|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cơ chế một cửa giúp doanh nghiệp tiện lợi đủ đường

22:22 | 19/11/2018
Chia sẻ
Bộ GTVT tham gia cơ chế một cửa quốc gia đầu tiên, và là Bộ có số lượng thủ tục tham gia nhiều nhất...
co che mot cua giup doanh nghiep tien loi du duong

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Bộ GTVT

Bộ GTVT tham gia cơ chế một cửa quốc gia đầu tiên, đồng thời cũng là Bộ có số lượng thủ tục tham gia cơ chế một cửa quốc gia nhiều nhất, trải rộng trên nhiều lĩnh vực: Hàng không, hàng hải, đường bộ, đường thủy, đăng kiểm…

Thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp

Vừa đăng nhập vào máy tính để kiểm tra kết quả xin cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng nhập khẩu, anh L.M.T, đại diện Công ty TNHH Phát triển xây dựng và Thương mại có trụ sở tại Hà Nội cho biết, công ty đang xin cấp giấy chứng nhận trực tuyến cho lô hàng máy đào bánh xích nhãn hiệu Doosan (Hàn Quốc). “Hồ sơ của tôi đã được thẩm định xong, chỉ chờ bước cuối cùng là phê duyệt”, anh T. nói và cho biết, làm trực tuyến thuận đủ đường. Vừa không phải mất công đi nộp tận nơi, ngồi nhà bấm máy là xong, lại biết được hồ sơ của mình đang ở bước nào, mắc ở đâu, cần khai báo thêm gì”.

“Trước đây, nếu có trục trặc gì phải lên Cục Đăng kiểm VN để sửa đổi, bổ sung, đi lại rất mất công. Giờ thì quá tiện lợi. Đăng nhập, điền thông tin và chờ kết quả”, anh T. nói thêm.

Đại diện Công ty Megastar Logistics and Agency (có trụ sở tại quận 4, TP HCM) cho biết, cũng thường xuyên thực hiện khai báo một cửa quốc gia trên hệ thống của cảng vụ hàng hải và đường thủy nội địa. “Chúng tôi đã làm hơn 20 bộ thủ tục cho tàu biển xuất nhập cảnh qua các cảng thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Long An”, vị này nói và cho biết thêm: Nếu trước đây làm thủ tục xuất nhập cảnh cho tàu biển phải đi từ Long An lên TP HCM. Từ khi tham gia vào cơ chế một cửa quốc gia, DN chỉ cần “nhấp chuột”, sau 15 phút đối với các hồ sơ hợp lệ thì đã được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho xuất/nhập cảnh.

Đại diện một hãng hàng không cũng cho biết, từ ngày 1/11/2018 đã triển khai sử dụng chính thức kết nối dữ liệu hành khách trước chuyến bay giữa Cổng thông tin một cửa quốc gia và phần mềm nghiệp vụ của Cục Hàng không VN. Khi hành khách làm xong thủ tục hàng không, toàn bộ thông tin được tự động chuyển cho cơ quan xuất nhập cảnh. Trước đây, sau khi hoàn tất việc làm thủ tục hàng không cho khách, hãng phải có điện văn gửi cảng vụ và đưa vào hệ thống thống kê. Khi chuyến bay về, khách nhập cảnh, cơ quan xuất nhập cảnh mới quét trên hệ thống, lúc đó mới có thông tin của hành khách.

“Giờ cứ làm thủ tục xong, thông tin tự động chuyển về. Điều này rất thuận lợi, đặc biệt đối với việc kiểm soát những hành khách “có vấn đề” như bị truy nã, bị cấm bay, cơ quan chức năng có thể kiểm tra trước thông tin và lưu ý hơn khi kiểm tra, kiểm soát”, vị này nói.

