|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Có 890 tỉ USD, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đầu tư vào M&A ra sao?

16:37 | 08/01/2019
Chia sẻ
Nhật Bản đã vượt qua Trung Quốc khi thống trị nhiều vụ mua lại và sáp nhập (M&A) tại châu Á năm 2018, và với các công ty sở hữu hơn 890 tỉ USD, việc đầu tư sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2019.

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, các công ty Nhật Bản đã công bố hơn 1.000 vụ mua lại ở nước ngoài với tổng giá trị kỉ lục là 191 tỉ USD, dẫn đầu là phi vụ mua lại Shire Plc của Takeda Pharmaceutical Co. Lần gần đây nhất Nhật Bản bỏ xa Trung Quốc tại lĩnh vực này là vào năm 2012.

Giá trị thương vụ M&A tăng đột biến

co 890 ti usd doanh nghiep nhat ban se dau tu vao ma ra sao
Giá trị M&A của doanh nghiệp Nhật Bản tại thị trường nước ngoài đạt mức kỉ lục năm 2018 (Nguồn: Bloomberg)

Đối mặt với dân số ngày càng thu hẹp và nền kinh tế trì trệ, các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng tìm kiếm cơ hội phát triển ở nước ngoài khi căng thẳng chiến tranh thương mại khiến giá cổ phiếu giảm và giá trị của đồng yen tăng.

Kết hợp điều này cùng với áp lực thương mại mà các doanh nghiệp Nhật Bản từ SoftBank Group đến Toshiba đã tích lũy, nhiều ngân hàng sẽ trải qua một năm 2019 thịnh vượng.

Các doanh nghiệp Nhật Bản đã sẵn sàng có một “năm bội thu” về số lượng giao dịch ở nước ngoài, ông Koichiro Doi, người đứng đầu bộ phận M&A của JPMorgan Chase & Co. tại Nhật Bản, trả lời trong một cuộc phỏng vấn.

Mỹ sẽ là điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất, một phần vì đây là thị trường lớn nhất và hiện vẫn tiếp tục phát triển, theo ông Doi, người cho biết 2018 là năm bận rộn nhất trong suốt sự nghiệp kéo dài hai thập kỉ của ông.

Số lượng giao dịch tăng ở các công ty công nghiệp, tiêu dùng và công nghệ, nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản dường như không thể đầu tư nhiều hoặc đạt được một thỏa thuận qui mô như của Takeda trong năm 2019, ông Doi cho biết.

Việc Takeda mua lại Shire, dự kiến hoàn thành trong tuần này, là vụ tiếp quản lớn nhất thế giới được công bố năm 2018. Năm 2019, một thỏa thuận lớn hơn có thể được thực hiện sau khi thỏa thuận mua lại Celgene gần đây của Bristol-Myers Squibb được kí kết.

Các doanh nghiệp Nhật Bản từ lâu đã tìm kiếm mở rộng ở thị trường nước ngoài thông qua việc mua lại nhưng lịch sử cho thấy khả năng M&A của các doanh nghiệp này còn khá hạn chế.

Vào những năm 80, khi giá cổ phiếu tăng vọt, các doanh nghiệp Nhật Bản đã chớp thời cơ mua lại đủ thứ, từ Rockefeller Center tại Manhattan, sân golf Pebble Beach tại California tới bức tranh hoa hướng dương của Vincent Van Gogh. Sony và Panasonic mua lại nhiều studio tại Hollywood.

Rất nhiều trong số những khoản đầu tư này cuối cùng được bán ra với mức giá thấp hơn sau khi bong bóng tài sản của Mỹ vỡ tung.

