Chuyển khỏi bến Mỹ Đình: Nhà xe bỏ bến chạy dù
Theo đại diện công ty CP bến xe Hà Nội, tại bến xe Giáp Bát và Gia Lâm đến nay cơ bản các nhà xe đã chấp hành việc điều chuyển theo đúng hướng tuyến.Tuy nhiên, tại bến Mỹ Đình trong ngày 2/1 còn một số nhà xe chưa nắm bắt đươc chủ trương nên sau khi điều chuyển vẫn đưa khách về bến Mỹ Đình. Bến xe đã nhắc nhở và yêu cầu đánh xe về bến Nước Ngầm theo đúng lộ trình điều chuyển.
Nhiều nhà xe thuộc diện điều chuyển về bến Nước Ngầm vẫn đưa xe đốn trả khách gần bến Mỹ Đình (Ảnh: Vietnamnet) |
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm thông tin, đã có 312/440 chuyến xe/ ngày về bến Nước Ngầm. Hiện vẫn còn một số nhà xe các tuyến Ninh Bình và một số DN của Thanh Hóa, Hà Tĩnh chưa điều chuyển về bến theo chỉ đạo của TP, trong khi các xe thuộc diện chuyển đi bến đã không tiếp nhận theo đúng chỉ đạo của TP.
Ông Trần Đăng Hải, Chánh thanh tra giao thông HN cho hay, hiện vẫn còn trường hợp vượt tuyến bỏ bến Nước Ngầm đi lên Mỹ Đình, có trường hợp lực lượng thanh tra hướng dẫn đi đúng hướng tuyến về lại bến Nước Ngầm, tuy nhiên sau đó có quay về hay không thì “rất khó xác định”.
Ông Hải cho biết, bắt đầu từ ngày 10/1 tới Thanh tra sở sẽ phối hợp với lực lượng công an xử lý nghiêm các trường hợp xe khách cố tình đi sai hành trình theo quy định. Trước mắt sẽ xử lý dừng đỗ sai quy định và sẽ làm kiên quyết.
Phó GĐ Sở Giao thông Hà Nội Hà Huy Quang yêu cầu, các DN vận tải phải thực hiện nghiêm phương án điều chuyển của TP và Bộ Giao thông. Việc này phải hoàn thành trước Tết âm lịch để ổn định phục vụ hành khách đi lại.
Đại diện Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cũng đề nghị Sở Giao thông HN cần tiếp tục phối hợp với các Sở giao thông rà soát lại các xe chưa thực hiện điều chuyển và có giải pháp xử lý kiên quyết.
“Các xe phải chấp hành chạy đúng lộ trình, không để xe chạy dù, tạo sự công bằng giữa các đơn vị đã điều chuyển với các DN vận tải khác”, đại diện Vụ vận tải nói thêm.
Giá vào bến cao
Theo phản ánh từ các nhà xe thuộc diện chuyển về bến Nước Ngầm, giá dịch vụ vào bến xe này hiện nay cao hơn các bến xe khác. Hơn nữa bến lại bố trí bãi đỗ bên ngoài gây khó khăn cho các nhà xe hoạt động.
Thậm chi có nhà xe còn lo ngại, đất bến xe Nước Ngầm đi thuê nên nếu đơn vị cho thuê lấy lại đất xây cao ốc thì các nhà xe sẽ bị đẩy ra đường. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh lâu dài của DN.
Ông Nguyễn Văn Lập cho biết, hiện nay toàn bộ diện tích bến xe sử dụng đã được Công ty mua toàn bộ và đã được cấp sổ đỏ. Do vậy các nhà xe hoàn toàn có thể yên tâm hoạt động ổn định lâu dài.
Còn việc đưa xe ra ngoài bãi đỗ riêng, ông Lập lý giải đây chỉ là giải pháp tạm thời để hoàn thiện phương án sắp xếp trong bến một cách khoa học. Phương án này các bến xe khác cũng đã và đang làm để không ảnh hưởng đến hoạt động trong bến.
Ông cũng khẳng định, bến xe không thu quá mức giá dịch vụ vào bến theo quy định của UBND TP Hà Nội mà chỉ thu tiền xe ra vào bến và dịch vụ hỗ trợ. Các khoản thu được ghi rõ trong hợp đồng vận tải hành khách.
Việc môt số nhà xe mới chuyển về phản ánh bến Nước Ngầm thu giá vào bến cao theo ông Lập là chưa có cơ sở. Bởi, thực tế các xe mới điều chuyển về thời gian đầu bến đang có chính sách chia sẻ khó khăn với từng tuyến.
Riêng các tuyến: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa bến chưa thu tiền ra vào bến cũng như các dịch vụ hỗ trợ vận tải. Đối với các tuyến Nghệ An, Hà Tĩnh bến xe cũng chỉ thu 80% tiền dịch vụ bến ngoài ra không thu thêm khoản nào khác.