|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chỉ định nhà đầu tư Khu phức hợp thông minh TP HCM: TP HCM làm khác nội dung báo cáo Thủ tướng

11:28 | 10/06/2019
Chia sẻ
Việc triển khai Dự án Khu phức hợp thông minh (Thủ Thiêm Eco Smart City) tại Khu chức năng 2a trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP HCM) đang có những bất cập liên quan đến việc lựa chọn nhà đầu tư. Dù Dự án có nhiều điều chỉnh cần khảo sát lại nhu cầu của nhà đầu tư nhưng Thành phố vẫn “kiên định” trong việc chỉ định nhà đầu tư. Việc chỉ định nhà đầu tư trong trường hợp này có đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật?

Chỉ định nhà đầu tư Khu phức hợp thông minh TP HCM: TP HCM làm khác nội dung báo cáo Thủ tướng - Ảnh 1.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Kiên trì xin… chỉ định nhà đầu tư

Báo cáo của UBND TP HCM cho thấy, Dự án ban đầu có quy mô thực hiện trên 10 lô đất theo quy hoạch phân khu 1/2000 được phê duyệt. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2,1 tỉ USD. Nhà đầu tư được đề xuất là Liên danh Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc (gồm 4 công ty con) và 3 công ty Nhật Bản. Tuy nhiên, đến nay, Dự án đã có sự thay đổi về quy mô, tổng vốn đầu tư và thành phần nhà đầu tư so với ban đầu (từ 10 lô đất xuống 6 lô đất, từ 2,1 tỉ USD xuống gần 886 triệu USD, từ 7 công ty xuống 4 công ty).

Trước đó, năm 2015, TP HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương được lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu với lý do khó kêu gọi đầu tư, nhu cầu cấp bách về việc thu tiền sử dụng đất để hoàn trả nợ gốc, lãi vay và chi phí cho đầu tư xây dựng hạ tầng Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tiếp đó, năm 2016, Thành phố kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu theo quy định tại Điểm a (chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện) hoặc Điểm b (chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc thu xếp vốn) tại Điều 22 Luật Đấu thầu.

Thông tin từ UBND TP HCM còn cho biết, thời điểm 9/3/2016, Công ty CP Đồng Nai Thái Sơn có văn bản xin tham gia đấu thầu. Tuy nhiên, Ban Quản lý đầu tư - xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã nhiều lần liên hệ với đại diện công ty này nhưng không được. Tìm hiểu của Báo Đấu thầu cũng cho thấy, Đồng Nai Thái Sơn là một doanh nghiệp… bí ẩn. Bởi ngoài địa chỉ đăng ký tại TP HCM, số điện thoại của người đại diện, Công ty này hoàn toàn không có bất kỳ thông tin nào khác liên quan đến lĩnh vực hoạt động, năng lực, kinh nghiệm, dự án đã triển khai…

Sau đó, TP HCM đã liên tục có thủ tục để chỉ định cho Liên danh Tập đoàn Lotte và các công ty Nhật Bản thực hiện Dự án. Cụ thể, ngày 23/5/2016, TP HCM chấp thuận đề nghị chỉ định Liên danh Tập đoàn Lotte và các công ty Nhật Bản làm nhà đầu tư thực hiện Dự án theo Điều 22 Luật Đấu thầu (chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện do liên quan đến thu xếp vốn).

Ngày 28/4/2017, UBND TP HCM đã có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn liên danh nhà đầu tư gồm 4 công ty thuộc Tập đoàn Lotte (Công ty Lotte Asset Development, Công ty Lotte Shopping, Công ty Lotte Hotel và Công ty Lotte Engineering and Construction) làm nhà đầu tư thực hiện Dự án.

Được biết, để được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện Dự án, vào tháng 8/2015, Tập đoàn Lotte đã chấp nhận ký quỹ và đóng khoảng 2.000 tỉ đồng tiền sử dụng đất để được giao trước 6 lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Khi có điều chỉnh cần đánh giá lại nhu cầu của nhà đầu tư

Ban Quản lý đầu tư - xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho biết, Dự án Thủ Thiêm Eco Smart City được đầu tư xây dựng trên khu đất có tổng diện tích là 74.513,9 m2 (trong đó: diện tích phát triển Dự án khoảng 50.122 m2, diện tích đường giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh khoảng 24.391,9 m2). Tổng chi phí thực hiện Dự án (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng); đơn giá tiền sử dụng đất, thuê đất, giá trị nộp ngân sách nhà nước là 20.100 tỉ đồng. Nguồn vốn do nhà đầu tư tự thu xếp. Dự án được khai thác trong thời gian 50 năm, kể từ ngày 28/4/2017. Thời gian xây dựng công trình là 72 tháng, kể từ ngày 28/4/2017.

Trước những kiến nghị trên của TP HCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có ý kiến chính thức gửi Văn phòng Chính phủ. Theo đó, đến nay, Dự án đã có nhiều điều chỉnh lớn. “Điều này dẫn đến các điều kiện thực hiện Dự án đã thay đổi (yêu cầu về vốn giảm xuống nên khả năng nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn), theo đó cần phải xem xét, đánh giá, khảo sát lại nhu cầu tham gia của nhà đầu tư. Tuy nhiên, TP HCM đã không đề cập đến việc đã thông báo rộng rãi cho các nhà đầu tư tham gia đấu thầu khi Dự án có những điều chỉnh này”, Bộ KH&ĐT cho biết.

Chính từ những phân tích trên, Bộ KH&ĐT cho biết: “Việc TP HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 nhà đầu tư, tổng vốn đầu tư 886 triệu USD là chưa đúng với những nội dung đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 92/UBND-ĐTMT ngày 11/1/2016”.

Dù nội dung Dự án thay đổi dẫn đến việc phải xem xét, đánh giá, khảo sát lại nhu cầu tham gia của nhà đầu tư, song báo cáo mới nhất của TP HCM vẫn không nêu rõ căn cứ áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 22 Luật Đấu thầu, cũng như quá trình đánh giá lại nhu cầu tham gia Dự án của các nhà đầu tư khác sau khi Dự án được điều chỉnh. “Đề nghị TP HCM rà soát lại quá trình lựa chọn nhà đầu tư triển khai theo quy định của Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư”, Bộ KH&ĐT nêu ý kiến.

Hải An