất cả các đối tác hàng đầu của Việt Nam, từ nguồn cung cấp ODA lớn nhất (Nhật Bản); nguồn cung cấp FDI lớn nhất (Hàn Quốc); thị trường xuất khẩu và xuất siêu lớn nhất (Hoa Kỳ) và cả thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất (Trung Quốc)... Đặc biệt, có tới 13 thành viên APEC là đối tác chiến lược và chiến lược toàn diện của Việt Nam trên thế giới.

Cơ hội và động lực sẽ còn tiếp tục tỏa ra trong quá trình tham gia APEC khi Việt Nam cọ xát và ngày càng hoàn thiện các thể chế quản lý và hệ thống thị trường, góp phần củng cố vị thế quốc tế và môi trường đối ngoại hòa bình, mở ra nhiều cơ hội hợp tác và thúc đẩy doanh nghiệp Việt kết nối, phát triển chuỗi liên kết với các doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài APEC, tăng thêm lòng tin và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp APEC kinh doanh, đầu tư vào Việt Nam...

Từ đó, cho phép ngày càng đa dạng hoá và phối hợp hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế cho quá trình liên kết, hội nhập và phát triển bền vững...

TS Nguyễn Minh Phong

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.