Chủ tịch huyện Mỹ Đức nói gì về dự án 1.500ha của 'đại gia' Xuân Trường ở Chùa Hương?
Tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều nay (22/1), báo chí đã đặt vấn đề về các dự án đầu tư quanh khu vực chùa Hương đối với lãnh đạo huyện Mỹ Đức
Trả lời câu hỏi của báo chí, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết, huyện đã có tờ trình gửi UBND TP về việc quy hoạch với quy mô khoảng 3.900ha trải dài trên diện tích 4 xã nhằm bảo tồn, phát triển giá trị di sản và thu hút đầu tư.
“Khi quy hoạch, có các vùng quy hoạch theo luật di sản. Chúng tôi cũng trao đổi với các doanh nghiệp có nghiên cứu các vùng phụ cận, không liên quan gì tới 21 chùa, động vùng phụ cận chùa Hương”, ông Hoạt khẳng định.
Đề cập đến dự án đề xuất của doanh nghiệp Xuân Trường về xây dựng khu du lịch tâm linh chùa Hương với tổng mức đầu tư lên đến 15.000 tỷ đồng, ông Hoạt cho hay, dự án đề xuất nằm ở phía tây nam của quần thể Hương Sơn, Chùa Hương.
Dự án này nằm ở vị trí triền núi, kéo dài từ khu vực Hương Sơn sang Tam Chúc - Khả Phong. Nơi này giáp với nơi diễn ra Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc năm 2019. Dự án chủ yếu là thực hiện chỉnh trang trên diện tích 1.500 ha.
“Quan điểm của huyện, chúng tôi thực hiện nghiêm túc quyết định của Thủ tướng đảm bảo được việc phát huy giá trị thiên nhiên của khu di tích thắng cảnh này. Đảm bảo thực hiện đúng luật di sản cũng như hạn chế tối đa sự tác động của con người vào với cảnh quan thiên nhiên vốn có ở đây. Vùng lõi, vùng cấm chính là khu vực của 21 chùa, động là khu vực bất khả xâm phạm”, Chủ tịch huyện Mỹ Đức nhấn mạnh và cho rằng, một số thông tin doanh nghiệp can thiệp vào chùa Hương "chưa đúng với thực tiễn".
Dự án tâm linh chùa Hương - ảnh minh họa |
Theo người đứng đầu huyện Mỹ Đức, có 6 dự án đang nằm quanh khu vực này, trong đó có cụm đổi mới Hương Sơn, quy mô khoảng 20ha. Dự án trung tâm Festival Hương Sơn, Hoa Sen, diện tích khoảng 172ha. Đây là cảnh quan phát triển du lịch tâm linh của Mỹ Đức.
Các dự án khác như dự án quần thể khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng quy mô khoảng 150ha đã được sự chấp thuận của Thành ủy Hà Nội và UBND TP, hiện đang hoàn thiện quy hoạch 1/500 để triển khai thực hiện.
Dự án cáp treo Hương Bình quy mô khoảng 13ha nằm trên khu vực Hương Sơn sang bên kia là Chùa Tiên (Hòa Bình). Dự án công viên nghĩa trang Mỹ Đức với diện tích khoảng 27,8ha. Dự án thứ 6 là dự án nạo vét, cải tạo bến Long Vân.
"Chia nhỏ" việc tổ chức phát lộc tại lễ hội đền Sóc
Cũng tại buổi giao ban báo chí chiều 22/1, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh đã thông tin về kế hoạch tổ chức lễ hội đền Sóc. Theo đó, lễ hội được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 10-12/2 (ngày 6-8 tháng Giêng) tại khu du lịch – Di tích đền Sóc Sơn.
Theo ông Mạnh, Lễ hội năm nay sẽ tiếp tục triển khai những đổi mới trong năm 2018. Cụ thể, trong nghi thức tổ chức các lễ rước sẽ có điều chỉnh, thay đổi trong lễ rước giò hoa tre và trầu cau. Theo đó, không tổ chức việc tán lộc và cướp lộc vị trí dưới đền hạ để tránh hành động bạo lực, phản cảm. "Những việc này sẽ được ban tổ chức chia nhỏ và tổ chức phát lộc trong thời điểm phù hợp”, ông Mạnh nói.
Về hoạt động kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, lãnh đạo quận Đống Đa cho biết, thời gian tổ chức lễ hội sẽ diễn ra từ 6h đến 21h ngày 9/2 (tức là ngày mùng 5 Tết Nguyên đán) tại Công viên Văn hóa Đống Đa. Trong đó, đáng chú ý là lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa; đón Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa (diễn ra vào lúc 9h30 sáng). Tối cùng ngày, sẽ diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.