Bộ GTVT cung cấp 87 thủ tục trên cơ chế một cửa quốc gia

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, Bộ GTVT là Bộ đầu tiên tham gia cơ chế một cửa quốc gia (từ tháng 11/2014) với 12 thủ tục hành chính (TTHC). Đến ngày 10/11/2018, Bộ GTVT đã hoàn thành xây dựng và chính thức đưa vào sử dụng thêm 70 TTHC tham gia cơ chế một cửa quốc gia, nâng tổng số TTHC của Bộ GTVT chính thức tham gia cơ chế một cửa quốc gia là 82 thủ tục. 5 thủ tục khác trong lĩnh vực đường bộ cũng sẽ được đưa vào sử dụng trong tháng 11/2018, hoàn thành cung cấp 100% các TTHC đã đăng ký tham gia cơ chế một cửa quốc gia.

“Hệ thống CNTT của Bộ GTVT được xây dựng theo mô hình tập trung, thống nhất về nền tảng công nghệ, không thực hiện đầu tư riêng lẻ tại các cục, tổng cục. Vì vậy, đẩy nhanh được tiến độ xây dựng phần mềm, dễ dàng trong thay đổi, nâng cấp theo yêu cầu của Cổng thông tin một cửa quốc gia”, Giám đốc Trung tâm CNTT Bộ GTVT Phạm Duy Ninh cho biết thêm.

Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Xuân Sang cho biết, lĩnh vực này đã hoàn thành và triển khai chính thức thêm 6 thủ tục mới tham gia cơ chế một cửa quốc gia từ 1/7/2018, nâng tổng số thủ tục tham gia lên con số 11. “Tính đến 15/11/2018, có 38.974 hồ sơ nộp trực tuyến, cấp 35.440 giấy phép điện tử. Như vậy, cùng với lĩnh vực Đăng kiểm, lĩnh vực Hàng hải đã cung cấp đầy đủ các thủ tục và tham gia toàn diện vào cơ chế một cửa quốc gia”, ông Sang thông tin.

Lĩnh vực đường thủy có 4 thủ tục tham gia cơ chế một cửa quốc gia, đến ngày 15/11/2018, đã cấp phép cho 102 lượt tàu biển xuất, nhập cảnh. Đường bộ có 65 thủ tục, từ ngày 1/11/2018 đã triển khai chính thức 60 thủ tục tại Tổng cục Đường bộ VN và 63 Sở GTVT cho tất cả đối tượng sử dụng. Tính đến ngày 15/11/2018, có 316 hồ sơ nộp trực tuyến với 42 doanh nghiệp tham gia.

“Còn lại 5 thủ tục liên quan đến gia hạn giấy phép vận tải và thời gian lưu hành tại Việt Nam cho các phương tiện nước ngoài, dự kiến triển khai sử dụng trong tháng 11/2018”, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Phan Thị Thu Hiền cho biết.

Bộ GTVT thực hiện tốt nhất cơ chế một cửa

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khi phát biểu tại buổi làm việc với Bộ GTVT sáng 17/11 vừa qua về kết quả thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.

“Việc tham gia cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại sẽ tạo thuận lợi lớn cho người dân, DN. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, việc tiếp tục cải cách mạnh mẽ và có tính đột phá đối với cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.

Gần 400 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến mỗi năm

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT đã có 255 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 (trong đó, có 165 dịch vụ mức độ 3, 90 dịch vụ cấp độ 4). Trong 2 năm 2017- 2018, mỗi năm có gần 400.000 hồ sơ được thực hiện theo phương thức trực tuyến trong tổng số 1,6 triệu hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. “Xây dựng Chính phủ điện tử là góp phần chống tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu đối với nhân dân. Chúng ta không hội nhập, không cải cách đổi mới, không áp dụng công nghệ thông tin sẽ chậm phát triển. Do đó, Bộ GTVT luôn coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành”, Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, việc cắt giảm thủ tục hành chính là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan thuộc Bộ. “Với Bộ GTVT cắt, giảm là thực chất, không cắt chỗ này phình chỗ khác hoặc chỉ nhập điều này khoản nọ vào nhau mà thực tế không giảm thủ tục”, Bộ trưởng nói.

Thanh Bình