Chân dung ông Nguyễn Vũ Trường Sơn – người mới xin từ chức Tổng Giám đốc PVN
Hôm nay 13/3, các báo Thanh Niên, VnExpress, Dân trí, ... đồng loạt đưa tin ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Thành viên Hội đồng thành viên (HĐTV) kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có đơn xin từ chức gửi HĐTV PVN.
Theo đó, đơn xin từ chức của ông Sơn đã được gửi tới HĐTV trước đó một thời gian. Ngày 12/3, HĐTV PVN đã họp để xem xét đơn này.
Theo quy trình, việc xử lý đơn từ chức của ông Sơn cần báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
Ông Sơn sinh ngày 10/8/1962, quê quán tại Quảng Trị. Ông Sơn có trình độ thạc sĩ thiết kế công nghệ hệ thống Đại học RMIT (Australia), kĩ sư chuyên ngành công nghệ khai thác dầu khí, Đại học Hóa dầu Bacu (thuộc nước Cộng hòa Azerbaijan trong Liên Xô cũ) năm 1986.
Ông Sơn về công tác tại Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt Xô (Vietsovpetro) từ năm 1987, trải qua nhiều vị trí công tác như Đốc công, Phó phòng kĩ thuật, Trưởng phòng kĩ thuật, Giám đốc xí nghiệp,
Đến tháng 4/2009, ông Sơn được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro. Tháng 7 cùng năm, ông Sơn làm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP).
Từ tháng 2/2012 đến tháng 3/2016, ông là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)
Sau hơn 4 năm ngồi ghế Phó Tổng Giám đốc, ngày 4/3/2016, ông Sơn được bổ nhiệm làm Thành viên HĐTV kiêm Tổng Giám đốc PVN.
Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn phát biểu tại lễ nhậm chức Tổng Giám đốc PVN ngày 4/3/2016. Ảnh: bsr.com.vn
Ông Sơn nhậm Tổng giám đốc PVN trong bối cảnh ngành dầu khí Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là giá dầu thô thế giới xuống thấp kỉ lục. Phát biểu tại lễ nhậm chức, ông Sơn đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của PVN trong thời gian sau đó là:
Thứ nhất, tập trung các giải pháp về con người, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực.
Thứ hai, giải pháp tái cơ cấu và Quản trị doanh nghiệp, tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý theo hướng tinh gọn, hiệu quả, áp dụng phương thức quản trị theo chuẩn mực quốc tế.
Thứ ba, giải pháp về nguồn vốn, duy trì kế hoạch đầu tư các dự án trọng điểm đến năm 2020, trước mắt cân đối dòng tiền, kế hoạch huy động vốn để kịp ứng phó trước diễn biến giá dầu ở đang ở mức thấp.
Thứ tư, giải pháp về Quản trị đầu tư, mục tiêu chính là tiết kiệm tối đa phí đầu tư các dự án, công trình, rà soát hoạt động đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Thứ năm, bảo vệ chủ quyền biển đảo, Tập đoàn chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan tiếp tục thực hiện các hoạt động dầu khí gắn liền với bảo vệ chủ quyền; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài duy trì sự có mặt, triển khai hoạt động tại các khu vực cho phép.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch HĐTV PVN trao Quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc PVN cho ông Nguyễn Vũ Trường Sơn ngày 4/3/2016. Tháng 3 năm sau, ông Khánh bị cho thôi chức Chủ tịch HĐTV PVN. Ảnh: bsr.com.vn
Ngày 9/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định cho thôi chức vụ Chủ tịch HĐTV đối với ông Nguyễn Quốc Khánh để ông về nhận nhiệm vụ tại Bộ Công Thương. Tháng 4/2017, tại kì họp thứ 14 Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra nhiều khuyết điểm của lãnh đạo PVN các thời kì, trong đó có ông Nguyễn Quốc Khánh. Tháng 12 cùng năm, ông Khánh bị khởi tố và bắt tạm giam.
Từ tháng 3/2017, ông Sơn được giao Phụ trách HĐTV thay cho ông Khánh, đồng thời ông Sơn vẫn là Tổng Giám đốc PVN.
Ngày 27/12/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kí quyết định bổ nhiệm ông Trần Sỹ Thanh, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN.
Vì thế từ tháng 1/2018, ông Sơn vẫn là thành viên HĐTV của PVN nhưng không còn phụ trách HĐTV này, đồng thời ông vẫn giữ chức Tổng Giám đốc Tập đoàn đến tháng 3 năm nay khi HĐTV PVN họp để xem xét đơn xin từ chức của ông.
Theo thông tin từ website PVN, ông Sơn từng được nhận Huân chương Lao động hạng II, hạng III; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ Công thương, danh hiệu Chiến sĩ thi đua của Bộ Công thương.