|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Cấm xe máy vào nội đô TP HCM vào năm 2030 là không tưởng!

17:25 | 21/02/2019
Chia sẻ
"Quyền chọn phương tiện là của mỗi người dân. Phải có một tiến trình lâu dài theo năng lực tài chính của thành phố chứ không thể nào cưỡng bức".

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải trình Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn”.

Theo đó, đến năm 2030, khi giao thông công cộng phát triển, TP HCM sẽ cấm xe máy đi vào nhiều khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại tỏ ra quan ngại về đề án này.

cam xe may vao noi do tp hcm vao nam 2030 la khong tuong
Cấm xe máy vào nội đô TP HCM vào năm 2030 là không tưởng!

Theo Sở Giao thông vận tải, đề án khi thực hiện sẽ giảm ùn tắc giao thông, giảm thời gian đi lại, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, xây dựng hình ảnh thành phố văn minh hiện đại. Khi giảm phương tiện cá nhân và tăng sử dụng phương tiện công cộng sẽ góp phần tiết kiệm chi phí chung của xã hội… nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mục tiêu cụ thể của đề án là đến năm 2020, vận tải công cộng đảm nhận 15 - 20% và nâng lên khoảng 26% vào năm 2025 và đạt từ 29 - 37% vào năm 2030. Khi thị phần đảm nhận của giao thông công cộng tăng cao, thành phố sẽ tiến hành hạn chế và tiến tới ngưng hoạt động xe máy ở một số khu vực trung tâm ở Quận 1, 3, 5, 10…

Theo dõi đề án này, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Lê Ninh, ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM cho rằng, nếu lập luận đơn giản rằng tăng xe buýt thì người dân bớt đi xe máy là không thực tế.

Bởi, nếu như thành phố còn chưa thoát khỏi kiểu suy nghĩ đơn giản này thì sẽ không bao giờ thành công vì không thể nào “cấm được xe máy”.

“Đây là vấn đề xã hội học chứ không đơn giản là vấn đề toán học. Chúng ta phải nghiên cứu đồng bộ và quy hoạch phát triển thành phố thành những khu dân cư và khu công nghiệp khép kín. Người dân ở đâu đi làm ở đó chứ không có chuyện ở một nơi làm một nẻo. Ở Bình Chánh mà đi làm tận Thủ Đức, đi xe buýt lại không cho mang đồ nghề dụng cụ theo thì người ta đi bằng gì?”, ông Lê Ninh nói.

cam xe may vao noi do tp hcm vao nam 2030 la khong tuong
Xe máy là phương tiện di chuyển chủ yếu ở TP HCM và nhiều đô thị lớn tại Việt Nam.

Tiến sỹ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng thành phố cũng cho rằng, mốc thời gian đến năm 2030 thì gần như chắc chắn thành phố không thể đạt được mục tiêu cấm xe máy. Tiến sỹ Võ Kim Cương lí giải, TP HCM có cấu trúc đường hẻm nên muốn phát triển mạnh giao thông công cộng thuận lợi và cấm hoàn toàn xe máy thì phải đập bỏ và xây lại gần như toàn bộ. Điều này là không thể nên xe máy vẫn phải luôn tồn tại để phù hợp với cấu trúc này.

Theo ông Cương, cần thiết nhất hiện nay không phải cấm xe máy mà nên có chính sách hạn chế lâu dài ô tô con và tiến dần đến hạn chế dần xe máy: “Phải có một tiến trình lâu dài theo năng lực tài chính của thành phố chứ không thể nào ‘cưỡng bức’. Quyền đi lại, quyền chọn phương tiện là của mỗi người dân. Tạo điều kiện như thế nào để người dân chọn là việc của Nhà nước. Nếu có đường xá tốt, giao thông công cộng tốt thì người dân sẽ chọn phương án đi xe công cộng, còn nếu không làm tốt mà ‘cưỡng bức’ người dân đi xe công cộng thì sẽ mất lòng dân”.

Tương tự, theo ý kiến của Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Sở Giao thông Vận tải đã tiếp thu ý kiến của các chuyên gia là nâng tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng đến tỷ lệ thích hợp để bỏ dần xe máy. Đây là hướng đi đúng đắn nhưng, việc bỏ hẳn xe máy là chuyện không thể bởi mỗi loại hình quy hoạch đô thị thì có loại hình giao thông tương ứng.

Vì thế, không nên đưa ra các tiêu chí quá cực đoan mà thành phố nên bảo tồn chỉnh trang các khu đô thị cũ, khống chế mật độ dân số ở khu vực này và khuyến khích mật độ dân số cao ở các khu đô thị mới thì mới tận dụng hệ thống giao thông công cộng hiệu quả.

cam xe may vao noi do tp hcm vao nam 2030 la khong tuong

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói: “Tôi thấy một định hướng đúng đắn trong tương lai là phân vùng ra, có những khu vực để có giải pháp phù hợp chứ không nên máy móc. Xe máy cũng là một phần bản sắc lịch sử của khu đô thị nên tôi nghĩ giải pháp này phù hợp, thực tế hơn là chúng ta hướng tới 2030 xóa trắng xe máy ra khỏi thành phố là không tưởng”.

Thự tế rõ ràng, với 3/4 người dân đang kiếm sống và di chuyển bằng xe máy tại TP HCM, thì đề án này chắc chắn sẽ vấp phải những khó khăn rất lớn. Mục đích cũng như định hướng về việc xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, hạn chế kẹt xe, ùn tắc giao thông là đúng nhưng… chắc chắn các cấp các ngành có chức năng phải tính toán kỹ lưỡng để có những kết quả tốt nhất mà không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Xem thêm

Hà Khánh

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.