Vào những năm đầu của thế kỷ 21, các doanh nghiệp đổ xô thực hiện nhiều phi vụ M&A ở thị trường nước ngoài, trong đó nổi bật là công ty viễn thông NT DoCoMo, Toshiba và Nomura Holdings mua lại bộ phận không dây của AT&T. Kết quả là hàng tỉ USD “chảy” vào túi tiền của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Doanh nghiệp Nhật kì kèo mặc cả

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Nhật Bản đã học được từ những sai lầm của mình khi các nhà thâu tóm Nhật bản đang đạt được những món hời khó nhằn hơn. Năm 2018, các doanh nghiệp này thường phải trả cao hơn 23% so với giá trị thị trường, mức thấp nhất kể từ năm 2013, dựa theo dữ liệu tổng hợp của Bloomberg.

co 890 ti usd doanh nghiep nhat ban se dau tu vao ma ra sao
Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư cho các giao dịch ở nước ngoài ít hơn so với giá trị thị trường năm 2017 (Nguồn: Bloomberg)

Tuy nhiên, các công ty cũng không thể tích trữ quá nhiều tiền mặt vì sẽ bị các nhà đầu tư phản đối.

“Các tập đoàn của Nhật Bản đang phải chịu áp lực lớn từ cổ đông trong việc đầu tư hiệu quả hơn”, Akifusa Takada, giám đốc bộ phận M&A tại công ty luật Baker McKenzie. “Rất ít công ty Nhật Bản sẵn lòng phân chia tiền cho cổ đông dưới dạng cổ tức. Họ xem các quỹ này như những nguồn lực để mở rộng doanh nghiệp tại nước ngoài”.

Các công ty đang ngồi trên đống tiền dư thừa nhiều khả năng sẽ trở thành mục tiêu của các nhà đầu tư chủ động, do đó, những công ty này quyết định dùng quĩ tiền dư thừa cho hoạt động M&A, theo Zuhair Khan, một nhà phân tích tại Jefferies Japan. Toshiba, bị thúc ép phải mua lại 10 tỉ USD cổ phiếu bởi quỹ đầu cơ King Street Capital Management, là một trong số những mục tiêu này năm 2018.

Tiền và các khoản tương đương tiền tại các công ty phi tài chính được niêm yết trên Nikkei 225 Stock Average đã tăng từ 690 tỉ USD lên 892 tỉ USD trong ba năm, theo Bloomberg.

Triển vọng tươi sáng trong năm mới

co 890 ti usd doanh nghiep nhat ban se dau tu vao ma ra sao
Sức mua của các doanh nghiệp Nhật Bản đạt mức cao kỉ lục (Nguồn: Bloomberg)

Có rất nhiều người bán để bên mua lựa chọn. Công ty General Electric hùng mạnh một thời đang tiếp tục bán tài sản, trong khi các tập đoàn Trung Quốc như HNA Group và Anbang Insurance Group lại đang “chậm lại” sau khi chính phủ bắt đầu khống chế dòng vốn bằng cách nhắm vào các nhà mua lại nổi bật trong nước.

Y tế vẫn là một lĩnh vực nóng sốt, ngay cả sau thỏa thuận Takeda – Shire. Thỏa thuận mua lại Celgene của Bristol-Myers cũng có thể thúc đẩy hoạt động M&A trong lĩnh vực này, theo các nhà phân tích.

Tiếp đến là giá cổ phiếu đang giảm và có thể giảm nhiều hơn nữa. Những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 đã bắt đầu “dấy lên” sau khi nền kinh tế Trung Quốc chững lại và chiến tranh thương mại Trung – Mỹ vẫn chưa đi đến hồi kết. Các chỉ số từ châu Á đến châu Âu đều giảm, trong khi chứng khoán Mỹ có một năm 2018 tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Đây chính là tín hiệu tốt cho các công ty Nhật Bản đang tìm kiếm cơ hội M&A, theo Jefferies Khan.

“2019 có thể là một năm viên mãn [cho các công ty Nhật Bản] đối với hoạt động M&A”, Khan nói. “Nếu định giá của thị trường chứng khoán giảm xuống, M&A tại nước ngoài sẽ dễ dàng hơn rất nhiều”.

Xem thêm

Trần Nam Thi

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.