|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chính sách tiền tệ nới lỏng có thể khiến chứng khoán phục hồi theo mô hình chữ V

17:35 | 27/02/2020
Chia sẻ
Theo Chứng khoán KIS Việt Nam, thị trường chứng khoán có thể sẽ phản ánh các chính sách này trong mô hình phục hồi chữ V, có thể xảy ra vào tháng 3 trong kịch bản tốt nhất.

Theo báo cáo chiến lược đầu tư tháng 3 của CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam thì sẽ mất khoảng hai tuần từ khi dịch bùng phát để số ca nhiễm bệnh mới đạt đỉnh ở Trung Quốc vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2. Do đó, dịch bệnh ở Hàn Quốc có thể sẽ có diễn biến tương tự. 

Tuy nhiên, các chuyên gia của KIS hi vọng rằng bài học từ Trung Quốc sẽ giúp Hàn Quốc ngăn chặn sự lây lan nhanh hơn, có thể vào đầu tháng 3.

Về mặt định giá, sự sụt giảm gần đây đã làm tăng các chỉ số đo lường mức độ biến động thị trường. Tuy nhiên, do VN-Index vẫn đang chạm vào vùng giá có ba lần lệch chuẩn nên lực cầu bắt đáy có thể tăng trong những tuần tới.

Hơn nữa, KIS Việt Nam cho rằng khi virus được kiểm soát, các ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ bắt đầu nới lỏng các chính sách tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế. Và như thường lệ, thị trường chứng khoán có thể sẽ phản ánh các chính sách này trong mô hình phục hồi chữ V, có thể xảy ra vào tháng 3 trong kịch bản tốt nhất.

Ngân hàng nhà nước phản ứng rất nhanh

Cuối ngày 24/2, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản khẩn gửi cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nước và các chi nhánh nước ngoài hướng dẫn tìm giải pháp hỗ trợ khách hàng vay trong bối cảnh dịch Covid-2019.

Cụ thể, dựa trên yêu cầu của khách hàng, TCTD đánh giá và được phép gia hạn thời hạn nợ, giảm lãi suất và duy trì xếp hạng nợ cho những khách hàng vay bị ảnh hưởng tiêu cực bởi virus và có khoản nợ gốc hoặc lãi đến hạn trong khoảng thời gian từ 23/1 – 31/3. KIS Việt Nam cho rằng NHNN đã có phản ứng rất nhanh để hỗ trợ khách hàng.

Sau thông báo khẩn này thì đã có một loạt ngân hàng đã công bố các gói tín dụng ưu đãi với qui mô hàng chục nghìn tỉ đồng để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục thiệt hại như BIDV, Vietcombank, SHB, MBBank, ACB, VietinBank, HDBank...

Thu Hoài