Chính sách mới về bồi thường, thu hồi đất ở TP HCM
Lách tiền thuế, người dân chịu thiệt
Bà Nguyễn Thị Gái (ngụ phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TP HCM) cùng một số người dân khác ở cùng phường bị giải tỏa nhà, đất để xây dựng dự án đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Gò Dưa đến đường Phạm Văn Đồng.
Bà Gái cùng các hộ dân khác không đồng tình với phương án bồi thường vì cho rằng giá bồi thường quá thấp so với giá thị trường, tiền bồi thường mà gia đình bà sẽ nhận không thể mua được đất, cất được nhà.
Cùng với đó, từ khi công bố dự án đến khi chi trả bồi thường kéo dài quá lâu (hơn 2 năm), thị trường bất động sản càng biến động thì với số tiền bồi thường dự kiến nhận được sẽ khiến người dân gặp khó khăn hơn.
Do vậy, tại nhiều buổi tiếp xúc cử tri, bà Gái đều đề nghị xem xét chính sách bồi thường phù hợp hay không và mong muốn chính quyền các cấp xem xét, hỗ trợ để người dân ổn định cuộc sống sau khi bị giải tỏa, thu hồi đất.
Câu chuyện bà Gái nêu trên không phải cá biệt mà xảy ra ở hầu khắp các dự án trên địa bàn TP HCM khi Nhà nước thu hồi đất. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), TP đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, quy hoạch phát triển đô thị được điều chỉnh và ngày càng mở rộng. Số lượng các dự án phải thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, TĐC trên địa bàn TP là rất lớn.
Khu căn hộ TĐC Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Ảnh: Cao Thăng |
Tuy nhiên, cơ chế, chính sách và trình tự thủ tục về bồi thường, hỗ trợ TĐC còn nhiều bất cập. Đặc biệt, người dân bức xúc, khiếu kiện nhiều nhất là về giá bồi thường.
Cụ thể, giá đất hiện nay để tính bồi thường được cho là “giá thị trường”, dựa vào một số giao dịch thành ở khu vực bị giải tỏa. Thế nhưng, để tránh phải đóng thuế nhiều, giá trị đất giao dịch trong nhiều hợp đồng công chứng được ghi thấp nhiều lần so với thực tế.
Vì vậy, giá đất để tính bồi thường khi tham chiếu giá giao dịch này làm căn cứ bồi thường là rất thấp.
Sở TN-MT TP HCM cũng nhận xét, trong nhiều giao dịch, giá trị trên hợp đồng không phản ánh đúng giá trị giao dịch thật sự giữa các bên. Vì vậy, Sở TN-MT TP HCM đề xuất được sử dụng thông tin giao dịch thị trường thật sự làm cơ sở xác định giá đất để tính bồi thường mà không phụ thuộc vào giá trị của hợp đồng công chứng, nhằm khắc phục bất cập nêu trên.
Ngoài ra, quy định về duyệt giá đất tính bồi thường cần được điều chỉnh theo hướng rút ngắn thời gian, thủ tục để xây dựng giá bồi thường và sớm chi trả bồi thường cho người dân.
Ổn định cuộc sống cho người bị thu hồi đất
Liên quan việc bồi thường, tái định cư trên địa bàn TP HCM, Ban Thường vụ Thành ủy đánh giá công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, TĐC đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Đặc biệt, vấn đề đảm bảo nơi ở mới cho người dân phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ vẫn chưa thực hiện tốt.
Một số nơi còn để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý về đất đai và bồi thường, TĐC, dẫn đến khiếu nại, tố cáo… Để khắc phục những bất cập nêu trên, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM ban hành Chỉ thị 17-CT/TU (năm 2018) tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, TĐC các dự án có thu hồi đất, góp phần ổn định tình hình chính trị - kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Một trong những mục tiêu nổi bật được xác định là phải khắc phục tình trạng phát sinh các khu dân cư tự phát, lụp xụp khi Nhà nước thu hồi đất. Đồng thời điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách theo hướng quan tâm hơn đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người bị thu hồi đất.
Cụ thể, Chỉ thị 17 yêu cầu chính quyền các cấp phải quan tâm nguyện vọng và đảm bảo ổn định cuộc sống cho người bị thu hồi đất phải di dời chỗ ở. Trước khi thực hiện dự án phải điều tra, khảo sát để xác định nhu cầu, nguyện vọng TĐC của người dân, từ đó xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích người dân được lựa chọn hình thức TĐC phù hợp với nhu cầu, khả năng.
Khi đó, người dân được nhận tiêu chuẩn TĐC do Nhà nước chuẩn bị (nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nền đất) hoặc nhận tiền để tự lo nơi ở mới.
Chính quyền TP phải xây dựng giải pháp, chính sách hỗ trợ hộ dân có nhà bị tháo dỡ (mà không còn nơi ở nào khác trên địa bàn TP) nhưng tiền bồi thường, hỗ trợ nhận được không đủ để mua suất TĐC tối thiểu. Trong những trường hợp này, TP cần có chính sách hỗ trợ người dân đủ để mua một suất TĐC tối thiểu.
Liên quan đến việc triển khai Chỉ thị 17, UBND TP HCM đã xây dựng kế hoạch nêu nhiều giải pháp cụ thể. Theo đó, yêu cầu Sở TN-MT chủ trì rà soát, tham mưu UBND TP hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất thay thế quyết định cũ (Quyết định 23/2015 của UBND TP).
Đồng thời, Sở TN-MT rà soát, tham mưu UBND TP kiến nghị với Chính phủ, bộ ngành trung ương sửa đổi, khắc phục những bất cập trong các quy định liên quan cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, TĐC.
UBND TP HCM vừa yêu cầu các đơn vị hữu quan tập trung rà soát, hoàn thành giải quyết một số vụ việc khiếu nại đông người tại các dự án đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, phải chấn chỉnh để đảm bảo đầy đủ pháp lý, công khai, minh bạch nhằm giảm dần các khiếu kiện, không để xảy ra “điểm nóng” và khiếu kiện đông người phát sinh từ việc thu hồi đất. |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/